Thảm án chữ nghĩa đẫm máu nhất lịch sử Thanh triều

Trần Quỳnh |

Nói đến những thảm án giết chóc dưới thời Thanh triều nắm quyền điều hành Trung Quốc, không thể không kể đến những vụ liên quan đến án văn tự đến nay vẫn còn lưu trong sử sách.

Án văn tự (hay còn được biết tới với tên "văn tự ngục") là từ dùng để chỉ những vụ án do sai lầm từ chữ nghĩa mà ra.

Phạm vi của án văn tự trải dài từ thơ văn, tư liệu, nạn nhân chủ yếu là tầng lớp văn nhân, thi sĩ. Mặc kệ tác phẩm "phạm tội" ấy do họ sáng tác, sao chép hay trích dẫn, chỉ cần có nửa chữ đụng chạm tới triều đình là sẽ có hàng trăm người phải rơi đầu.

Văn tự ngục từ xưa đã có, nhưng số lượng nhiều nhất, hình phạt nặng nhất phải kể tới Thanh triều, đặc biệt là trong thời kỳ tại vị của Khang Hi – Ung Chính – Càn Long.

Hai thảm án chữ nghĩa đẫm máu nhất Thanh triều

Vụ án văn tự sớm nhất của triều đại này được ghi nhận vào thời Khang Hi với cái tên "Minh sử", nạn nhân trực tiếp là Trang Đình Long.

Cuối thời nhà Minh có Tướng quốc Chu Quốc Chinh từng dày công biên soạn một bộ sử về Minh triều với nhiều phần khác nhau, nhưng chưa hoàn thành thì ông mất.

Do giang sơn đổi chủ, gia cảnh ngày càng túng bấn, nên Chu gia đã bán bộ bản thảo dở dang ấy cho một phú gia ở Nam Tầm là Trang Duẫn Thanh.

Trang Duẫn Thành có người con trai cả tên Trang Đình Long. Sinh thời, Đình Long ham học hỏi, từng đỗ sinh viên, nhưng không may lại bị mù hai mắt.

Nghe danh bộ bản thảo của Chu Quốc Chinh đã lâu, Trang Đình Long cất công cho mời nhiều nho sĩ trên đất Giang Nam để tu chỉnh và tăng bổ và cho ra đời bộ sách "Minh sử kỷ lược".

Trong quá trình đó, Trang Đình Long đứng tên tác giả, đồng thời có bổ sung thêm những sự kiện lịch sử liên quan tới Sùng Trinh (vị vua cuối cùng của thời nhà Minh). Tuy nhiên, hành động này lại bị chính quyền Mãn Thanh coi như một động thái công kích đối với triều đình.

Nhân cớ đó, năm 1633, Tri huyện Quy An là Ngô Chi Vinh tố giác triều đình. Sách chưa xuất bản, Trang Đình Long đã qua đời, nhưng triều đình vẫn quật mộ, đốt thi hài ông để xem như "trừng phạt".

Em trai ông là Trang Đình Việt bị giết chết. Toàn bộ Trang gia bị giải về kinh. Trong số đó, có người không chịu được nhục hình nên đã tự sát trong ngục, có người bị quật mồ, phanh thây tử thi, còn lại toàn bộ đều bị xử trảm hoặc lưu đày.

Thảm án chữ nghĩa đẫm máu nhất lịch sử Thanh triều - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chưa dừng lại ở đó, những người liên quan tới bộ sách sử ấy đều phải chịu án liên đới vô cùng thảm khốc.

Tiền Lễ bộ thị lang Lý Lệnh Triết là người đề tựa sách bị xử lăng trì, bốn người con của ông cũng chịu án trảm.

Hàng Châu tướng quân Tùng Khôi, Tuần phủ Chiết Giang Chu Xương Tô, Án sát Lý Hoán, Huấn đạo Triệu Trinh Đồng, Học chính Hồ Thượng Hành, Đề đốc Lương Hóa Phong, Thủ đạo Trương Võ Liệt, v.v... tùy theo tội nặng nhẹ mà bị giam hoặc bị giết chết.

Hai Huấn đạo mới ở huyện Quy An bị quy tội "biết việc mà che giấu", "xử lý công việc tuỳ tiện", nên đều bị xử tội treo cổ chết, trong đó Đàm Hy Mẫn mới làm quan được 3 tháng, Vương Triệu Trinh chỉ mới được chưa đầy nửa tháng.

Đề lại Trình Duy Phiên phủ vì tội bày mưu và bao che bị xử lăng trì giữa chợ. Còn nhóm thợ khắc chữ như Dương Đạt Phổ, Lý Tường Phổ, người bán sách như Vương Vân Giao, Lục Đức Nho, người mua và giấu sách như Tô Châu Thủy, Lý Thượng Bạch... cũng đều bị xử chém.

Thậm chí, vụ án ấy còn kéo theo cả những người không liên quan.

Do có tư thù với Chu Hựu Minh, kẻ tố giác là Ngô Chi Vinh nhân cớ ấy cung khai với pháp ty phụ trách vụ án rằng cuốn sách có ghi rõ chiếu theo "Chu thị nguyên cảo thêm bớt nhuận sắc mà thành".

Chi Vinh còn tán thêm là cái tên Chu Hựu Minh, hiển nhiên lòng vẫn còn tưởng nhớ đến nhà Minh, vì thế mà Chu Hựu Minh cùng năm đứa con trai đều bị chết chém.

Như vậy, nạn nhân của vụ án gồm nhiều tầng lớp, từ quan lại, thợ in, thợ điêu khắc, hình phạt trải dài từ sung quân, xử tử, lưu đày. Vụ án "Minh sử" kết thúc đã kéo theo tính mạng của 72 người, số người bị đày ra biên ải lên tới hơn 100.

Thảm án chữ nghĩa đẫm máu nhất lịch sử Thanh triều - Ảnh 2.

"Văn tự ngục" dưới thời Khang Hi, Ung Chính, Càn Long là chuyện xảy ra như cơm bữa. (Ảnh minh họa).

Thời Khang Hi còn có một vụ án văn tự nổi tiếng khác được biết tới với tên "Nam Sơn tập".

Sinh thời, Phương Lý Tiêu từng đến Vân Nam làm quan thời Ngô Tam Quế, sau đó do hàng phục Thanh triều nên được miễn tội chết. Ông từng sáng tác một số bộ sách, trong đó có cuốn "Điềm điềm kỷ văn."

Sau này, Đới Danh Thế từng đọc một lá thư của danh sĩ ở Đồng Thanh trong cuốn "Điềm Điềm kỷ văn", từ đó quyết tâm khảo cứu lại, đồng thời có trích dẫn một số câu từ vào tác phẩm "Nam Sơn tập" của mình.

Tuy nhiên, hành động ấy của Đới Danh Thế lại bị xếp vào tội "đại nghịch".

Trên thực tế, nội dung của "Nam Sơn tập" không có gì bị cho là "đại nghịch" với Thanh triều. Chỉ có điều, cuốn sách có đề cập đến chính quyền Vĩnh Lịch thời Nam Minh, khẳng định triều đại ấy không đáng bị coi là Ngụy triều, đồng thời còn thể hiện thái độ xót thương, đồng cảm.

Hơn nữa, sách lại dùng niên hiệu Hoằng Quang đế, lại nói rõ việc vua Khang Hy giết thái tử nhà Minh.

Năm Khang Hi thứ 50 (1711), Triệu Thân Kiều dùng quyển "Dữ Dư Sinh thư" trong "Nam Sơn tập" để dâng sớ tố cáo Đới Danh Thế, phạm tội phóng túng ngông cuồng, bất cẩn, mục đích cuối cùng là tạo nên sách phản và trục lợi. 

Khang Hi tiếp biểu xong, giao ngay cho bộ Hình nhanh chóng tra xét. Bộ Hình còn đưa ra danh sách 300 người chịu án liên đới, tuy nhiên do Khang Hi muốn mua chuộc lòng người nên chỉ xử chém 1 kẻ để "làm gương".

Nối gót cha ông, Ung Chính, Càn Long thi nhau "khai đao" với quan lại, thi sĩ

Tới lúc Ung Chính kế vị, những vụ án văn tự xảy ra với những lí do ngày càng vô lý. Lúc bấy giờ, có triều thần Tra Tư Đình từng làm chủ khảo ở Giang Tây, ra đề thi là "Duy dân sở chỉ".

Do hai chữ "duy chỉ" được dùng là phần đầu của hai chữ "Ung Chính", Hoàng đế đã vô cùng tức giận, hạ lệnh tống Tra Tự Đình vào ngục. Sau cùng, Tra Tự Đình chết ở trong ngục, gia quyến bị xử trảm hoặc chịu án lưu đày.

Lại có lần khác, một vị quan Hàn lâm là Từ Tuấn trong lúc viết tấu chương đã lỡ tay viết sai chính tả một chữ. Cụ thể, họ Từ này đã viết sai chữ "bệ" trong từ "bệ hạ" thành chữ "bệ" với hàm nghĩa là ngục tù.

Sau khi đọc được, Ung Chính ngay lập tức cách chức Từ Tuấn. Do đem lòng nghi ngờ hành động vô ý trên, Ung Chính còn cử người đi điều tra các tác phẩm thi văn của họ Từ này, thu được hai câu thơ "đáng ngờ":

"Thanh phong bất tri sự

Hà sự loạn phiên thư?"

Ung Chính lập tức quy hai chữ "thanh phong" là từ ngữ ám chỉ triều đình, khép Từ Tuấn vào tội phỉ báng triều đình, khiến cho vị quan này nhanh chóng vong mạng.

Thảm án chữ nghĩa đẫm máu nhất lịch sử Thanh triều - Ảnh 3.

Khang Hi, Ung Chính, Càn Long là ba vị vua góp phần đẩy "văn tự ngục" lên tới đỉnh cao tàn khốc. (Tranh: nguồn internet).

Nối gót ông cha, vua Càn Long càng thêm mạnh tay với những vụ án chữ nghĩa. Dưới thời của vị Hoàng đế này, án văn tự xảy ra càng nhiều, hình phạt càng thêm tàn khốc.

Dưới thời Càn Long tại vị, Hàn lâm học sĩ Hồ Trung Tảo từng sáng tác câu thơ "Nhất bả tâm tràng luận trọc Thanh". Sau khi đọc xong, Hoàng đế liền nổi trận lôi đình, cho rằng việc thêm một chữ "trọc" ngay bên cạnh Quốc hiệu (chữ Thanh) là ý đồ phỉ báng.

Bởi vậy, Hồ Trung Tảo chỉ vì một chữ "trọc" mà phải chịu chết, thậm chí còn liên lụy tới gia quyến, thầy dạy, bạn bè.

Lúc bấy giờ, danh sĩ Từ Thuật Quỳ từng sáng tác tập thơ "Nhất trụ lâu", trong đó có đôi câu: "Minh triều ky chấn thiên, nhất cử khứ thanh đô."

Vua Càn Long cho rằng Từ Thuật Quỳ mượn chữ "triều" trong "triều tịch" để đọc thành "triều" trong "triều đại", sau đó suy luận ra ý nghĩa của câu thơ là: "Muốn chấn hưng Minh triều mà làm triều đại của ta mất đi".

Do những suy luận vô cớ này, Từ Thuật Quỳ hiển nhiên mất mạng, Từ gia và những người có liên quan đều phải nhận án xử trảm.

Một con chữ sai, trăm người mất mạng

Văn tự ngục từ lâu đã bị xem như "hình phạt đặc biệt" dành cho giới văn nhân, trí thức, là thủ đoạn trấn áp của triều đình phong kiến nhằm kiềm chế những tư tưởng đối nghịch để củng cố nền chính trị độc tài của mình.

Những hình thức xử lý của các án văn tự vô cùng tàn khốc, từ bắt bớ, khám nhà, ngồi tù, chịu nhục hình cho tới lưu đầy biên cương, sung quân, làm nô tỳ, còn lại đa số đều bị chém đầu, lăng trì, người chết rồi vẫn phải "khai quan lục thi"(bật quan tài, giết thi hài) để thụ án.

Đó là chưa kể tới việc chỉ cần một người đắc tội, thì tới cả họ hàng, người quen, người in ấn, mua bán, tàng trữ, quan lại địa phương…chỉ cần dính dáng một chút đều phải chịu án liên đới.

Thảm án chữ nghĩa đẫm máu nhất lịch sử Thanh triều - Ảnh 4.

Những nạn nhân của án văn tự nhẹ thì phải chịu cảnh tù chung thân, đi đày, nặng thì mất mạng, xử trảm ba họ. (Tranh minh họa).

Vậy mới nói, chỉ một con chữ "sai", cả trăm người mắc vạ, còn kẻ tố giác lại thuận buồm xuôi gió thăng quan tiến chức.

Từ đó, việc tố giác các án văn tự đã trở thành phong trào, ai ai cũng thi nhau bới lông tìm vết để hãm hại người khác vào chỗ chết hòng trục lợi cho bản thân.

Trong các triều đại phong kiến Trung Quốc, cách xử lý "văn tự ngục" dưới thời nhà Thanh được đánh giá là đã đạt tới "đỉnh cao" tàn khốc. Điều này giúp củng cố nền chính trị độc tài, nhưng lại tạo thành cục diện chính trị, tư tưởng hết sức bí bức, gò bó.

Chính sự bí bức, gò bó ấy đã sản sinh ra những mâu thuẫn xã hội, đồng thời đẩy các mâu thuẫn ấy lên tới đỉnh điểm.

Việc bách tính khiếp hãi trước những án văn tự lại làm nảy sinh ra tâm lý bất mãn đối với triều đình. Thanh triều lụn bại âu cũng bắt nguồn từ nguyên nhân ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại