Hãng Reuters (Anh) đưa tin vào ngày 15/1 rằng, trong nhiều năm, chính phủ Mỹ đã thúc giục Trung Quốc thể hiện "sự kiềm chế" trong việc gia tăng yêu sách của mình đối với đảo Đài Loan và từ bỏ việc đe dọa sử dụng biện pháp quân sự để thống nhất hòn đảo này.
Nhưng đến hiện tại, một số nhà bình luận Trung Quốc cho biết sức mạnh từ thông điệp lâu nay của Mỹ đã bị suy yếu bởi lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc kiểm soát Greenland và Kênh đào Panama, nếu cần thiết có thể dùng vũ lực.
Ông Trump phá vỡ chuẩn mực ngoại giao có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc
Theo Reuters, trong những ngày gần đây, những hàm ý trong lời phát biểu của ông Trump đã được thảo luận rộng rãi trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc và bởi những nhà phân tích chính sách đối ngoại, trong mối tương quan chính sách của Mỹ đối với đảo Đài Loan.
Mặc dù tình trạng căng thẳng về mặt quân sự ở eo biển Đài Loan khó có thể thay đổi trong tương lai gần, một số chuyên gia cho rằng việc ông Trump phá vỡ các chuẩn mực ngoại giao của Mỹ có thể tạo ra cơ hội cho Trung Quốc Đại lục.
Một chuyên gia Trung Quốc cho biết nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump đã báo hiệu rằng ông coi chính sách đối ngoại là mang tính giao dịch, và cho rằng ông Trump có thể chấp nhận một thỏa thuận về Đài Loan trong nhiệm kỳ tới.
Giáo sư Zhao Minghao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết những lời đe dọa của ông Trump về việc “thâu tóm” Greenland, Kênh đào Panama và thậm chí cả Canada cần phải được xem xét nghiêm túc.
"Bên cạnh đó, chúng ta cần phải suy nghĩ về chủ nghĩa giao dịch của ông Trump, điều mà ông ấy cũng rất nghiêm túc. Nhiều người ở Trung Quốc vẫn coi ông Trump là người thích thỏa thuận, ngay cả đối với những vấn đề rất khó khăn như vấn đề Đài Loan", Zhao nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thật "vô lý" khi cố gắng liên kết vị thế của Greenland với vấn đề Đài Loan.
"Vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc và cách giải quyết là việc của người dân Trung Quốc", bộ này cho biết trong tuyên bố gửi tới Reuters.
Trung Quốc khẳng định rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất.
Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Trump vẫn chưa phản hồi đề nghị bình luận của Reuters.
Theo Reuters, một yếu tố hạn chế đối với Bắc Kinh là Mỹ bị ràng buộc theo luật pháp phải cung cấp cho Đài Loan các khí tài để tự vệ, mặc dù không rõ liệu lực lượng Mỹ có đến hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc Đại lục hay không.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump từng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Loan, bao gồm cả việc hợp thức hóa giao dịch vũ khí với hòn đảo. Nhưng trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã nói rằng Đài Loan cần trả tiền cho Mỹ để được bảo vệ. Và Đài Loan đã nhiều lần khẳng định cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.
Vấn đề Đài Loan rất khác so với Greenland
Reuters nhận định, vấn đề Đài Loan rất khác so với tình hình Greenland, Canada hay Kênh đào Panama. Bắc Kinh nhấn mạnh Đài Loan là lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc và tương lai tất yếu của đảo này là "trở về với đất mẹ".
Và những phát biểu của ông Trump về Greenland đã gây xôn xao trên các mạng xã hội Trung Quốc.
"Nếu Greenland bị Mỹ sáp nhập, Trung Quốc phải chiếm Đài Loan", giáo sư luật Wang Jiangyu tại Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) viết trên trang blog Weibo.
Tài khoản bình luận Hongtu Shumeng trên trang Baijiahao cho biết nếu ông Trump thực sự có động thái thúc đẩy việc mua đảo Greenland, Trung Quốc nên "nắm bắt cơ hội để giành lại Đài Loan".
"Ông Trump có vẻ nghiêm túc, vì vậy chúng ta [Trung Quốc] cũng nên xem chúng ta có thể đạt được gì từ việc này", tài khoản này viết.
Tuy nhiên, Bonnie Glaser - một chuyên gia về Đài Loan tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ - cho biết, đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có những yếu tố khác có sức nặng hơn, đặc biệt là đánh giá của ông về năng lực quân sự của nước này và những chi phí mà Trung Quốc phải gánh chịu nếu sử dụng vũ lực nhằm vào Đài Loan.
"Tôi nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ so sánh ngang hàng giữa Greenland và Đài Loan", bà nói. "Người Trung Quốc tin rằng Đài Loan đã và luôn là một phần của Trung Quốc, nên họ sẽ không trả tiền cho nó."