Thảm kịch nhập cư kinh hoàng ở Anh hé lộ phần nổi của đường dây buôn người

Hồng Anh |

Cách đây gần 20 năm, nước Anh từng bị sốc bởi 2 thảm kịch liên quan đến người nhập cư Trung Quốc tại nước này.

Giờ đây, một thảm kịch khác lại xảy ra, như lời nhắc nhở đau đớn về những mối nguy hiểm do nạn buôn bán người gây ra.

Ngày 20/6/2000, thi thể của 58 người quốc tịch Trung Quốc đã được tìm thấy trong một container chở hàng tại thành phố cảng Dover. Ngay sau đó, Thủ tướng Anh Tony Blair nói rằng, vụ việc nhấn mạnh sự cần thiết phải dập tắt “nạn buôn người tàn ác”.

Chưa đầy 4 năm sau, một thảm kịch khác tiếp tục xảy ra, cho thấy, ngay cả khi đã bắt đầu kế sinh nhai tại nước Anh, những người nhập cư bất hợp pháp vẫn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Trước đó, một nhóm người nhập cư Trung Quốc làm nghề thu hoạch sò ở Vịnh Morecambe đã bị mắc kẹt khi thủy triều lên vào ngày 5/2/2004. Bất chấp những nỗ lực cứu hộ tích cực, ít nhất 21 người đã bị chết đuối. Trong những năm sau đó, chủ đề người di cư Trung Quốc tại Anh đã bị lu mờ bởi sự tập trung vào các nhà đầu tư giàu có từ cường quốc kinh tế này và sự gia tăng số người nhập cư cũng như tị nạn từ Trung Đông và Châu Phi.

Thảm kịch do nạn buôn bán người gây ra thêm một lần nữa lại bị khoét sâu khi hôm 23/10/2019, cảnh sát Anh tuyên bố họ tìm thấy thi thể của 39 người trong container đặt phía sau xe đầu kéo tại một khu công nghiệp ở Grays, Essex. Cảnh sát ngày 24/10 cho biết “những người chết có thể là công dân Trung Quốc”. Tin tức này đã làm dấy lên phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Hu Xijin, biên tập viên tờ Thời báo Hoàn cầu đã viết một số bài phê bình trên trang Weibo.

Trong một thông điệp gửi tờ Washington Post, ông Hu Xijin nói rằng, điều quan trọng là phải xem xét “liệu có vấn đề đối xử phân biệt nghiêm trọng hoặc sự vô nhân đạo” trong cách chính quyền Anh xử lý người nhập cư bất hợp pháp hay không, đồng thời tìm hiểu lý do tại sao công dân Trung Quốc lại di cư bất hợp pháp sang Anh.

“Tại sao lại xảy ra ít nhất 3 trường hợp tử vong hàng loạt tại Anh và nạn nhân là người Trung Quốc? Trung Quốc không nghèo đến mức người dân không thể sống ở quê hương mình. Có nhiều cách để ra nước ngoài hợp pháp. Người dân Trung Quốc cũng có thể bảo vệ quyền lợi của mình ở nước ngoài”, Hu Xijin viết.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho biết, cơ quan này rất “đau buồn” khi nhận được thông tin, đồng thời đang liên hệ chặt chẽ với cảnh sát Anh để làm rõ và xác nhận các báo cáo liên quan.

Vẫn chưa rõ có bao nhiêu công dân Trung Quốc đang sinh sống tại Anh bất hợp pháp. Theo ước tính, con số này có thể lên đến hàng trăm nghìn. Một số là người tị nạn nhưng cũng có số khác di cư vì lý do kinh tế. Các cuộc khảo sát cho thấy, nhiều người nhập cư bất hợp pháp đến từ Trung Quốc đã bị bóc lột bởi chủ lao động. Sau thảm họa tại Vịnh Morecambe, cảnh sát nói rằng người nhập cư chỉ được trả 1 bảng Anh để làm việc 9 giờ đồng hồ trong điều kiện nguy hiểm. Mặc dù các biện pháp ngăn chặn nạn buôn người đã được cải thiện sau vụ việc tại Vịnh Morecambe, tuy nhiên theo một số nguồn tin, bến cảng nhỏ, nơi container chở 39 thi thể đến Anh vào ngày 23/10 tại Purfleet ở Essex không có công nghệ cần thiết để quét container.

Chính phủ Anh đã theo đuổi chính sách cứng rắn đối với người di cư bất hợp pháp kể từ năm 2012. Cảnh sát Anh cho biết, có rất nhiều băng đảng “đầu rắn” chuyên thực hiện công việc buôn bán công dân Trung Quốc vào Anh.

Đầu rắn" là tên gọi của các băng nhóm được thành lập ở tỉnh Phúc Kiến, miền Nam Trung Quốc, chuyên đưa lậu người từ nước này sang các nước phương Tây, bao gồm Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia hoặc một số khu vực khác. Lin Liang Ren, kẻ cầm đầu một băng đảng, từng đe dọa những người sống sót sau thảm họa Morecambe đã bị kết án 14 năm tù giam vì tội ngộ sát và các tội danh khác./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại