"Hòa bình không có nghĩa là NATO"
Trước hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO vào ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Ukraine sẽ phải dựa vào nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí TIME, Tổng thống Biden nói, hòa bình "không có nghĩa là NATO".
Ông Biden cho rằng Ukraine "chưa sẵn sàng trở thành thành viên NATO" và rằng còn "quá sớm" để bắt đầu quá trình cho phép Ukraine gia nhập liên minh giữa lúc nước này đang có xung đột. Ông nói thêm rằng ông không "nghĩ rằng NATO có sự nhất trí về việc có nên đưa Ukraine vào gia đình NATO lúc này hay không và quá trình này chỉ có thể diễn ra sau khi một thỏa thuận hòa bình với Nga được ký kết".
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn cảnh báo phương Tây vẫn có nhiệm vụ ngăn chặn Kiev rơi vào tay Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy việc Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO, cho rằng Nga có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công khác trong thời gian dài.
Nếu Ukraine có được tư cách thành viên của NATO, Mỹ và các quốc gia phương Tây phải bảo vệ Kiev trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga, theo Điều 5 của hiệp ước.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ cho biết các thành viên sẽ "tạo cầu nối để đưa Ukraine đến gần hơn và cuối cùng là gia nhập NATO", nhưng không nêu chi tiết về các điều kiện cần thiết để trở thành thành viên hoặc khung thời gian.
Bà Julianne Smith - Đại sứ Mỹ tại NATO - cho biết Kiev khó có thể nhận được lời mời trở thành thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Quan chức này nhấn mạnh rằng NATO có kế hoạch cung cấp cho Ukraine một gói an ninh cho Ukraine, để làm “cầu nối” cho tư cách thành viên của họ trong khối quân sự.
Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia NATO hồi cuối tháng 9/2022. Tổng thống Zelensky đã nhiều lần bày tỏ hy vọng nước này có thể được gia nhập khối quân sự khi cuộc chiến kết thúc.
Hợp tác an ninh
Trong bài viết trên tờ The Hill, 2 đồng tác giả Jonathan Sweet, Đại tá quân đội đã nghỉ hưu, sĩ quan tình báo quân đội có 30 năm kinh nghiệm và Mark Toth chuyên viết về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại bình luận rằng Tổng thống Biden đã "chơi bóng một cách vụng về" khi Ukraine bước vào giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến.
Theo đó, thay vì củng cố vai trò của Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Biden trên thực tế đã làm ngược lại.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ của NATO vẫn tiếp tục. Pháp đồng ý cung cấp cho Ukraine 50 tên lửa hành trình Scalp để bổ sung cho tên lửa Storm Shadow của Anh nhằm nâng cao khả năng tấn công sâu chính xác.
Đức công bố bệ phóng tên lửa phòng không Patriot, xe chiến đấu bộ binh Marder và xe tăng Leopard. Được dẫn đầu bởi Đan Mạch và Hà Lan, 11 quốc gia NATO đã đồng ý bắt đầu chương trình huấn luyện F-16 ở châu Âu vào tháng 8 này.
Kể từ tháng 1, Ukraine đã ký hợp tác an ninh với 9 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Đức, đồng thời đang đàm phán nâng cao với một số quốc gia khác.