Tham vọng "thoát Mỹ" của TQ hiện rõ trong kế hoạch chiến lược quốc gia: Nói dễ hơn làm?

Tất Đạt |

Trung Quốc muốn thoát khỏi Mỹ bằng cách tự cải thiện năng lực công nghệ và trở nên độc lập hơn trong vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, đây là việc nói dễ hơn làm - CNN nhận định.

Trong tuần này, Bắc Kinh đã vạch ra kế hoạch độc lập kinh tế khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra mục tiêu cho Kế hoạch 5 năm mới nhất của nước này, bao gồm những hoạt động chiến lược sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 tới năm 2025. Đây cũng là kế hoạch kinh tế và chính trị then chốt của quốc gia này.

Chi tiết cụ thể của kế hoạch có thể sẽ được giữ kín trong nhiều tháng, nhưng công bố ngày 29/10 cho thấy Trung Quốc muốn thúc đẩy độc lập công nghệ và tự chủ về kinh tế. Bằng cách này, Trung Quốc có thể sẽ "bình yên vô sự" khi bị Mỹ hạn chế tiếp cận các công nghệ cốt lõi.

"Chúng ta sẽ xây dựng một thị trường nội địa mạnh mẽ, thiết lập những xu hướng phát triển mới. Tiêu dùng nội địa sẽ là chiến lược then chốt".

Thông điệp từ Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý của phương Tây. Trong năm nay, Trung Quốc có khả năng sẽ là quốc gia lớn duy nhất tăng trưởng dương giữa đại dịch COVID-19.

Tương lai của Trung Quốc cũng gắn chặt với các vấn đề thương mại và công nghệ liên quan tới Mỹ trong khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế này càng ngày càng trở nên tệ hơn.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Wang Zhigang nói: "Tự chủ công nghệ là trụ cột chiến lược cho sự phát triển của quốc gia. Chúng ta cần phải đẩy mạnh sáng tạo độc lập và làm tốt việc của mình. Đó là bởi vì những công nghệ quan trọng không thể mua hay lấy được [từ quốc gia khác]".

Nói dễ hơn làm

Tham vọng của Trung Quốc trong việc đạt được tự chủ kinh tế không phải là điều mới. Các kế hoạch 5 năm trước đây đã ưu tiên tăng trưởng bền vững và mở rộng nền công nghiệp nội địa. Gần đây, kế hoạch tham vọng 10 năm - có tên "Made in China 2025" - đã được xây dựng để thúc đẩy ngành sản xuất của Trung Quốc áp dụng công nghệ tiên tiến hơn.

Tuy vậy, đạt được tự chủ về kinh tế là điều nói dễ hơn làm.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc của Capital Economics, viết: “Không có gì đảm bảo rằng những nỗ lực thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp trong các lĩnh vực cụ thể sẽ thành công".

Ông Evans-Pritchard chỉ ra rằng những sự kiện không lường trước được có thể làm chệch hướng kế hoạch của Trung Quốc, chẳng hạn như Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đã tàn phá ngành công nghiệp thịt lợn của nước này vào năm ngoái. Dịch bệnh xóa sổ 1/3 đàn lợn của Trung Quốc, gây ra tình trạng thiếu hụt khiến Bắc Kinh phải nhập khẩu một lượng lớn thịt.

Đối với các lĩnh vực công nghệ cao, việc xóa bỏ phụ thuộc nước ngoài còn khó hơn. Trung Quốc rất cần linh kiện của các nước khác để theo đuổi công nghệ thế hệ tiếp theo. Nước này đã nhập khẩu lượng chip điện tử trị giá hơn 300 tỷ USD vào năm ngoái, nhiều hơn khoảng 64 tỷ USD so với chi phí dầu thô.

"Made in China 2025" được tạo ra nhằm giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc đó, bao gồm các mục tiêu 40% chip được sản xuất trong nước vào năm 2020 và con số tương ứng 70% vào năm 2025.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa đạt được những mục tiêu đó. Theo một nghiên cứu, năm ngoái, chưa đến 16% số chip mà Trung Quốc cần được sản xuất trong nước.

Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường của JP Morgan Asset Management, cho biết: “Với khoảng cách lớn giữa Trung Quốc và Mỹ trong ngành bán dẫn, Trung Quốc sẽ phải đầu tư một khoản khổng lồ trong thời gian dài để bắt kịp Mỹ".

Theo ông Evans-Pritchard, kinh tế tự túc không phải lúc nào cũng tốt cho sự phát triển kinh tế. Cụ thể, các công ty dường như hoạt động hiệu quả nhất khi họ có thể tự do lựa chọn giữa nguồn đầu vào trong nước hoặc nhập khẩu.

Bắc Kinh bị hạn chế

Washington và Bắc Kinh hiện vẫn đang vướng vào cuộc chiến leo thang về công nghệ, thương mại và an ninh quốc gia. Mỹ đã áp đặt các trừng phạt nặng nề đối với các công ty Trung Quốc phụ thuộc vào công nghệ Mỹ để phát triển, bao gồm "gã khổng lồ công nghệ" Huawei. Những công ty công nghệ khác của Trung Quốc, bao gồm SMIC, cũng lọt vào tầm ngắm của Washington.

Ông Evans-Pritchard cho rằng Trung Quốc vẫn cần tìm ra cách để giải quyết các vấn đề lớn nhất của mình, bao gồm dân số già và việc phụ thuộc quá nhiều vào chiến lược đầu tư tập trung vào cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo tăng trưởng.

"Nếu không giải quyết kịp các vấn đề này, chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng của Trung Quốc có thể chậm lại chỉ còn 2% vào năm 2030," ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại