Thảm án từ hủ tục bị nghiêm cấm tại đất nước tỷ dân: Những đám cưới kết thúc trong bi kịch

VŨ HUẾ |

"Muốn gả con gái mà không có của hồi môn đáng kể thì đừng mong tìm được đàn ông tốt".

Tại Ấn Độ, của hồi môn vẫn là phần không thể thiếu trong việc cưới gả. Để đảm bảo con gái được chồng đối xử tốt, các gia đình không tiếc chuyển tiền mặt, vàng, ô tô, bất động sản… sang nhà trai.

Tục lệ nghìn năm, căn nguyên bất bình đẳng và bạo lực giới

Ấn Độ là một trong các quốc gia có sự bất bình đẳng về giới tính cực kỳ nặng nề. Theo giáo luật Hindu ở đây, con gái không có quyền thừa kế tài sản và người vợ phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng.

Thảm án từ hủ tục bị nghiêm cấm tại đất nước tỷ dân: Những đám cưới kết thúc trong bi kịch - Ảnh 1.

Của hồi môn là lễ vật thiết yếu "tặng kèm" theo cô dâu Ấn Độ trong lễ cưới

Từ hàng ngàn năm trước, Ấn Độ đã thực hành văn hóa cưới gả đi kèm của hồi môn. Nhà gái phải chuẩn bị tiền và tài vật cho con mang theo khi sang nhà chồng. Với cô dâu Ấn Độ, của hồi môn là tài sản đảm bảo tương lai an ổn. Nhờ nó, họ không phải dựa dẫm vào chồng cũng như gia đình chồng.

Tiếc rằng, của hồi môn lại phát sinh mặt trái đáng sợ: lòng tham và thói bạo ngược. Nhiều chú rể Ấn Độ nghiễm nhiên coi của hồi môn là tài vật của bản thân, tùy ý sử dụng. Nó gây ra tranh chấp, dẫn đến bạo lực gia đình và phụ nữ trở thành nạn nhân.

Vào ngày 21/6/2021 tại bang Kerala, Ấn Độ, cảnh sát phát hiện Vismaya Nair (24 tuổi) tử vong trong phòng tắm tại nhà chồng. Cô mới kết hôn năm ngoái 2020. Trong khi phía điều tra còn chưa xác minh được Vismaya chết do tự tử hay bị sát hại, anh trai cô - Vijith Nair đệ đơn khởi tố Kiran Kumar, chồng Vismaya.

Thảm án từ hủ tục bị nghiêm cấm tại đất nước tỷ dân: Những đám cưới kết thúc trong bi kịch - Ảnh 2.

Vismaya Nair trong trang phục cô dâu, kết hôn vào tháng 5/2020

"Em tôi là một phụ nữ năng động, yêu khiêu vũ, du lịch…," - Nair trình bày. "Tuy nhiên, kể từ sau khi lấy chồng, nó không cả được phép sử dụng mạng xã hội hay gọi điện thoại cho cha mẹ, tất cả chỉ vì của hồi môn".

Khi gả Vismaya, gia đình Nair đã tặng Kumar một chiếc xe hơi tốt, nhưng anh ta không hài lòng, đòi chiếc lớn và đắt tiền hơn. "Vì lo lắng cho Vismaya, chúng tôi đã cho con bé rất nhiều tiền. Đó là tất cả những gì mà tôi và cha đã tiết kiệm suốt 20 năm".

Thảm án từ hủ tục bị nghiêm cấm tại đất nước tỷ dân: Những đám cưới kết thúc trong bi kịch - Ảnh 3.

Anh em Vismaya Nair và Vijith Nair

Dù vậy, Vismaya vẫn bị đối xử tệ, ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi Nair phát hiện, anh đòi đem em gái về và báo cảnh sát, nhưng Vismaya can ngăn.

Luật cấm không có tác dụng

"Của hồi môn là hủ tục man rợ, biến phụ nữ thành hàng hoá" - Pinarayi Vijayan, trưởng bang Kerala chỉ trích. Từ năm 1961, Ấn Độ đã ban lệnh cấm của hồi môn, áp dụng hình phạt tối đa 5 năm tù giam. Từ năm 1980, họ còn cho phép buộc tội người chồng và gia đình chồng có vợ tử vong vì tự vẫn liên quan đến của hồi môn, phạt từ 5 năm tù giam đến tù chung thân.

Bất chấp quy định pháp luật, hủ tục đòi của hồi môn vẫn tiếp diễn. Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), 95% trong số 40.000 cuộc hôn nhân trong khoảng 1960 - 2008 ở các vùng nông thôn Ấn Độ vẫn là cưới gả kèm của hồi môn.

Thống kê năm 2019 còn chỉ ra, Ấn Độ có 7100 người tử vong vì của hồi môn. Trong đó, chỉ có 3516 trường hợp được đưa ra tòa và 1251 trường hợp dẫn đến kết án hình sự (35,6%).

Thảm án từ hủ tục bị nghiêm cấm tại đất nước tỷ dân: Những đám cưới kết thúc trong bi kịch - Ảnh 5.

Của hồi môn là nguyên nhân đẩy phụ nữ Ấn Độ vào cảnh bị bạo lực gia đình

"Về mặt pháp lý, của hồi môn bị cấm nhưng trên mặt xã hội, nó vẫn được công nhận và ngấm ngầm thực hiện" - Sandhya Pillai, thành viên Trung tâm Tài nguyên Phụ nữ Kerala (Sakhi Women's Resource Centre in Kerala) khẳng định. "Không ai cảm thấy cho hay nhận của hồi môn là sai trái, phạm pháp".

Cùng ngày Vismaya qua đời và cũng tại Kerala, Archana (22 tuổi) chết vì tự thiêu. Hôm sau, ngày 22/6, Suchitra Tial (19 tuổi) chết trong ngôi nhà đang chung sống với chồng. Toàn Kerala vừa kinh hoàng vừa giận dữ, kêu gọi chấm dứt hủ tục của hồi môn độc ác.

Vẫn chưa thay đổi

Theo báo cáo từ cảnh sát Kerala, từ năm 2016 - 5/2021, họ thụ lí điều tra 68 trường hợp tử vong liên quan đến của hồi môn. Các đơn tố cáo "chồng và gia đình chồng bạo hành" thì lên đến 15.000.

"Nếu bạn là một cô gái có xuất thân danh giá, được ăn học tử tế thì không có của hồi môn chắc cũng không sao" - Nair giải thích. "Ngược lại, đã không thuộc tầng lớp trên mà còn thiếu của hồi môn, vậy thì đừng mong gả được con gái cho một người đàn ông tốt. Đó là điều tự nhiên, tất yếu ở cái đất nước này".

Thảm án từ hủ tục bị nghiêm cấm tại đất nước tỷ dân: Những đám cưới kết thúc trong bi kịch - Ảnh 7.

Xã hội Ấn Độ vẫn đặt nặng của hồi môn, xem nó như thể diện gia đình, dòng tộc

Ngoài nguyên nhân do Nair nêu, của hồi môn còn gắn liền với danh tiếng, vị thế gia tộc. Người Ấn Độ rất sợ bị xem thường vì của hồi môn ít ỏi. Họ nỗ lực dành dụm, trao cho con gái thật nhiều tài vật trong lễ cưới để nở mặt nở mày với quan khách và đàng trai.

Cô dâu Ấn Độ luôn về nhà chồng với cảm giác có lỗi với cha mẹ ruột. Nhiều người bị ngược đãi triền miên nhưng không dám hé răng, sợ phụ công cha mẹ và khiến họ đau lòng. "Đã đến lúc, chúng ta phải thay đổi nhận thức và cải cách văn hóa cưới gả triệt để," – Vijayan kêu gọi. "Các bậc cha mẹ phải nhận ra rằng, của hồi môn chỉ là hủ tục ác độc, tàn hại con gái mình mà thôi".

Về Kiran Kumar, anh ta đã bị bắt nhưng chưa bị buộc tội. Theo B. A. Aloor (luật sư), không có bằng chứng nào cho thấy anh ta đã phạm tội giết người hoặc ép vợ tự tử để chiếm đoạt của hồi môn. Kumar cũng phủ nhận các cáo buộc bạo lực, khẳng định chưa từng một lần đối xử tệ bạc với Vismaya.

Tham khảo: CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại