Thảm họa lở tuyết lớn thứ 2 lịch sử và nguy cơ "Nóc nhà của thế giới" tan thành nước

Mỹ Huyền |

Hai trận lở tuyết chưa từng có vừa diễn ra ở phần phía tây vốn rất ổn định của Tây Tạng, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự ấm lên toàn cầu.

Băng hà ở tây Tây Tạng đã giữ ổn định trong hàng ngàn năm. Nhưng biến đổi khí hậu đang de dọa trạng thái này. Hai vụ lở tuyết khổng lồ tràn qua khu vực này mùa hè năm nay, biến đổi cảnh quan ở đây mãi mãi.

Nghiên cứu mới nhất cho thấy, sự nóng lên toàn cầu có thể khiến các sông băng vỡ ra. Nếu điều này xảy ra, những thảm họa tương tự hai vụ lở tuyết sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực này.

Thảm họa lở tuyết lớn thứ 2 lịch sử và nguy cơ Nóc nhà của thế giới tan thành nước - Ảnh 1.

Ngày 17/7/2016, hơn 60 triệu mét khối băng và đá (tương đương 24.000 bể bơi Olympic) đã bất ngờ tách ra khỏi một sông băng ở dãy núi Aru thuộc Tây Tạng, rồi tràn xuống một thung lũng bên dưới.

Trong vòng vài phút, vụ lở tuyết đã chôn vùi một khu vực rộng hơn 10km2 dưới 30m băng tuyết. Chín người chăn thả gia súc đã thiệt mạng, cùng với hàng trăm con cừu và bò Tây Tạng.

Ảnh vệ tinh cho thấy góc nhìn lớn hơn về mức độ nghiêm trọng của thảm họa. Dưới đây là ảnh khu vực núi Aru do vệ tinh của NASA chụp trước vụ lở tuyết:

Thảm họa lở tuyết lớn thứ 2 lịch sử và nguy cơ Nóc nhà của thế giới tan thành nước - Ảnh 2.

Còn đây là bức ảnh được chụp sau đó:

Thảm họa lở tuyết lớn thứ 2 lịch sử và nguy cơ Nóc nhà của thế giới tan thành nước - Ảnh 3.

Sự tan vỡ của băng hà ở quy mô như này vô cùng hiếm gặp. Thảm họa xảy ra vào tháng 7 vừa qua là trận lở băng tuyết lớn thứ 2 từng được ghi lại, chỉ đứng sau vụ lở sông băng Kolka ở vùng Caucasus vào năm 2002.

Tây Tây Tạng từ lâu đã được coi là khu vực băng giá ổn định. Không giống như miền Nam và Đông Tây Tạng, nơi các sông băng tan chảy khá nhanh, khu vực này được giữ tương đối nguyên vẹn khi nhiệt độ tăng lên.

Nhưng, vụ lở tuyết khổng lồ thứ hai diễn ra sau đó hai tháng, chôn vùi một khu vực rộng lớn ở cùng vùng núi. Không ai bị thương trong vụ việc này, nhưng nó khiến các nhà khoa học và người dân địa phương bị sốc.

Dave Petley, một nhà địa chất học, cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân sâu sa của hai vụ lở tuyết. Tây Tạng đang nóng lên nhanh chóng. Khu vực này nóng thêm 0,4oC trong một thập kỷ, gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Bối rối trước tốc độ và quy mô của hai vụ lở tuyết, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã dựng lại mô hình bằng máy tính và sử dụng dữ liệu vệ tinh để tìm nguyên nhân. 

Họ phát hiện một thứ đã thúc đẩy khiến băng tan vỡ nhanh hơn. Nhiều khả năng đó là nước xuất hiện khi băng và tuyết trên sông băng tan chảy.

Thảm họa lở tuyết lớn thứ 2 lịch sử và nguy cơ Nóc nhà của thế giới tan thành nước - Ảnh 4.

Đồng tác giả nghiên cứu Lonnie Thompson, giáo sư về Khoa học Trái Đất tại Đại học Ohio cho biết: "Với quy mô vụ lở tuyết và khu vực bị bao phủ, tôi nghĩ nó chỉ có thể xảy ra khi có nước tuyết tan."

Nguồn gốc của nước tuyết tan ở vùng núi Aru chưa được xác định. Nhưng giáo sư Thompson chỉ rõ nguyên nhân: "Nhiệt độ trung bình ở các trạm khí tượng gần đó nhất đã tăng 1,5oC trong 50 năm qua. Điều này khiến băng tuyết tan chảy, kết quả là nước rỉ xuống bên dưới sông băng."

Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao, các sông băng khác ở tây Tây Tạng cũng có thể vỡ ra dễ dàng. Hiện nay chưa có biện pháp để dự đoán những thảm họa tương tự.

Thảm họa lở tuyết lớn thứ 2 lịch sử và nguy cơ Nóc nhà của thế giới tan thành nước - Ảnh 5.

Đây là tin cực xấu cho toàn bộ cao nguyên Tây Tạng. Khu vực được coi là "nóc nhà của thế giới" này là vùng chứa nhiều nước ngọt đóng băng nhất trên Trái Đất, ngoại trừ hai địa cực.

Đây cũng là nơi khởi nguồn của nhiều con sông lớn, bao gồm sông Trường Giang, sông Ấn – Hằng, sông Mê Kông. Những con sông này cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hơn 2 tỷ dân châu Á.

Các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng đến cao nguyên Tây Tạng. Các sông băng ở đây đang tan chảy với tốc độ 7% mỗi năm. 

Nếu tốc độ này được duy trì thì đến năm 2050, hai phần ba sông băng Tây Tạng sẽ biến mất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại