Cuộc đời mỗi người có tổng cộng hơn 20 000 ngày.
Trong đó, giấc ngủ chiếm 7000 ngày, ăn uống chiếm 2000 ngày; thay đồ và giặt giũ mất hơn 1000 ngày; lại tốn thêm một đống thời gian để xem phim, chơi game, lướt facebook, tiktok,... và làm những việc lặt vặt khác.
Vậy tính ra, chúng ta sẽ còn được bao nhiêu thời gian để làm những việc có ý nghĩa đây?
Thời gian còn lại vừa quý giá lại ít ỏi, chúng ta không thể cứ dùng nó để trì hoãn như vậy được. Khoảng cách giữa người với người, được mở rộng chỉ vì những mảnh thời gian từng ngày bị ta hoang phí đó.
Sự trưởng thành của một người dựa trên sự tích lũy kinh nghiệm và kiến thức trong vô số giờ mà có được.
Bạn bè xung quanh tôi thường than thở bảo bởi vì trình độ không cao mà khi gặp cấp trên hay những người tài giỏi hơn thường khiến họ thấy tự ti, mặc cảm.
Đối mặt với tình huống này, trước tiên tôi thường hỏi:
"Bình thường bạn hay dùng thời gian rảnh để làm gì?"
Có một người trả lời rằng: "Đánh liên minh, xem phim truyền hình, lướt Facebook, rep tin nhắn bạn bè... cho qua thời gian thôi!"
Nghe câu trả lời, tôi liền hiểu ra: Kết quả anh ta gặp được, là chuyện hiển nhiên.
Thành tựu của một người nằm ở cách phân bố thời gian và thái độ của anh ta với thời gian.
Có một câu chuyện ngụ ngôn thế này:
Cách đây rất lâu, có một người đàn ông rất giàu có tên là Thời Gian. Trong nhà Thời Gian có rất nhiều gia cầm và gia súc, đất của anh ta cũng rất rộng, trên mảnh đất của anh ta trồng đầy nhiều loại cây trồng khác nhau.
Trong chiếc rương to của anh ta còn có rất nhiều vàng bạc, đồ trang sức và bảo vật quý báu, rực rỡ. Trong nhà kho đầy ắp lương thực, và thứ quan trọng nhất chính là anh ta có rất nhiều thời gian. Đây chính là tài sản lớn nhất của anh ta.
Bởi vì Thời Gian có nhiều tài sản như vậy, nên anh ta nổi tiếng khắp nơi, đến ngay cả những vùng đất lạ cũng nghe thấy sự giàu có của anh ta.
Nhiều doanh nhân, vũ công, ca sĩ, diễn viên từ mọi tầng lớp đã đến đây để xem thử người đàn ông này giàu cỡ nào, sau đó lại về kể cho người dân nước mình nghe.
Thời Gian rất hào phóng. Anh ta luôn phân phát tài sản của mình cho người nghèo mà không cần suy nghĩ. Người nghèo luôn cảm thán anh ta là người hào phóng, gặp chuyện đều đến nhờ Thời Gian cứu tế.
Sau nhiều năm, một bộ lạc cử sứ giả đến thăm Thời Gian. Trước khi đi, thủ lĩnh bộ lạc nói với sứ giả:
"Lần này, ông hãy đến gặp Thời Gian, nhất định phải tận mắt nhìn thấy anh ta. Sau đó về nói cho chúng tôi biết người đàn ông này giàu như thế nào, hào phóng ra sao!"
Sứ giả đồng ý và bắt đầu hành trình của mình. Đi bộ được vài ngày, cuối cùng họ cũng đến nơi. Nhưng đất nước này lại trở nên ảm đạm, hoang tàn. Vị sứ giả mới hỏi một ông lão gầy gò, nhếch nhác bên đường:
"Xin hỏi ở đây có người đàn ông giàu có tên Thời Gian không? Nếu có, xin ông chỉ đường giúp tôi với."
Ông lão nghe xong liền trả lời dứt khoát:
"Có, Thời Gian ở đây. Ông hãy đi vào thành, mọi người sẽ chỉ cho."
Sứ giả đi vào thành, gặp người qua đường liền hỏi:
"Chúng tôi là sứ giả từ bộ lạc khác đến vì muốn tìm gặp người đàn ông giàu có Thời Gian. Danh tiếng của anh ta đã truyền đến bộ lạc chúng tôi. Xin hỏi anh ta đang ở đâu thế?"
Lúc này, một người ăn xin từ trong đám đông đi ra. Người dân chỉ vào anh ta và nói: "Anh ta chính là người tên Thời Gian mà ông tìm đấy."
Vị sứ giả sợ hãi, không tin vào mắt mình. Ông nghi ngờ hỏi:
"Chẳng lẽ người này lại chính là cái vị giàu có trong truyền thuyết ư?"
"Đúng vậy, tôi chính là thời gian." Người ăn xin đáp: "Tôi đã từng là người giàu nhất, nhưng bây giờ tôi là người nghèo nhất thế giới."
Sứ giả tỏ vẻ khó xử: "Vậy khi tôi trở về biết nói thế nào với đồng bào mình đây?"
"Ông hãy về khuyên họ, đừng bao giờ lãng phí thời gian. Bởi vì tôi tiêu xài phung phí thời gian, không biết cách trân quý tài sản của mình, nên mới biến thành như ngày hôm nay." Người ăn xin hối hận nói.
Trong câu chuyện ngụ ngôn này, người đàn ông Thời Gian vốn dĩ có rất nhiều tài sản và thời gian. Tuy nhiên, anh ta lại không biết cách trân quý và quản lý tài sản của mình.
Ngược lại, chi tiêu hoang phí, nên sau này phải trở thành một người ăn xin. Mà ngay cả những người nghèo chỉ trông chờ Thời Gian cứu trợ lúc trước, cũng vẫn chưa thoát khỏi số nghèo được.
Tục ngữ có câu: "Thời gian là vàng."
Thái độ của một người với thời gian, sẽ quyết định mức độ thành công và sự giàu có mà họ đạt được sau này. Nếu bạn từ bỏ thời gian, thời gian cũng sẽ từ bỏ bạn.
Trên thực tế, mỗi người đều nắm sự giàu có về thời gian trong tay. Chỉ cần chúng ta biết cách sử dụng hợp lý, chúng ta có thể tạo ra được nhiều của cải và lợi nhuận từ nó.
Dù là người giàu hay nghèo, đều có 24 tiếng mỗi ngày. Sự khác biệt là người nghèo chưa bao giờ nhận ra giá trị của sự giàu có này. Họ luôn cảm thấy rằng thời gian là vô tận, họ thường nhắm mắt làm ngơ và thờ ơ với thời gian.
Nhưng người giàu thì không, họ luôn sống hết mình và nỗ lực trong từng phút giây để tạo ra giá trị cho cuộc sống và bản thân.
Bạn tiêu hao thời gian ở đâu, ở đó là thành tựu bạn sẽ đạt được.
Rất nhiều người hỏi: "Làm sao để trở thành một người thành công?"
Thông minh không vẫn chưa đủ; nỗ lực hết mình có thể tạo ra thành tích, nhưng đòi hỏi thêm cách quản lý thời gian.
Hãy học cách dùng thời gian như lưỡi dao, tận dụng nó nhưng không lơ là cảnh giác bất cứ phút giây nào.
Vào những năm 1930 tại Las Vegas, Hoa Kỳ, có một nhân viên bán hàng rất nổi tiếng tên là Roy.
Anh ta luôn hoàn thành được hết tất cả nhiệm vụ, khiến đồng nghiệp luôn kinh ngạc và thắc mắc rằng: "Anh ta đã đánh cắp thời gian từ nơi nào?"
Trên thực tế, ai đã từng giao tiếp với Roy đều sẽ biết Roy có một thói quen, cho dù đang trong một cuộc họp hay thời gian bình thường đi nữa, trước tiên anh ta đều sẽ nói một câu thần chú: "Tôi chỉ nói trong ba phút".
Anh ta yêu cầu khách hàng chỉ cần cho mình 3 phút để giới thiệu sản phẩm, nhờ đó mà hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Khách hàng rất ngạc nhiên và khâm phục về khả năng của anh ta. Roy làm việc gần như tỷ lệ thuận với hiệu suất.
Sau này, khi Roy tự thành lập công ty riêng, anh ta đã lắp một chiếc đồng hồ đặc biệt trên tường, cái đồng hồ này cứ qua 3 phút sẽ cảnh báo. Khi họp, Roy yêu cầu nhân viên báo cáo trong 3 phút, nếu không sẽ đánh mất cơ hội thể hiện bản thân.
Tuy yêu cầu khắt khe, nhưng hiệu quả đạt được lại rất cao. Không chỉ khiến nhân viên không lãng phí thời gian của công ty, còn giúp họ không lãng phí thời gian của người khác và chính họ.
Khác biệt đời người cũng dựa trên cách sử dụng thời gian của từng người. Chất lượng và hiệu quả của việc sử dụng thời gian khác nhau sẽ hình thành nên cấp độ sống khác nhau.