Tết Thanh minh gồm những hoạt động như tảo mộ, thờ cúng cổ tiên, du xuân, trồng cây...
Nhưng trong bối cảnh xã hội hiện đại, con người không ngừng biến đổi và phát triển ý nghĩa lẫn hình thức của Tết Thanh minh phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới với những ngôn ngữ khác nhau, màu da và truyền thống khác nhau, nhưng có duy nhất một điều giống nhau.
Đó chính là cảm xúc cơ bản trong ngày Thanh minh, là lúc thương nhớ đến người đã khuất.
Lễ Radonitsa của người Nga
Ở Nga có một lễ hội dành riêng để tưởng nhớ người quá cố diễn ra vào khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, được gọi là Radonitsa (Радоница).
Lễ Radonitsa bắt nguồn từ tôn giáo của người Slav và là ngày lễ quan trọng nhất của họ trong mùa xuân mỗi năm.
Từ Radonitsa có nghĩa là niềm vui. Lý do người Slav dùng cái tên Radonitsa đặt cho ngày lễ này là vì hy vọng những người còn sống không quá đau buồn bởi cái chết của người thân thiết, hãy vui mừng vì họ đã bước sang một thế giới mới.
Người Slav tin rằng, con người có 2 cuộc sống. Khi thể xác của con người mất đi, linh hồn của họ sẽ đến thế giới mới và bắt đầu một hành trình mới.
Cái chết chỉ là chìa khóa mở kết nối giữa thế giới vật chất và thế giới linh hồn. Chính vì thế, không nên quá đau lòng mà nên chúc mừng cho họ.
Lễ Radonitsa của người Nga.
Trưa ngày lễ Radonitsa, người Nga sẽ đến nghĩa trang tưởng niệm về người đã mất. Họ sẽ đặt bánh kếp, nến, những quả trứng màu sắc sặc sỡ... trước ngôi mộ.
Những quả trứng màu sắc là biểu tượng của sự sống tốt đẹp, bánh kếp tượng trưng cho ánh mặt trời đầy sức sống. Người ta cũng trồng hoa và đặt xung quanh mộ.
Người Nga còn làm một bữa tối đơn giản trước ngôi mộ. Vào khuya cùng ngày, họ bắt đầu tổ chức tiệc và những buổi tiệc này có thể kéo dài đến sáng hôm sau.
Theo dân gian, nếu một ai không tưởng niệm về người quá cố vào ngày này sẽ bị thế hệ con cháu sau này lãng quên tương tự. Trong khi đó, người đầu tiên tưởng nhớ sẽ được người đã khuất ở thế giới khác chúc phúc và bảo vệ.
Tóm lại, Radonitsa là ngày lễ tượng trưng cho niềm vui và hạnh phúc, đừng nên khóc mà hãy nhớ lại khoảng thời gian tốt đẹp khi họ còn sống.
Lễ hội Vong linh của người Mexico
Ở Mexico, Lễ hội Vong linh (Día de Muertos) là ngày mọi người tưởng nhớ người đã mất và thường diễn ra vào ngày 1 hoặc 2/11 hàng năm.
Khác với không khí nghiêm túc của Tết Thanh Minh của người Trung Quốc, người Mexico chọn cách tổ chức hội hóa trang để tưởng nhớ người quá cố.
Lễ hội Vong linh xuất hiện vào năm 600 trước Công nguyên, là ngày tưởng niệm người mất của người Aztec.
Họ là dân tộc sinh ra bởi chiến tranh, nghi thức tưởng niệm của họ là đặt hộp sọ của những người bại trận trước ngôi mộ để bày tỏ sự tôn trọng với người chết.
Sau chuyến đi vĩ đại của người Tây Ban Nha đến Mexico, họ đã thay đổi Lễ hội Vong linh ban đầu, biến nó trở thành ngày lễ pha trộn giữa văn hóa dân gian Aztec và văn hóa Tây Ban Nha.
Ngày nay, vào Lễ hội Vong linh, người Mexico sẽ tổ chức hoạt động tưởng niệm tương tự lễ hội Carnival. Họ đến nghĩa trang với niềm vui và tiếng cười, dùng chổi quét dọn xung quanh mộ và trang trí hoa tươi khắp nơi.
Sau đó sẽ cùng nhau nhảy múa và ca hát trước các ngôi mộ. Họ cho rằng, người chết cũng sẽ nhảy múa theo họ ở một thế giới khác.
Tết Thanh minh của người Châu Á
Đối với Việt Nam và một số ít các quốc gia sử dụng lịch âm trên thế giới, Tết Thanh minh thường diễn ra vào tháng 4. Mỗi khi đến Tết Thanh minh, mọi người sẽ cùng nhau đến ngôi mộ dọn cỏ và cắm hoa.
Tết Thanh minh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong truyền thống Trung Quốc. Bất kể già trẻ lớn bé, họ luôn phải quét dọn mộ của tổ tiên.
Trước hết, nhổ hết cỏ dại khắp ngôi mộ, sửa chữa và thêm 1 ít đất vào ngôi mộ. Sau đó đốt nến và tiền giấy, cúng rượu và thịt rồi vái lạy mộ tổ tiên.
Người Trung Quốc đã rất chú ý đến việc thờ cúng tổ tiên từ thời cổ đại.
Khổng Tử có dạy, con cháu trong nhà nên đối đãi với người lớn tuổi khi họ còn sống bằng cả trái tim và tâm hồn. Sau khi họ chết cũng phải đối đãi với họ như thế. Đây chính là chữ "Hiếu".
Người Thái Lan cũng có Tết Thanh minh nhưng ngày lễ của họ mang nhiều nét đặc sắc của dân tộc hơn. Nửa tháng trước Lễ Thanh minh, họ sẽ chuẩn bị trước các vật phẩm tưởng niệm liên quan.
Đến ngày Tết Thanh minh, họ sẽ đưa cả gia đình đến trước ngôi mộ bày biện hoa tươi và trái cây. Người Thái còn dựng lên những ngôi nhà nhỏ trước ngôi mộ, đây là hoạt động mang nhiều đặc sắc Thái Lan nhất.
Tác dụng của nó là cho phép linh hồn của tổ tiên có nơi trú ngụ. Thông qua quy mô và phong cách dựng lên ngôi nhà này, chúng ta có thể thấy được sự giàu có của từng gia đình.
Ngôi nhà nhỏ dành cho người quá cố "cư trú" ở Thái Lan.
Ở Hàn Quốc, Tết Thanh minh được người dân xem trọng. Theo truyền thống Hàn Quốc, họ cũng dọn dẹp mồ mả tổ tiên với những hoạt động như dọn cỏ dại, cúng rượu, trái cây, bánh gạo... Sau đó là hoạt động cúng bái.
Người Hàn Quốc thích cúng hoa tươi, họ đặt hoa bên cạnh mộ người mất để bày tỏ nỗi nhớ thương. Tuy nhiên, họ không đốt tiền giấy khi cúng bái.
Dù là Phương Đông hay Phương Tây, con người vẫn luôn có một ngày tưởng nhớ đến người đã khuất. Những ngày lễ này có phong cách khác nhau nhưng mục đích cơ bản nhất vẫn là bày tỏ nỗi lòng với người chết.