Đúng như hai câu thơ “Nơi ta về cũng để bắt đầu/ Nguồn mạch quê hương cho ta sức mạnh”.
Trong mỗi người chúng ta, chiều 30 Tết có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Dù đi đâu, ở đâu, ai cũng mong đến ngày 30 để mà đoàn tụ gia đình. Cho dù no đói thế nào cũng có mâm cỗ 30 để mà đón Tết và thờ cúng tổ tiên.
Hơi ấm thực và ảo
Xưa kia còn nghèo nhiều người không có Tết. Đọc câu đối xưa sao mà bi thương đến thế: “Chiều 30 nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa” (Nguyễn Công Trứ). Vì vậy họ thờ ơ với Tết: “Đêm 30 nghe tiếng pháo nổ... Đùng !... ờ ờ... Tết; Sáng mùng Một ra chạm niêu đánh... Cộc!... á à... Xuân”.
Cái no đói giờ thực sự không là nỗi lo thường trực của mỗi người Viêt Nam ta. Ngày Tết cũng không phải để mà “no ba ngày Tết”. Những ngày Tết bây giờ thực sự là lúc những đứa con từ những phương trời xa xôi, người vì công tác tất bật quanh năm, người vì cuộc sống mưu sinh nơi xứ người nay tất bật trở về quê cha đất tổ; về với gia đình, cái tế bào làm nên sự trường tồn của xã hội.
Bây giờ và ngày trước cũng vậy, hơi ấm chiều 30 vừa là hơi ấm thực và cũng là hơi ấm “ảo”. Thực và ảo đan quyện vào nhau làm thành tình yêu, tình cảm ngày Tết vô cùng thiêng liêng. Cái thực là hơi ấm tình cảm gia đình anh em cha mẹ. Còn ảo nhưng cũng quan trọng bởi trong đời sống tâm linh là sự xum họp với ông bà tổ tiên- những người đã khuất.
Đạo lý Việt Nam bao giờ cũng là nhớ về nguồn cội quê hương, nhớ về ông bà tiên tổ. Trong quan niệm dân gian bao giờ người chết cũng luôn bên cạnh bao bọc chở che cho mình, theo mình từng đường đi nước bước.
Tục thờ cúng ông bà tổ tiên không biết có nơi đâu như ở ta đã trở thành tín ngưỡng dân gian có sức mạnh kỳ lạ đến vậy. Mồ mả ông bà tiên tổ được các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng, âu cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Chuyện mộ “kết”, mộ phát trong dân gian phải chăng cũng chỉ là lời nhắc nhở cháu con phải nhớ về tiên tố, để chọn cho người chết nơi yên nghĩ “mồ yên mả đẹp”.
Bởi thế cho nên các triều đại phong kiến Việt Nam đều chú trọng trong việc xây cất nơi yên nghỉ của mình. Nhà Lý các đời Vua đều đưa về quê cha đất tổ Bắc Ninh để mà an táng. Nhà Trần đưa về Hải ấp Hưng Hà, Thái Bình và sau đó quần tụ về nơi đầu tiên của dòng họ là Đông Triều, Quảng Ninh. Các vua Lê về Lam Kinh Thanh Hóa, các vị vua triều Nguyễn thì ở Huế...
Chuyện xưa vương triều Trần phát tích cũng là do chuyển mộ từ Nam Định Về Thái Bình với những tình tiết ly kỳ. Dân gian vẫn kể về sự phát tích của nhà Trần làm người đời nửa tin nửa ngờ. Rằng có một nhà giàu nọ nhờ thầy địa lý tìm một cuộc đất để táng mộ tổ. Thì địa lý tìm được và phán rằng nếu đặt mộ ở chỗ đó dòng họ sẽ phát từ người con gái.
Nhà giàu nọ cho là nói nhảm bèn trói lại vứt xuống sông. Một người họ Trần đánh cá thấy có người kêu cứu cứu thì vớt lên. Thầy địa lý kể lại sự tình và để trả ơn thầy đã chỉ cho nơi táng mộ. Nhà Trần đem mộ tổ từ Nam Định về Hưng Hà Thái Bình theo lời chỉ dẫn nên sau đó đã phát tích trở thành một vương triều mạnh.
Tuy đúng sai thế nào là của lịch sử nhưng điều còn lại ấy là nhớ về cội nguồn. Có được ngày hôm nay không quên tiên tổ.
Mùa của sum họp
Ở quê tôi và chắc cũng như nhiều vùng quê khác bây giờ cháu con cũng đều chú ý đến phần mộ ông bà tổ tiên. Ngày 30 Tết dù bận trăm công ngàn việc cũng phải ra mộ để “đón” người đã khuất trở về vui xuân cùng con cháu.
Sáng sớm, các gia đình đều ra mộ tổ tiên và người thân đã khuất để lễ tạ Thổ thần, đắp thêm đất lên mộ, rước vong linh gia tiên về đón năm mới. Nếu gia đình không có điều kiện ra mộ thì có thể rước gia tiên về đón năm mới theo cách bày cỗ lên bàn thờ cúng vào giờ Ngọ ngày 30. Khấn vái cũng không cầu kỳ mà chủ yếu là mời người đã khuất về với gia đình đón năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm tỏ lòng hiếu kính.
Ngày trước khi tôi còn là cậu bé, bố tôi thường “bắt” tôi đi theo để đón “ông bà ông vải” về ăn Tết cùng gia đình. Thủ tục cũng cực kỳ đơn giản, chỉ là đánh một vòng cỏ để lên đỉnh mộ, sửa sang ngôi mộ, thắp hương và khấn mời người đã khuất về đón Tết cùng gia đình. Các cụ trước khấn bằng những bài khấn cổ nhưng nay thì nói nôm, đơn giản chủ yếu là thành tâm nghĩ sao nói vậy.
Bố tôi là người giỏi địa lý nên thường chỉ dẫn cho tôi về phong thủy đất đai tỷ mỷ.
Nhà tôi có ngôi mộ của bà nội ngày trước các cụ đặt ở một vị trí khá xa làng. Đi đến đó cũng đã mỏi chân. Thế mà vừa đi ông vừa giảng giải về hình sông thế núi, nào đất này thế nào, chỗ kia tụ thủy ra sao. Và ngôi mộ cũng vậy, tại sao các cụ lại đặt ở đây, có hình sông thế núi, trước mặt là dòng sông ôm lấy sau lưng được tựa đỡ bới núi cao …
Bây giờ thì tục rước các “cụ” về đón Tết cũng không thay đổi so với trước là bao nhưng nhẹ nhàng hơn vì nay phần mộ đều được qui hoạch và tập trung về một nơi chứ không để rải rác như trước kia.
Và trong chiều 30 mâm cỗ tất niên sum họp gia đình bao giờ cũng kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới, mời thần linh cùng gia tiên thụ hưởng lễ vật phù hộ cho toàn gia bình an thịnh vượng, luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hoà thuận.
Thật ra lời cầu xin cũng chính là lời hứa, niềm mong mỏi của người sống trước tổ tiên. Những điều đó con cháu khắc ghi phải làm cho tốt.
Chiều 30 mươi Tết đã thực sự là Tết bởi không khí gia đình ấm cúng mà bất kỳ ai đi xa dù trăm công ngàn việc cũng phải trở về. Trở về như một lời hẹn, trở về như một trách nhiệm. Ở đây hơi ấm thực và ảo như đan xem tạo thành không gian tôn kính thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gũi. Chính ở đó mọi sự vất vả nhọc nhằn như tan biến chỉ còn lại tình cảm gia đình ấm áp.
Mùa xuân là mùa của sum họp, là Tết của sự trở về. Trở về trong vòng tay người thân, trở về nơi chôn rau cắt rốn. Đúng như hai câu thơ “Nơi ta về cũng để bắt đầu/ Nguồn mạch quê hương cho ta sức mạnh”.