Tết xa xứ: "Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà"

Ở một thành phố bé tí xíu lại khiến mình chựng lại và chợt nhận ra: "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà".

Đã qua nhiều mùa xuân, ở nhiều quốc gia, nhưng với chị Lê Thị Huyền (hiện đang sinh sống tại Úc), Tết, bao giờ cũng là nỗi nhớ, niềm thương vô tận...

1. Cái Tết đầu tiên xa nhà của mèo con là một chuyến thăm Thái lan chớp nhoáng từ cuối tháng chạp đến mùng hai Tết. Lần đầu tiên đi ra nước ngoài của tuổi hai mươi nó mới phơi phới làm sao. Háo hức khám phá một miền đất mới, thích thú với những gì mình chưa từng biết đến.

Chiều ba mươi cô gái trẻ trung ngày ấy đi vào khu người Tàu xem thiên hạ rộn ràng sắm Tết mà cứ ngỡ lòng mình dửng dưng với những hình ảnh ấm áp của mọi người, cứ ngỡ ta phăm phăm vào đời, miễn nhiễm với những nhớ thương để lại sau lưng. Ấy thế mà chỉ một mùi hoa sữa, một mùi hoa sữa thoang thoảng nhưng lại nồng nàn trên một con phố nhỏ, ở một thành phố bé tí xíu lại khiến mình chựng lại và chợt nhận ra "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà".

Không tìm được lá dong, vợ chồng chị Huyền gói bánh chưng bằng lá chuối, để nguôi nỗi nhớ quê.

2. Đã đón hai cái Tết ở nước Đức. Năm đầu tiên hai vợ chồng lủi thủi với một thằng con nhỏ. Tuyết rơi trắng trời, triền miên như nỗi nhớ. Ngày qua ngày, nỗi nhớ ấy không nguôi ngoai đi, lớp nọ chồng lớp kia như tuyết. Nỗi nhớ cũng đóng băng lại trong lòng mình.

Cái Tết tiếp theo thì rút kinh nghiệm lắm, giống như người ta đã biết cào tuyết ra để mở lối đi, cũng đã biết chuẩn bị nhiều thứ hơn cho Tết ấm áp để mở lối cho lòng mình. Bữa cơm cuối năm tụ tập với những bạn bè thân thiết, ăn những món truyền thống, người lớn chúc tụng nhau những điều tốt đẹp và mừng tuổi bọn trẻ con. Mùa đông nước Đức bớt lạnh lẽo hơn bởi những chân tình của người xa quê hương. Bố bọn trẻ con năm ấy còn được tuổi nên được một cô nhờ đến xông nhà. Cái cảm giác ấy thật níu giữ Tết, Tết của những trọng vọng và chắt chiu sau một năm vất vả của người dân Việt.

Hai bé Kat - Kây của chị Huyền được mẹ diện cho những bộ lễ phục dân tộc mang từ Việt Nam sang.

3. Năm nay đón Tết ở nước Úc. Thật khó mà thuyết phục lòng mình rằng đây đang là Tết khi trời nắng nóng đến bốn mươi độ. Ba mươi mấy năm quen rồi cái điệp khúc một năm bắt đầu bằng mùa xuân, cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ. Ấy thế mà ở đây một năm lại bắt đầu bằng mùa hạ, cuộc đời ở đây cũng bắt đầu ở tuổi trung niên. Phải đến khi bạn bè rủ nhau gói và nấu bánh chưng ngày hai bảy Tết, thật mới có cảm giác rằng Tết đang về, ở Việt Nam, nơi gia đình và tuổi thơ đã sống và ở đây, nơi mình và tuổi thơ của con mình đang sống. Chỉ khi lá bánh xếp ra, đậu tròn mup múp như những nắm tay, gạo nếp trắng muốt trong chậu, thịt ba chỉ miếng to thơm mùi hành mùi mắm và bàn tay người gói bánh tỉ mẩm vuốt từng mép lá mới thấy lòng mình đằm lại.

Tết không chỉ là những hồi ức về những ngày xưa cũ. Tết còn là cuộc sống đang tiếp diễn ở đây, trong tiếng sôi lục bục của nồi bánh chưng nghe nôn nao khó tả. Mùi lá quyện với mùi gạo nếp, mùi đậu mùi thịt sao mà da diết thế. Nấu một nồi bánh chưng chuẩn bị cho Tết như là tìm lại cho mình một chiếc vé đi về với tuổi thơ. Con trai đôi mắt tròn xoe ngủ dậy đã hỏi mẹ ơi bánh chín chưa với cảm giác mong chờ khó tả. Con gái năm nay sẽ được nếm miếng bánh chưng đầu tiên trong đời. Có thể con sẽ không thích, không mê nó như bố mẹ đã từng nhưng con sẽ biết và hiểu một điều rằng dù ở nơi đâu, bố mẹ cũng đang nuôi con theo cách của một người Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại