Chỉ khoảng nửa giờ trước khi tàu vũ trụ Soyuz 11 của Liên Xô dự kiến hạ cánh vào ngày 30/6/1971 xuống một thảo nguyên ở Kazakhstan, Trung tâm kiểm soát chuyến bay ở Yevpatoriya, phía Tây Crimea đã trải qua một sự im lặng bất ngờ.
3 nhà du hành vũ trụ của Liên Xô, gồm Georgy Dobrovolsky, Vladislav Volkov và Viktor Patasayev – đang trong hành trình trở lại Trái Đất sau chuyến đi phá vỡ kỷ lục về khoảng thời gian ở trên trạm vũ trụ Salyut 1.
Phi hành gia Georgy Dobrovolsky (giữa), Viktor Patsayev (trái) và Vladislav Volkov (phải) trong cabin tàu Soyuz 11. Ảnh: Getty
Khi con tàu quay trở lại, một nhân viên liên lạc với phi hành đoàn ở Yevpatoriya đã bày tỏ lo ngại về không nhận được báo cáo liên tục từ các nhà du hành vũ trụ.
“Chúng tôi đã yêu cầu Dobrovolsky liên tục báo cáo khi module hạ cánh đi vào vùng phủ sóng của chúng tôi, nhưng không có một lời đáp nào. Thật lạ khi Volkov không nói gì. Trong phiên liên lạc lần trước, anh ấy đã nói rất nhiều”, nhân viên phụ trách liên lạc Aleksei Yeliseyev cho biết, theo lời kể của kỹ sư vũ trụ Boris Chertok trong cuốn hồi ký 4 tập có tên “Tên lửa và con người”.
Module hạ cánh tiếp đất vào khoảng 2h sáng, cách thị trấn Karazhal 90km về phía Tây Nam. Một đội giải cứu ngay lập tức được triển khai.
Đã có khoảng 20 phút im lặng khi trạm kiểm soát không nhận được thông tin nào. Cuối cùng, một kỹ sư hàng đầu của Liên Xô thông báo tin tức: 3 phi hành gia được phát hiện “ngồi trong tư thế bất động”, họ đã chết bên trong con tàu.
Sau cuộc chạy đua Mặt Trăng
Sứ mệnh tàu Soyuz 11 được thực hiện khi mối quan tâm của công chúng đối với lĩnh vực vũ trụ giảm dần.
Thời điểm đó, tàu Apollo 11 của Mỹ đã hạ cánh thành công trên Mặt Trăng vào năm 1969 – sự kiện mà nhiều nhà sử học đánh giá là cột mốc đánh dấu giải quyết Cuộc chạy đua không gian vĩ đại giữa Mỹ và Liên Xô.
“Tôi nghĩ rằng có một niềm đam mê trong những năm 60 đối với lĩnh vực không gian. Nhưng sau cuộc đua Mặt Trăng, mọi người đã mất hứng thú. Mọi người nói rằng có những vấn đề sâu sắc hơn ở nhà mà chúng ta nên dành tiền để giải quyết”, ông Asif A. Siddiqi, giáo sư lịch sử của Đại học Fordham, người từng có nhiều tác phẩm về chương trình không gian của Liên Xô và là người biên tập cuốn hồi ký của Chertok, cho biết.
Dù vậy, vẫn còn nhiều điều để khám phá và còn nhiều cột mốc mà con người chưa đạt được. Thời điểm đó, các nhà khoa học chưa hiểu biết nhiều về tác động đối với cơ thể con người khi ở trong tình trạng không trọng lượng kéo dài. Thời gian con người ở trong không gian lâu nhất tính đến thời điểm tàu Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng là khoảng 2 tuần.
“Liên Xô luôn muốn tìm hiểu những tác động lâu dài đối với con người trong không gian. Không ai nghĩ đến việc đi bất cứ đâu, chẳng hạn như sao Hỏa, nếu không thực sự hiểu về phản ứng của cơ thể con người ra sao”, ông Siddiqi nói.
Để bù lại thất bại trong cuộc chạy đua lên Mặt Trăng, Liên Xô nhanh chóng chuyển hướng sang chương trình trạm vũ trụ. Họ tập hợp các thiết bị mà họ có lúc bấy giờ và gấp rút lắp ráp một trạm vũ trụ được phóng vào ngày 19/4/1971. Salyut 1 là trạm vũ trụ đầu tiên trên thế giới quay quanh Trái Đất.
Nỗ lực đầu tiên đưa các nhà du hành lên trạm vũ trụ này diễn ra chỉ 3 ngày sau khi phóng Salyut 1. Nhưng phi hành đoàn 4 người không thể cập bến và họ đã quay trở lại Trái Đất trong vòng chưa đầy 2 ngày.
Nỗ lực tiếp theo được thực hiện vào tháng 6 cùng năm ở miền Nam Kazakhstan.
3 người được chỉ định tham gia sứ mệnh Soyuz 11. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày trước khi phóng theo lịch trình, nhóm này được thay thế bằng đội dự phòng, gồm Dobrovolsky - chỉ huy, Volkov - kỹ sư phụ trách chuyến bay và Patasayev - một kỹ sư nghiên cứu.
Sứ mệnh Soyuz 11 được thực hiện vào ngày 6/6/1971. Ba nhà du hành vũ trụ sẽ đạt được thành tích mang tính bước ngoặt khi họ đáp tới trạm Salyut 1 vào ngày hôm sau.
Phi hành đoàn tàu Soyuz 11, không chỉ lập kỷ lục với hơn 23 ngày trên quỹ đạo, mà còn là những người đầu tiên đặt chân lên trạm vũ trụ chính thức đầu tiên của thế giới. Họ đã phá kỷ lục chuyến bay vào vũ trụ dài nhất (18 ngày) do một phi hành đoàn Soyuz khác lập vào năm 1970 và gần như gấp đôi kỷ lục của tàu vũ trụ Mỹ, Gemini 7.
Các nhà khoa học muốn theo dõi chặt chẽ tác động của không gian đối với cơ thể con người. Do đó, một máy chạy bộ đã được lắp đặt trên trạm Salyut 1 và các phi hành gia có thể cởi bỏ bộ đồ vũ trụ của họ khi ở trong trạm cũng như tàu Soyuz.
Thảm kịch trên tàu Soyuz 11
Hầu hết mọi thứ liên quan tới tàu Soyuz 11 đều hoạt động như dự kiến.
“Tàu Soyuz là một con tàu tự động, vì vậy các phi hành gia không phải làm gì nhiều. Chương trình đư tàu Soyuz trở lại vẫn tiếp tục hoạt động và nó đã hoạt động hoàn hảo”, ông Siddiqi cho biết.
Các báo cáo cũng nói rằng các phi hành gia ở trong tình trạng thể chất tốt trong vài ngày cuối cùng của cuộc hành trình.
Theo ông Michael Smith, một nhà sử học về Chiến tranh Lạnh tại Đại học Purdue, một vài sai sót trên con tàu cũng như chương trình không gian của Liên Xô đã dẫn đến cái chết bi thảm của các phi hành gia.
Tàu Soyuz 11 nặng hơn 6,7 tấn, gồm 3 phần chính: modul quỹ đạo, module thiết bị và module hạ cánh, và chỉ có module hạ cánh, chở theo các nhà du hành, mới quay trở về Trái đất. Theo kế hoạch, trước khi đạt độ cao hợp lý, các con vít sẽ tự động bung ra để tách module thiết bị và module quỹ đạo khỏi module tiếp đất.
Cú hạ cánh của tàu Soyuz 11 được điều khiển tự động hoàn toàn, từ phóng rocket nhiên liệu rắn đến bật dù để module hạ cánh “tiếp đất mềm”. Cabin chứa 3 phi hành gia đã bị giảm áp do một van thông khí giữa module quỹ đạo và module hạ cánh bị bật ra trong quá trình tách rời, để module hạ cánh trở về Trái Đất. Vào thời điểm 2 module tách khỏi nhau, những quả tên lửa chứa nhiên liệu rắn của tàu Soyuz đã cùng nổ, thay vì phải lần lượt và lực đẩy khổng lồ đã khiến van cân bằng áp suất bị nhả ra quá sớm, trong lúc module chưa xuống tới độ cao cho phép. Việc hạ áp suất quá nhanh ở độ cao lớn đã khiến cả ba phi hành gia bất tỉnh.
Chỉ 2 phút sau khi module chở 3 phi hành gia hạ cánh, một đội cứu hộ đã có mặt tại đó.
“Họ nhanh chóng mở cửa con tàu. Cả 3 người đang ngồi trên ghế trong tư thế bất động. Có những vết xanh sẫm trên mặt. Máu chảy ra từ mũi và tai. Đội cứu hộ đã kéo họ ra khỏi module hạ xuống. Dobrovolsky vẫn còn ấm. Các bác sĩ tiếp tục tiến hành hồi sức nhân tạo. Theo báo cáo của họ từ nơi hạ cánh, nguyên nhân tử vong là do ngạt thở”, Chertol dẫn lại báo cáo từ Kerim Kerimov, một trong những người sáng lập chính của chương trình không gian của Liên Xô.
Theo ông Siddiqi, nếu các phi hành gia mặc bộ quần áo vũ trụ, họ chắc chắn có thể sống sót khi áp suất giảm.
Thảm kịch của 3 phi hành gia có tác động lâu dài đến chương trình vũ trụ của Liên Xô sau này. Một chuyến bay khác vào không gian đã không được thực hiện trong hơn 2 năm sau đó.
Đến cuối những năm 1970, không còn sự cố chết người nào xảy ra. Năm 1977, Liên Xô đã phóng trạm vũ trụ Salyut 6 và đó là một thành công không có gì để bàn cãi. Nhiều phi hành đoàn đã đến và rời khỏi trạm vũ trụ này, khoảng thời gian cho các nhiệm vụ đã tăng dần từ 3 lên 6 tháng.
“Sau thảm kịch năm 1971, Liên Xô đã thiết kế lại và có những cải tiến đối với các tàu vũ trụ Soyuz (bao gồm cả bộ quần áo phi hành gia khi lên vũ trụ và khi trở lại Trái Đất. Soyuz 11 là thảm họa không gian chết người cuối cùng đối với Liên Xô và Liên bang Nga”, ông Smith cho biết./.