Có một phụ nữ nọ rất thích chiếm về mình những lợi ích vặt vãnh.
Đi siêu thị, gặp phải những đồ ăn thử miễn phí, bà ta không chỉ ăn một phần mà còn xin thêm phần nữa.
Mua hoa quả, sau khi thanh toán tiền, kiểu gì cũng nhón thêm một hai quả quýt hay lấy thêm vài quả táo.
Ra chợ rau mua rau, bà ta thường nhặt thêm vài cọng hành, vài quả ớt.
Theo bà ta, những thứ này nhỏ nhặt, không đáng tiền nên có lấy thêm cũng chẳng sao và tỏ ra rất hài lòng với những gì đã làm. Không chỉ vậy, người phụ nữ này gặp ai cũng bảo mọi người nên bắt chước theo mình.
Hè năm ngoái, bà ta cùng một vài chị em lập nhóm đi du lịch nước ngoài. Tại cửa hàng miễn thuế, bà ta bỏ một thỏi son thử vào túi áo của mình. Sau khi bị bắt tại trận, bà ta phân bua dù sao cũng chỉ là son thử, không phải hàng mới, chẳng khác gì hàng tặng, bà ta lấy cũng có vấn đề gì đâu.
Ảnh minh họa.
Đáng tiếc là, cảnh sát nước ngoài sau khi xem lại camera giám sát đã không tin lời bà ta nói, tiến hành bắt giữ và phạt tiền.
Con trai bà ta sau khi biết tin đã phải vội vã xin nghỉ làm, mua vé máy bay ra nước ngoài giải quyết giúp mẹ.
Sau sự cố này, con trai bà không ngừng trách cứ mẹ hồ đồ, không ngờ có thể làm ra việc này, khiến anh ta phải xin nghỉ việc, bị trừ tiền lương, đồng thời còn phải tiêu mất không ít tiền cho việc đi lại, làm việc với cảnh sát…
Vì một thỏi son chưa đến vài trăm ngàn đồng, người phụ nữ tham lam ấy đã phải trả giá bằng cả nhân phẩm và danh dự của bản thân, thậm chí còn không ngẩng được mặt lên với người nhà.
Trải qua sóng gió này, bà ta đã tỉnh ngộ hoàn toàn, không dám tham lam chiếm đoạt những thứ vặt vãnh về cho mình thêm một lần nào nữa.
Lời bình
Việc tranh thủ chiếm đoạt những thứ vặt vãnh chẳng khác gì những viên thuốc được bọc đường bên ngoài, lúc mới bỏ vào miệng thì ngọt nhưng cuối cùng lại rất đắng. Cổ ngữ có câu: Chim bay cao chết vì tham ăn, cá ở dưới sâu chết vì miếng mồi.
Những thứ dù là vặt vãnh cũng không nên chiếm cho mình, bởi đằng sau sự vặt vãnh không đáng là bao ấy chính là vực thẳm, chiếm nhiều rồi, con người sẽ rơi xuống vực thẳm và không thể nào leo lên được.
Một người khi có quá nhiều ham muốn sẽ thiếu hụt trí tuệ, sự nhạy bén. Và khi con người tham tiền tài, quyền lực, sắc đẹp, đó chính là lúc cuộc đời bắt đầu bị hủy hoại.
Mỗi người đều có những tính toán riêng, tính toán lợi ích bản thân, của người khác. Nhưng tính nghìn tính, vạn tính vẫn không bằng trời tính, tính qua tính lại vẫn là cho bản thân mình.
Còn trời tính, thì tính gì? Trời tính "đức" của mỗi người. Trời đất vô tư, lấy đức làm nền tảng, tích bao nhiêu đức thì phúc theo đó mà được cải thiện bấy nhiêu.
Người lương thiện, người khác có thể ức hiếp nhưng trời thì không làm khó; Người ác, người khác có thể sợ, nhưng trời không sợ. Người có lòng từ bi, trời ắt bảo vệ; người trung hậu, phúc ắt tề thiên.
Tham lam sẽ là đèn đường chỉ dẫn cho dục vọng. Người không thể kiềm chế bản thân không phù hợp để nói chuyện nhân sinh, người không coi trọng sự nghiệp và tu dưỡng, không biết tiết chế ham muốn, đều dễ rơi vào những cạm bẫy đáng sợ.
Chỉ có nhân tính mới là ngọn hải đăng dẫn dắt lý trí và tinh thần.
Benjamin Franklin có câu: "The discontented man finds no easy chair", nghĩ là "người bất mãn khó tìm được ghế dễ ngồi". Câu này có thể hiểu như sau: Với những kẻ không bao giờ biết đủ, luôn thấy bất mãn thì chiếc ghế nào cũng không thể thỏa mãn họ.
Xã hội nào cũng tồn tại sự chênh lệch nhất định giữa giàu và nghèo. Ở nơi nào cũng xuất hiện những con người ganh tỵ với cuộc sống giàu có.
Họ thường nhìn vào thói quen chi tiêu xa xỉ của những người xung quanh rồi so sánh, nảy sinh bất mãn với hiện tại của chính mình. Một khi sinh ra suy nghĩ tham lam với những thứ không thuộc về mình, đây chính là thời điểm xuất hiện tín hiệu nguy hiểm đối với bản thân.
Nếu chúng ta có đủ năng lực, hoàn toàn có thể tự xây dựng tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính mình. Nhưng nếu không có khả năng thực hiện được điều đấy, sự tham lam chỉ khiến tâm lý chúng ta ngày một trở nên xấu xí, có thể gây ra những hành động sai trái và hậu quả khôn lường.