Thăm Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc sẽ bàn chuyện khiến Trung Quốc giận dữ

Bình Giang |

Khi Tổng thống Moon Jae-in gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào thứ 6 này, hai bên có thể bàn bạc về cách Seoul sẽ hợp tác với Bộ Tứ.

Mỹ đang muốn Hàn Quốc hợp tác nhiều hơn trong những chính sách liên quan đến Trung Quốc. Nhưng Seoul có vẻ Hàn Quốc muốn giữ quan hệ với Bộ Tứ ở mức không khiến Trung Quốc nổi giận mà trả đũa.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3, các lãnh đạo Bộ Tứ, gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, quyết định sẽ thành lập các nhóm làm việc tập trung vào vấn đề vắc-xin, công nghệ và biến đổi khí hậu.

Washington đang thúc giục Hàn Quốc và một số nước khác tham các nhóm làm việc, Nikkei Asia dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết. Chính quyền Moon đang cân nhắc tham gia những nhóm làm việc đó.

Hai bên hiện vẫn tiếp tục thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Hàn thông qua các kênh hậu trường.

Bộ Tứ, với tên gọi đầy đủ là Đối thoại An ninh Bộ Tứ, được coi là nỗ lực để cạnh tranh với sức ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc.

Dù Mỹ là đồng minh duy nhất của Hàn Quốc nhưng chính quyền Moon đang nỗ lực cân bằng để không quá nghiêng về phía Mỹ hay Trung Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc vẫn duy trì khoảng cách nhất định với Bộ Tứ vì nhóm này xác định mục tiêu chống Trung Quốc mạnh mẽ. Seoul nói rằng chưa bao giờ nhận được lời đề nghị tham gia khuôn khổ này. Nhưng khi Mỹ nhiều lần đề nghị, có vẻ Hàn Quốc đang định tham gia ở mức độ nhất định.

Đối lại sự tham gia hạn chế vào Bộ Tứ, Tổng thống Moon muốn thuyết phục ông Biden nối lại đối thoại với Triều Tiên. Ông Moon muốn xác nhận rằng chính quyền Biden vẫn ủng hộ tuyên bố chung mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Ung và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tại Singapore năm 2018.

Tuyên bố này nói rằng Triều Tiên “cam kết hợp tác để tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Muốn Triều Tiên đi theo hướng đó, Hàn Quốc đang nỗ lực tìm kiếm đồng thuận xung quanh khái niệm phi hạt nhân hóa, bao gồm việc nới lỏng trừng phạt để đạt được mục tiêu đó.

Việc Mỹ cung cấp vắc-xin cho Hàn Quốc cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự ngày 21/5. Ông Moon đang hứng nhiều chỉ trích vì chậm trễ trong mua vắc-xin. Seoul đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng cho 70% dân số vào tháng 9 năm nay, nhưng điều này có vẻ khó thành hiện thực.

Mỹ nói rằng sẽ ưu tiên cho các nước Bộ Tứ khi cung cấp vắc-xin. Washington có vẻ đang muốn xác định quy mô hỗ trợ vắc-xin cho Hàn Quốc dựa trên thái độ của Seoul đối với Bộ Tứ.

Việc Hàn Quốc nhận được nguồn hỗ trợ vắc-xin đáng kể sẽ là một nhân tố quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống vào mùa xuân tới. Một số chuyên gia cho rằng ông Moon sẽ buộc phải hợp tác với Bộ Tứ vì những tính toán chính trị này.

Hàn Quốc cũng dự định sẽ hợp tác với Mỹ trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn, nên giám đốc điều hành Điện tử Samsung và SK Hynix dự kiến sẽ thuộc đoàn tháp tùng ông Moon trong chuyến đi Washington lần này. Đoàn thăm dự kiến sẽ tham dự cuộc họp của Bộ Thương mại Mỹ trong ngày 20/5 để bàn về các kế hoạch đầu tư và ổn định chuỗi cung ứng.

Nếu Hàn Quốc xích lại gần Bộ Tứ hơn, Trung Quốc chắc chắn không ngồi yên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ví Bộ Tứ là phiên bản của NATO ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Khi người tiền nhiệm của ông Moon, bà Park Geun-hye, quyết định cho triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc năm 2016, Trung Quốc đáp trả bằng những hành động kinh tế quyết liệt, như hạn chế khách du lịch sang Hàn Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại