Chỉ có 28 người sống sót sau thảm cảnh và tất cả họ đều kể câu chuyện đầy ám ảnh.
Đó là vào ngày 18/4/2015, khi 850 người di cư, tị nạn từ Eritrea, Ethiopia, Somalia, Mali, và Senegal bị bọn buôn người dồn lên một tàu đánh cá dài hơn 21m, treo cờ Eritrean đang đậu ngoài khơi bờ biển Libya.
Để “được” lên tàu với đích đến là Italy, họ đã phải chi nhiều tiền cho những kẻ buôn người.
Thế nhưng con tàu không bao giờ tới đích: Nó bị lật và chìm nghỉm xuống đáy biển ở độ sâu gần 400m mang theo hầu hết những hành khách xấu số cho dù một tàu buôn khác đã rất nỗ lực giải cứu.
Một năm sau thảm kịch được đánh giá là vụ tai nạn hàng hải tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến 2, hải quân Italy đang điều động phương tiện, lực lượng tới hiện trường trong một nỗ lực trục vớt tàu đắm.
Những thi thể đầu tiên đã được đưa lên, các chuyên gia pháp y tình nguyện đến từ 24 trường Đại học ở Italy sẽ phải rất vất vả để xác định danh tính thông qua khảo nghiệm DNA và mẫu răng được lấy từ người nhà các nạn nhân.
“Đó là cách để trao phẩm giá cho những người đã mất, dù chúng ta sẽ chẳng thể biết được tên họ”, công tố viên Giovanni Salvi, người phụ trách vụ kiện nhằm vào 2 kẻ buôn người đã thoát thân khi tai nạn xảy ra.
Chiến dịch trục vớt được khởi động hồi mùa hè năm ngoái, khi hải quân Italy phát hiện thấy mảnh vỡ sau một cuộc tìm kiếm tập trung.
Các nhân viên đã điều robot có tên Pegaso được trang bị camera video và thiết bị cảm biến để chụp ảnh, quay phim quanh khu vực tàu đắm, xem còn thi thể nào rớt dưới đáy biển hay không. Những hình ảnh thu được quả là khủng khiếp.
Hàng trăm thi thể xếp chống lên nhau, với khuôn mặt tái nhợt như bóng ma đang nhìn ra ô cửa hai bên mạn tàu.
Nhiều phần thân thể đã bị cá rỉa, người mất tay, người mất mắt, mất chân… Thậm chí có một số còn bị đáy tàu đè chèn lên. Rất nhiều trong số đó là trẻ em và phụ nữ.
Khi Pegaso phát hiện ra một nạn nhân nào đó, đội ngũ vận hành ở trên tàu tìm kiếm cứu hộ sẽ sử dụng các công cụ điều khiển cơ học, “hướng dẫn” robot đưa xác lên khỏi mặt nước.
Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác của 169 người, tức là còn khoảng 700 người nữa vẫn mắc kẹt bên trong con tàu.
Thi thể những nạn nhân trong một vụ tàu chở người di cư bị đắm hồi tháng 4/2015. Ảnh: DB
Để trục vớt, hải quân Italy ngày 18/4 vừa qua đã điều 4 tàu, trong đó có cả tàu quét mìn tới khu vực tàu đắm.
Công việc được tiến hành có sự điều phối của công ty cứu hộ tư nhân Impresub Diving & Marine sở hữu công nghệ tạo sóng nhân tạo cường độ mạnh tạo để “kéo” tàu từ đáy lên.
Ngay sau khi được đưa lên mặt nước, con “tàu ma” kia sẽ được phủ màn lưới có độ dày lớn, chắc chắn và kéo về cảng ở Catania, Sicily.
Tại đây, tàu sẽ được xịt nitơ lỏng để giúp bảo quản cơ thể, tránh không bị phân hủy nhanh khi tiếp xúc với không khí.
Tiếp đó là hành trình di chuyển tới một hangar đặc biệt gần căn cứ NATO đặt ở Italy, để các nhân viêt cứu hộ bắt đầu công việc gom thi thể của những nạn nhân xấu số.
Công đoạn cuối cùng là xét nghiệm, giải phẫu thông qua kiểm tra DNA, mẫu răng. Tiến trình này có thể mất tới hàng năm trời, phụ thuộc vào con số chính xác các nạn nhân.
Việc khám nghiệm xác tàu được xúc tiến nhằm củng cố bằng chứng kết tội đối với Mohammed Ali Malek, 27 tuổi người Tunisia, lái chính và kẻ đồng hành người Syria Mahmud Bikhit, 25 tuổi.
Hai tên này phải đối mặt với các buộc giết người, riêng Ali Malek còn chịu thêm cáo buộc làm đắm tàu.