Ngày 13-8, phe áo đỏ - đảng Vì người Thái bác bỏ nghi ngờ mình có vai trò trong 11 vụ nổ bom ở năm tỉnh miền nam Thái Lan vừa qua làm bốn người chết, gần 40 người bị thương.
Đảng Vì người Thái là chính đảng đã cầm quyền Thái Lan trước khi bị quân đội đảo chính năm 2014. Hai anh em Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra thuộc đảng Vì người Thái đều từng làm Thủ tướng Thái Lan và đều bị quân đội đảo chính lật đổ.
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị đảo chính năm 2006. Ảnh: REUTERS
11 vụ nổ bom tại các địa điểm du lịch Hua Hin, Phuket, Phang Nga, Surat Thani, Trang trong chưa đầy 24 giờ từ chiều 11 đến sáng 12-8 xảy ra chỉ sáu ngày sau cuộc trưng cầu dân ý tán thành dự thảo hiến pháp do quân đội soạn thảo. Dự thảo hiến pháp này sẽ giúp củng cố thêm quyền lực quân đội trong chính phủ mới.
Trong cuộc trưng cầu này, người ủng hộ phe áo đỏ ở các địa phương đông bắc đồng loạt bỏ phiếu không tán thành. Cử tri ở ba tỉnh Hồi giáo miền nam cũng bỏ phiếu không tán thành. Tuy nhiên, kết quả chung cuộc vẫn là tán thành.
Vì thế nhiều nhà phân tích cho rằng chắc chắn sẽ có nghi ngờ thủ phạm của các vụ đánh bom nếu không phải là phiến quân Hồi giáo đòi ly khai thì là phe đối đầu với quân đội, mà khả năng nghi ngờ sau nhiều hơn.
Trước nghi ngờ này, cựu Ngoại trưởng Noppadon Pattama, một nhân vật cấp cao của đảng Vì người Thái đã lên tiếng minh định.
"Trên mạng xã hội đang truyền nhau cáo buộc rằng ông Thaksin Shinawatra đứng đằng sau các vụ đánh bom. Đó là sự vu khống và phỉ báng. Bất kỳ ai từng làm thủ tướng đều lo lắng về tình hình đất nước và sẽ không gây ra những tội ác như vậy."
Ông Noppadon Pattama từng phục vụ trong cả hai chính phủ của ông Thaksin Shinawatra và bà Yingluck Shinawatra.
Chính trị Thái Lan thường xuyên bất ổn trong hơn một thập kỷ qua. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị quân đội đảo chính năm 2006, cáo buộc ông tham nhũng. Em gái ông là cựu Thủ tướng Yingluk Shinawatra cũng bị quân đội đảo chính năm 2014.
Cứu chữa người bị thương trong một vụ đánh bom ở Hua Hin tối 11-8. Ảnh: REUTERS
Hiện vẫn chưa tổ chức nào nhận trách nhiệm các vụ đánh bom.
Theo Tư lệnh cảnh sát quốc gia Jakthip Chaijinda, các thiết bị nổ có vẻ giống những thiết bị nổ mà phiến quân Hồi giáo đã từng dùng.
Báo Bangkok Post (Thái Lan) hôm qua có đưa tin đã có hai nghi can bị bắt, tuy nhiên ngày 13-8, Phó Tư lệnh cảnh sát quốc gia Pongsapat Pongcharoen xác định lại chưa có nghi can nào bị bắt.
Cảnh sát sẽ đối chiếu các mẫu ADN thu thập tại các hiện trường đánh bom với dữ liệu ADN nghi phạm mà cảnh sát đang dự trữ tại các tỉnh miền nam, hy vọng tìm ra thủ phạm.