Thám hiểm Everest theo phong cách nhà giàu: 3 tỷ đồng ở khách sạn 5 sao, có quầy bar, tiệm bánh riêng, đắt đỏ nhưng người lên núi vẫn xếp hàng dài gây tắc nghẽn

Thu Ngân |

Sự nổi tiếng của đỉnh Everest ngày càng tăng từ khi các tour leo núi thương mại được mở bán, lôi cuốn hàng trăm nhà leo núi từ khắp nơi trên thế giới đổ về đến mức đường lên đỉnh bị tắc nghẽn.

Mới đây, thông tin chị Nguyễn Thị Thanh Nhã đã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest đã khiến nhiều người ngày càng tò mò về trải nghiệm trèo lên "nóc nhà thế giới" này.

Theo thống kê của hệ thống cơ sở dữ liệu Himalayan (the Himalayan Database reports) cuối năm 2018, 295 người đã chết khi leo Everest, trong khi đó có 9,159 lần leo thành công bởi 5,294 người. Tỷ lệ số người chết là khoảng 1.2% có nghĩa là nếu cứ 100 người leo thì 1 sẽ ở lại mãi trên đường. Nguyên nhân chủ yếu gây ra cái chết là sạt lở (41.6%), rơi (12.5%) ngã, say độ cao (16.6%) và phơi nhiễm ở nhiệt độ khắc nghiệt.

Thám hiểm Everest theo phong cách nhà giàu: 3 tỷ đồng ở khách sạn 5 sao, có quầy bar, tiệm bánh riêng, đắt đỏ nhưng người lên núi vẫn xếp hàng dài gây tắc nghẽn - Ảnh 1.

Đỉnh Everest nằm giữa biên giới giữa Nepal và Tây Tạng, thuộc dãy Himalaya. Mặc dù leo đến đỉnh cao nhất của thế giới là một chặng đường gian khổ và đầy nguy hiểm đến tính mạng do say độ cao, sạt lở

Mặc cho sự nguy hiểm như vậy nhưng vẫn có rất nhiều nhà leo núi quyết tâm chinh phục để được đứng trên nóc nhà của thế giới. Thời gian gần đây, nhờ vào sự hỗ trợ của các thiết bị leo núi tốt hơn, dự báo thời tiết chính xác hơn và kinh nghiệm từ những người đi trước đã giúp tỷ lệ chết giảm xuống, nhưng vẫn không thể phủ nhận sự hiểm nguy của chuyến đi mạo hiểm này.

Ngoài yếu tố an toàn, các chuyến Everest còn thử thách người muốn lập kỷ lục cho bản thân bằng chi phí cực đắt đỏ. Có nhiều tour khác nhau với đa dạng các mức chi phí, dao động mỗi nơi lên đến hàng trăm ngàn USD. Tuy nhiên, theo Hội đồng leo núi Anh (BMC), hầu hết những người leo Everest đều thuê các công ty chuyên cung cấp các tour thám hiểm, với mức phí từ 60.000 USD đến 65.000 USD.

Ở Nepal, phí cấp giấy phép leo núi là 11.000 USD, chưa bao gồm 2.500 USD phí cho công ty tổ chức cấp phép. Phần còn lại bao gồm thực phẩm, các thiết bị bảo hộ, phí hướng dẫn viên, bình oxy…

Dịch vụ này đã bao gồm những người hỗ trợ việc leo núi, thường là Sherpas (một dân tộc thiểu số sống ở dãy Himalaya, thường làm nghề dẫn đường cho những người leo Everest).

Trong khi đó, với các vị khách có tiềm lực tài chính dồi dào muốn được mạo hiểm mà vẫn có được sự thoải mái trong chuyến đi, họ sẽ chọn gói thám hiểm có chi phí lên tới 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng), trong đó chưa bao gồm phí tip.

Thám hiểm Everest theo phong cách nhà giàu: 3 tỷ đồng ở khách sạn 5 sao, có quầy bar, tiệm bánh riêng, đắt đỏ nhưng người lên núi vẫn xếp hàng dài gây tắc nghẽn - Ảnh 3.

Một trong các base camp - điểm dừng chân trong hành trình chinh phục đỉnh Everest

Theo Business Insider, Seven Summit Treks, một công ty chuyên tổ chức các chuyến du lịch tại Nepal, cung cấp gói "VVIP" cho những người muốn chinh phục đỉnh Everest với giá lên đến 130.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng). Gói dịch vụ này bao gồm bữa tối chào mừng, nghỉ tại khách sạn 5 sao, có tiệm bánh, quầy bar, bếp, lều tắm và vệ sinh riêng tại điểm cắm trại. Du khách đủ khả năng trả tiền cho gói này còn được cung cấp dịch vụ trực thăng và thợ chụp ảnh riêng, nhưng chưa bao gồm các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Nepal, một số thiết bị cần thiết.

Người tham gia cũng cần có thời gian luyện tập ít nhất vài tháng trước khi leo tùy theo tình hình sức khỏe. Đơn vị này cũng nhấn mạnh rằng chuyến đi này phù hợp với những người đã có kinh nghiệm chinh phục các đỉnh núi 7.000m hoặc hơn.

Những người muốn đăng ký tham gia cần có trái tim khỏe mạnh và sức mạnh cơ bắp để có thể hoạt động được trong điều kiện mức oxy giảm 60 - 70%, mang trên người đồ nặng và phải chuẩn bị tâm thế cho những vụ lở tuyết.

Sự nổi tiếng của đỉnh Everest bắt đầu lên từ những năm 1990 khi những đoàn hướng dẫn viên quốc tế bắt đầu mở tour leo núi thương mại lên đỉnh. Mặc cho những nguy hiểm rập rình, đỉnh Everest vẫn lôi cuốn hàng trăm nhà leo núi từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Chỉ riêng năm 2018 bộ du lịch Nepal đã cấp giấy phép cho 347 người nước ngoài và theo số liệu ghi lại thì 261 người chinh phục với sự giúp đỡ của 302 của hướng dẫn và khuân vác. Còn mạn phía bắc, khoảng 239 người đã lên đến đỉnh.

Thám hiểm Everest theo phong cách nhà giàu: 3 tỷ đồng ở khách sạn 5 sao, có quầy bar, tiệm bánh riêng, đắt đỏ nhưng người lên núi vẫn xếp hàng dài gây tắc nghẽn - Ảnh 5.

Người leo núi phải mang theo cách bình oxy thì mới có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt ở độ cao này

Nhiều người leo núi cùng một lúc, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, xếp hàng dài trên đường hướng đến "nóc nhà thế giới" cao 8.848 m. Ở độ cao này, phần lớn mọi người chỉ có thể sống vài phút nếu không có thiết bị bổ sung oxy. Khu vực có những người leo núi bị mắc kẹt được nhiều người gọi là "vùng tử thần".

Sự hiếu kỳ của con người về Everest vẫn ngày càng kéo nhiều du khách đến đây. Bộ du lịch Nepal mỗi năm thu khoảng $5.2 triệu đô la Mỹ chỉ riêng giấy phép leo núi. Trước kia thì người Sherpa - một bộ lạc người Tây Tạng sống gần với đỉnh núi này được thuê bởi các đoàn thám hiểm mang vác vật dụng lên núi, ngày nay thì nhiều người khác cũng được tuyển vào đoàn, họ có tên gọi là "công nhân leo núi". Trong 3 - 4 tháng leo, hầu hết sẽ kiếm được từ $2,500 - $5000.

Nguồn: Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại