Nhắc tới trận chiến Xích Bích, những cái tên như Tào Tháo, Chu Du, Gia Cát Lượng sẽ trở thành tâm điểm. Nhưng còn một nhân vật khác tưởng chừng mờ nhạt hơn lại có những toan tính tỉ mỉ cho chiến lược lâu dài, đó là Lưu Bị.
Đầu tiên phải kể đến mối liên minh của quân đội của Lưu Bị và Tôn Quyền. Theo "Tam Quốc Chí" của Trần Thọ, mối liên minh này mặt ngoài thể khá khăng khít bởi hai cơ sở:
Thứ nhất, sự quyết tâm của Gia Cát Lượng trong việc làm sứ giả đến thuyết phục Tôn Quyền tiến hành chiến tranh chống lại Tào Tháo.
Thứ hai, Tôn Quyền đã khá "hào phóng" khi đồng ý nếu chiến thắng sẽ cho Lưu Bị mượn tạm đất Kinh Châu vì Lưu Bị sau một loạt thất bại trước Tào Tháo thì không có được một nơi chắc chắn để đóng quân và xây dựng lực lượng.
Đến nay, vẫn chưa có tư liệu chắc chắn về số lượng quân Tào tham gia chiến dịch tiến xuống phía Nam. Các nguồn sử liệu mà đáng tin nhất là các phần "Ngụy Chí", "Ngô Chí" trong chính "Tam Quốc chí" miêu tả chủ yếu vẫn cho rằng con số rơi vào khoảng 23 vạn quân. Còn phía Tôn Quyền có khoảng 3 vạn quân.
Nhưng khá ít, nếu không muốn là gần như không có đề cập đến số quân của Lưu Bị tham gia trực diện vào trận chiến. Thậm chí, trong phần "Thục Chí" (ghi lại quá trình chiến đấu và hình thành nước Thục Hán của Lưu Bị) cũng không đả động đến số lượng quân tham gia liên minh với Tôn Quyền ở một trận đánh nổi tiếng như Xích Bích.
Tại sao lại có lỗ hổng đáng nghi đến như vậy?
Lưu Bị không đem hết quân của mình để dốc sức trong trận Xích Bích?
Vì không có một sử liệu nào khẳng định chính xác nhất về số quân của Lưu Bị, nên bản thân các sử gia đời sau này cũng chỉ dựa vào các chi tiết liên quan để ước đoán số quân mà vị Chúa công của Gia Cát Lượng mang vào trận chiến.
Cụ thể trong phần "Thục Chí, Gia Cát truyện" mô tả khi Gia Cát Lượng báo với Lưu Bị tình hình quân sự có nói như sau: "Trận này quân của Quan Vũ có lính thủy tinh nhuệ, quân của công tử Lưu Kỳ ở đất Giang Hạ, hợp lại không dưới vạn người".
(Chú thích: Quan Vũ là dũng tướng hàng đầu của Lưu Bị, còn Lưu Kỳ là con trai Lưu Biểu – người đứng đầu cũ của Kinh Châu và đã mất, Lưu Kỳ không giống như người em khác mẹ Lưu Tông đã hàng Tào Tháo mà quyết theo Lưu Bị chống quân Tào).
Như vậy, có thể quân của Lưu Bị trước trận Xích Bích là khoảng 1 vạn quân (10.000 người), ít nhất nếu đem so với Tào Tháo và Tôn Quyền.
Còn trong "Giang Biểu truyện" - Một cuốn sách được viết bởi Ngu Phổ - nhà sử học thời Tây Tấn thì Lưu Bị đã để lại khoản 2 ngàn quân, cho Quan Vũ và Trương Phi đứng đầu, đề phòng Tôn Quyền và tướng của mình là Chu Du thất bại trong trận Xích Bích thì sẽ tiến hành rút lui để bảo toàn lực lượng.
Cũng trong "Giang Biểu truyện" có ghi về việc "... Chu Du nói rằng mình có 3 vạn quân, Lưu Bị có trợ giúp thêm 2.000 quân cùng tướng Quan Vũ và Trương Phi nhưng không chịu sự ràng buộc" (ý nói 2.000 quân cùng Quan Vũ và Trương Phi sẽ tham chiến nhưng không chịu sự chỉ đạo dưới quyền Chu Du). Có thể thấy, Lưu Bị không đem toàn bộ quân đội để đánh kiểu "tất tay" trong trận Xích Bích.
Trận Xích Bích trên danh nghĩa là liên quân Tôn – Lưu nhưng quân đội của Tôn Quyền mới là bên tham chiến nhiều hơn và chịu tổn thất lớn hơn (AẢnh: Internet)
Trận Xích Bích có thể chia làm ba giai đoạn mà trong đó giai đoạn đầu là cuộc đụng độ của liên quân Tôn Lưu với quân Tào Tháo, khiến quân Tào Tháo không thể tiến thẳng vào Xích Bích mà phải đóng quân ở Ô Lâm.
Tham khảo sách "Ngô Thư" của tác giả Vi Diệu – một nhà sử học và là đại thần của Đông Ngô thì có đoạn miêu tả lời thúc giục của Quan Vũ với quân tướng rằng "chiến trường Ô Lâm, tướng trong hàng ngũ, không được mỏi mệt lơ là". Từ đó suy ra, trước khi trận chiến chính nổ ra tại Xích Bích, quân của Lưu Bị đã tham chiến.
Ngay sau khi Tào Tháo bại ở Xích Bích là giai đoạn cuối của cuộc chiến. Liên quân Tôn Lưu tiến hành truy kích tàn quân của Tào Tháo đến Nam Quận.
Từ các phân tích trên, có thể thấy Lưu Bị đã quyết tham gia liên minh với Tôn Quyền chống lại Táo Tháo, nhưng ông không hoàn toàn tin tưởng rằng kết cục cuốc chiến sẽ là chiến thắng. Vì thế nên không muốn dồn tất cả lực lượng vào trận đánh.
Chúng ta có thể đoán rằng Lưu Bị đã dành riêng cho mình "lối thoát" trong trường hợp liên quân Tôn Lưu thất bại. Đây là điều khá dễ hiểu vì Lưu Bị là một nhà chính trị và ông sẽ luôn tính toán đến các bước đi dài hơi chứ không dồn lực cho một "canh bạc" khó khăn như Xích Bích.