Trong một khu vực mà sự hào phóng của chính phủ luôn được sử dụng để lấy lòng nhân dân, Saudi Arabia và nhiều quốc gia khác giờ lại đang cắt giảm chi tiêu và cải cách kinh tế, tiến tới áp đặt những loại thuế mới mà người dân chưa từng quen phải chi trả.
Động thái này hiện nay không ảnh hưởng mạnh đến các chính sách ngoại giao của những quốc gia "tích cực" nhất trong khu vực như Saudi Arabia, UAE hay Qatar, nhưng theo ông Daniel Benaim, điều này rồi sẽ sớm xảy ra.
Khi nguồn viện trợ không còn dồi dào, một số nước đã chọn cách rút bớt các chương trình ngoại giao.
Tuy nhiên, năm 2016, trong khi chi tiêu trong nước của Saudi Arabia giảm khoảng 30 tỉ USD, ngân sách cho quốc phòng lại tăng lên gần 57 tỉ USD, trở thành một trong những quốc gia chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất.
Ngoài ra, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu tại Yemen cũng đang ngốn của nước này hàng trăm triệu USD mỗi tháng. Gần đây, Riyadh còn chủ trì cuộc diễn tập quân sự "Sấm sét phương Bắc" của 20 lực lượng Hồi giáo với số lượng binh lính lên tới hàng trăm nghìn.
Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách, Saudi Arabia vẫn là thị trường lớn cho các nhà xuất khẩu vũ khí. Ảnh: DPA
Cùng lúc đó, Vua Salman cũng trở về với kế hoạch xây dựng cây cầu lớn tại Biển Đỏ nối liền Saudi Arabia-Ai Cập, và một thỏa thuận cung cấp dầu lửa cho Ai Cập trong vòng 5 năm với những điều khoản vô cùng hào phóng.
Vì vậy, hầu hết đều không thấy mối liên quan giữa vấn đề nội bộ và hoạt động ngoại giao của Saudi Arabia, đồng thời tự hỏi rằng phải chăng các nước vùng Vịnh, luôn phải bận tâm về tình hình ổn định quốc gia, nên bắt đầu lo lắng về những hậu quả trong tương lai?
Song, theo ông Benaim, mối quan tâm trong nước có lẽ đã kích thích thêm, thay vì hạn chế, việc tăng cường hoạt động của Saudi Arabia tại khu vực.
Các nước vùng Vịnh đang bị Iran và lực lượng ủy nhiệm của nước này bao vây. Hơn hết, dù liên tục xoa dịu, vỗ về và viện trợ vũ khí, Mỹ dường như có biểu hiện đang muốn rút chân ra khỏi khu vực.
Do đó, quyết định phải cùng lúc tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực và cải cách kinh tế đã phần nào thể hiện tình trạng báo động của Saudi Arabia trong thời điểm hiện nay.
Chuyên gia về Trung Đông, Karen Elliot House, tháng trước đã nhận định: "Ngọn lửa giận dữ của người dân đang chuyển hướng không phải nhằm vào Saudi Arabia, mà là vào Iran".
Mối lo trong nước không hạn chế mà kích thích thêm hoạt động của các nước vùng Vịnh tại khu vực. Ảnh: Wikimedia Commons
Mối thù với dòng Shia ở Iran đã gắn kết giới cầm quyền Saudi với các tín đồ Sunni nước này, những người luôn lo ngại rằng Tehran sẽ vươn sang không chỉ Beirut, Damascus hay Baghdad mà cả Sana và cộng đồng Shia ở phía đông Saudi Arabia.
Giá dầu giảm khiến các nước vùng Vịnh bị thâm hụt ngân sách có thể tạo ra động cơ chính trị nhằm châm ngòi một làn sóng vô cùng nguy hiểm: tạo phe phái bài Iran, đặc biệt là sau khi nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia tháng 1 vừa qua.
Và thực tế đã chứng mình điều này, khi tháng trước, các quốc gia vùng Vịnh chính thức tuyên bố Hezbollah là một nhóm khủng bố.
Tuy nhiên, một số người dự đoán rằng, nếu giá dầu không thay đổi trong nhiều năm, chính điều này cuối cùng sẽ buộc các nước phải xét tới tình hình tài chính trong nước.
Quỹ đầu tư dự trữ (SWF) của Saudi Arabia đang ở mức 600 tỉ USD, nhưng IMF vào tháng 10/2015 đã cảnh báo rằng nếu không gia tăng thu nhập cũng như cắt giảm chi tiêu, đến năm 2020, Riyadh sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ.
Các quốc gia nhỏ hơn như UAE hay Qatar cũng phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt những nguồn tiền vốn dành để chi tiêu trong tương lai.
Giá dầu giảm có thể tạo ra động cơ chính trị nhằm châm ngòi một làn sóng phe phái bài Iran. Ảnh: Reuters
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Obama đã nói về việc Saudi Arabia và Iran cần "tìm ra cách thức hiệu quả nhằm chia sẻ khu vực cũng như thiết lập một kiểu hòa bình lạnh".
Nếu lệnh ngừng bắn mong manh có thể tồn tại ở Syria và Yemen, đây sẽ là một bước tiến ý nghĩa giúp hạ nhiệt mâu thuẫn phe phái trong khu vực.
Đồng thời, theo chuyên gia Benaim, hoàn toàn có cơ sở khi hi vọng rằng giá dầu, nếu tiếp tục giảm, có thể khiến các nước quay về "chăm sóc" tình hình tài chính trong nước, từ đó góp phần làm giảm căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia.
Tất nhiên, Iran, một tác nhân không nhỏ góp phần vào việc gia tăng mâu thuẫn trong khu vực, cũng phải đối mặt với cuộc tranh cãi nảy lửa nội bộ, với sự tham gia của cả Lãnh đạo Tối cao, để tìm ra đáp án cho câu hỏi nên theo đuổi khí tài hay lương thực trong giai đoạn này.
Tại Tehran, các cuộc thử tên lửa của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đang được đặt lên bàn cân với ước mơ tăng trưởng thời hậu trừng phạt của các nhà lãnh đạo chính trị nước này.
Kể cả khi giá dầu tăng trở lại, các nước vùng Vịnh cũng vẫn phải đối mặt với những thách thức về mặt tài chính.
Bản thân việc những quốc gia này chọn phát triển khí tài thay vì giải quyết các vấn đề nội bộ khác có lẽ sẽ chỉ phát huy tác dụng trong ngắn hạn, và khiến khu vực càng thêm bất ổn mà thôi.