Thác Vân Đài nằm trong Công viên Vân Đài Sơn, một khu thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Công viên được xếp hạng 5A - mức cao nhất trong tiêu chí đánh giá khu thắng cảnh nổi tiếng của Bộ Văn hóa và Du lịch nước này.
Tuy nhiên, dòng thác đổ tạo nên cảnh cảnh tượng được ví như "dải ngân hà" có thể không hoàn toàn tự nhiên như du khách vẫn nghĩ.
Một đoạn video được đăng trên mạng xã hội Trung Quốc hồi đầu tuần dường như cho thấy một đường ống cung cấp nước cho thác nước cao 314 m này.
Theo Thời báo Hoàn Cầu , ban quản lý Công viên Vân Đài Sơn ngày 5/6 đã phản hồi về sự việc, giải thích rằng thời tiết khô nóng khi vào hè đòi hỏi phải tăng thêm lực đẩy cho thác.
Họ cho biết: “Thác nước không thể đảm bảo sẽ mang đến cho du khách vẻ ngoài đẹp nhất do sự thay đổi theo mùa” , đồng thời khẳng đỉnh đường ống là để điều chuyển nước suối từ trên núi về, "hoàn toàn không có nguồn nước xấu nào khác và sẽ không làm tổn hại đến cảnh quan thiên nhiên".
Ban quản lý công viên cũng bày tỏ lòng biết ơn vì sự quan tâm, đồng thời cam kết thác sẽ chào đón du khách vào mùa hè này với “hình thức hoàn hảo và tự nhiên nhất” .
Trong khi video gây sốc cho nhiều người ở Trung Quốc, không ít ý kiến trên mạng xã hội lại hoan nghênh hành động của công viên.
“Du khách đến để chiêm ngưỡng thác nước chứ không phải để xem nguồn nước, tôi không nghĩ điều đó bị coi là lừa dối công chúng” , một người dùng mạng xã hội cho biết.
Một người khác bình luận: “Bạn đến đó để ngắm một con công đang xòe đuôi chứ không phải để tập trung vào mông của con công”.
Vân Đài không phải là thác nước đầu tiên ở Trung Quốc cần thêm sự trợ giúp từ con người. Khí hậu gió mùa của đất nước này khiến việc duy trì dòng nước chảy trong mùa khô trở nên khó khăn hơn khi lượng mưa ít.
Thác Hoàng Quả Thụ nằm ở tỉnh Quý Châu (phía tây nam Trung Quốc) cũng bị ảnh hưởng trong mùa khô. Năm 2004, một con kênh dẫn nước đã được xây dựng để đảm bảo dòng nước cho thác.
Vào thời điểm đó, con đập nhận được sự ủng hộ của du khách và chính quyền địa phương, nói rằng nó sẽ giúp “chấm dứt lịch sử khô cạn thác Hoàng Quả Thụ”.