Những mảnh ký ức chắp vá
"Tối hôm đó, căn nhà gỗ rung chuyển dữ dội trong vài phút. Mẹ tôi lao nhanh ra khỏi giường, kéo ba người anh chị của tôi ra ngoài. Trong cơn hoảng loạn, mẹ quên mất còn tôi đang nằm ở buồng trong.
Khi cả gia đình đã có mặt trước sân, ông nội nhận ra tôi không có ở đó liền chạy vào căn nhà sắp sụp đổ bế tôi ra. Lúc ấy, bùn và gỗ rụng từ trần nhà đã kịp biến tôi thành con 'búp bê đất', đầu tôi bị mảnh vỡ đập vào chảy máu rất nhiều. Tôi thực sự rất may mắn, nếu ông không phát hiện ra thì có lẽ tôi đã bị chôn vùi trong trận động đất và không còn trên cõi đời này nữa."
Đó là dòng hồi tưởng của ông Thẩm Vị Kỳ, trả lời phỏng vấn báo địa phương về trận động đất lịch sử năm 1920 tại Hải Nguyên, Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, Trung Quốc.
Trận động đất 8,5 độ Richter được ghi nhận lúc 7 giờ 26 phút, tối ngày 16/12/1920. Theo chuyên trang Sohu tính toán sau này, năng lượng được giải phóng trong trận động đất này mạnh gấp 11,2 lần trận động đất Đường Sơn năm 1976 lịch sử. Rung lắc mạnh kéo dài hơn 10 phút và được ghi nhận tại 96 trạm địa chất trên toàn thế giới.
Cột mốc tâm chấn trận động đất được đặt tại huyện Hải Nguyên, Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. (Ảnh: Sohu)
Không nhiều người còn sống để kể lại trải nghiệm rùng rợn năm đó, những ghi chép về thảm họa này được tìm thấy rải rác trong các báo cáo địa phương.
Hải Nguyên huyện chí ghi lại, trận động đất đầu tiên xuất hiện vào tối ngày 7/11/1920, tạo ra tiếng động lớn từ phía đông nam giống như tiếng sấm sét. Chỉ trong vòng một giây, cột nhà đổ sập xuống. Nhiều người đã bị đè trong đống đổ nát.
Người dân huyện Hải Nguyên vô cùng hoảng sợ nhưng họ không hề hay biết, thảm họa thực sự chỉ đến một tháng sau đó.
Giữa tháng 12, trận động đất lớn kỷ lục ập tới. Trời nhá nhem tối, cát đá bay mù, đỉnh núi di chuyển ngang dọc, đất lở, núi lở, thương vong nặng nề về người và gia súc. Những ngôi nhà vững chãi sót lại qua trận động đất tháng 11 cũng sụp đổ.
Những hình ảnh hiếm hoi sau trận động đất. (Ảnh: Sohu)
Theo số liệu được People Daily công bố vào năm 2010, ít nhất 273.400 người đã thiệt mạng vì động đất, trong đó huyện Hải Nguyên có 73.604 người chết, chiếm gần một nửa dân số của huyện. Thảm họa đã ảnh hưởng đến một khu vực rộng 20.000 km vuông.
Ít nhất bốn quận và nhiều ngôi làng trong vòng 200 km từ tâm chấn Hải Nguyên đã biến thành đống đổ nát. 400 nguời thợ khai thác than ở Thiểm Tây bị mắc kẹt dưới lòng đất và không một ai sống sót. Con phố dài 500 m ở Đại Lệ, Thiểm Tây bị 'nuốt chửng' hoàn toàn bởi một vết nứt toạc giữa lòng đất.
Bài báo trên tờ National Geographic số thứ 5 năm 1922 cho biết, những rung chuyển được ghi nhận từ cách đó rất xa. Ở Bắc Kinh và Thượng Hải, "bóng đèn rung lắc liên tục khiến người dân choáng váng".
Hồ động đất
Sau đêm sinh tử, những người sống sót vô cùng kinh ngạc khi phát hiện trên mặt đất xuất hiện một hồ nước khổng lồ tại huyện Tây Cát, khu tự trị Ninh Hạ. Hồ nước trải dài 3.110 m, có độ sâu trung bình 6 m, điểm sâu nhất tới 11,5 m. Hồ được hình thành bởi một khe nứt khổng lồ trên mặt đất nên người dân gọi là hồ động đất Dangjiacha.
Hồ động đất Đảng Gia Xá có vẻ đẹp hùng vĩ nhưng lại ẩn chứa câu chuyện đau thương của người dân Ninh Hạ. (Ảnh: Sohu)
Dọc chiều dài hơn 3km của vết nứt, vô số người đã bỏ mạng, nhà cửa chìm sâu dưới đáy hồ. Thời đó, người ta còn mê tín truyền tai nhau rằng, hàng đêm bên hồ thường nghe thấy tiếng người la hét cùng tiếng gia súc gia cầm ồn ào. Vì điều này mà người dân Tây Cát đến nay vẫn sợ hãi và không dám uống nước từ hồ Dangjiacha.
Đảng Gia Xá không phải hồ nước duy nhất được tạo thành sau trận động đất Hải Nguyên. Hơn bốn mươi hồ động đất lớn nhỏ đã được người dân tìm thấy rải rác khắp huyện này. Chúng vẫn tồn tại tới ngày nay như một lời nhắc nhở về thảm họa địa chấn đau thương 100 năm trước.
Ninh Hạ là vùng núi rộng lớn, có dân cư phân bố rải rác. Vậy điều gì khiến trận động đất này để lại nhiều thương vong khủng khiếp, hơn cả trận động đất Đường Sơn, khi mà Đường Sơn có mật độ dân cư dày đặc hơn rất nhiều?
Phải tới 100 năm sau, tờ Thatsmags mới có thể đưa ra những lý giải cho câu hỏi này. Câu trả lời hóa ra nằm ở chính địa hình Ninh Hạ.
Những vết nứt còn lại trên địa hình Ninh Hạ. (Ảnh: Sohu)
Ninh Hạ nằm ở Cao nguyên Hoàng thổ, nơi đất đai mềm và tơi xốp. Địa hình và địa chất khiến khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi động đất. Đẩy con số thương vong lên cao.
Thời điểm năm 1920, người dân ở đây cũng sống trong những ngôi nhà đất đá như hang động, chống sốc rất kém nên thường sụp đổ ngay khi động đất ập tới.
Thêm vào đó, việc thiếu thông tin liên lạc đã gây khó khăn cho cả việc dự báo thiên tai cũng như công tác cứu trợ sau đó.
Quốc Tăng Kiện, một trong sáu nhà khoa học được cử đi điều tra trận động đất, nhớ lại “các tờ báo ở Bắc Kinh thậm chí không thể chỉ rõ vị trí chính xác của trận động đất… và mất vài ngày để tìm hiểu điều gì đang xảy ra”.
Lý do cuối cùng cho thảm họa chết chóc này là do trận động đất diễn ra ngay giữa mùa đông, ở độ cao trung bình từ 1.500 đến 3.000 mét. Nhiều người dân đã sống sót sau thảm họa nhưng cuối cùng vẫn phải chết vì thiếu lương thực và không thể chống chọi với cái lạnh thấu xương.
Bài viết tham khảo từ Sohu