Giọt nước mắt "kiều nữ áo kẻ sọc" trong ngày trở về

Tiêu Tuấn - Thế Long |

(Soha.vn) - Có bánh chưng, có hoa đào, có mứt… các trại viên ở Trại tạm giam số 1 được ăn cái Tết trọn vẹn 4 ngày trong trại giam nhưng bù sao được những trống trải trong lòng.

Ngồi đối diện với tôi lúc này là người phụ nữ đã ở cái tuổi 45, nhưng nét xuân thì dường như vẫn còn vương lại trên làn da, nụ cười, ánh mắt của chị. Với án phạt 9 tháng tù giam ở trại cải tạo số 1 (Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) vì tội chứa mại dâm, chị V.T.L (Gia Lâm, Hà Nội) đã tự đúc kết được cho mình những giá trị cuộc sống và cảm thấy ăn năn khi nghĩ về chính công việc mình đã làm.

Chồng mất sớm, ngày bị bắt vào đây cải tạo, điều khiến chị L. trăn trở nhiều nhất chính là 2 đứa con còn đang tuổi ăn, tuổi học. Đứa lớn 18 tuổi, đứa bé cũng đã 16, cái tuổi rất dễ bị những tác động bên ngoài làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như suy nghĩ, hành động. Đêm về, chị L. lại giấu những giọt nước mắt trong chiếc chăn. Nỗi nhớ nhà như thiêu đốt tâm can người phụ nữ ấy.

Được giảm thời hạn chấp hành án phạt vào dịp Tết Nguyên đán 2014, khi bước lên bực đọc lời cảm ơn tới các cán bộ, chiến sĩ của trại giam và gửi lời chào tới những người bạn của mình, đôi mắt chị L. gần như lúc nào cũng đỏ hoe, giọng nghẹn lại vì xúc động.

Chị V.T.L đọc lời cảm ơn tới các cán bộ trại giam tại buổi giảm án
Chị V.T.L đọc lời cảm ơn tới các cán bộ trại giam tại buổi giảm án

Chưa một lần phải ăn tết trong trại nhưng mỗi khi nghe những người bạn của mình kể lại những cái Tết xa gia đình để “hoàn lương” ở đây, chị L. cũng như muốn hòa tâm trạng của mình vào những nỗi niềm chất chứa, những tâm sự thấm đẫm giọt nước mắt ấy. Có bánh chưng, có hoa đào, có mứt… Họ được ăn cái Tết trọn vẹn 4 ngày trong trại giam nhưng bù sao được những trống trải trong lòng khi lúc nào cũng thường trực suy nghĩ: Không biết giờ này người thân của mình đón Tết ra sao?

Kể lại buổi sáng hôm được nhận quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt và trở về trong vòng tay gia đình, chị L. ngậm ngùi: “Phòng mình có 17 người sống rất hòa đồng. Sáng nay, còn có chị làm bài thơ “Người ở người về” để tặng những ai được giảm án. Bài thơ vừa được đọc, mấy chị em trong phòng đã ôm nhau khóc nức nở”.

Câu chuyện về chị Tuyền ở cùng phòng giam với câu nói của đứa con đang học lớp 1 “Mẹ ơi mẹ về đi” khi cùng bố vào thăm mẹ, cùng với giọt nước mắt của chị Tuyền suốt một ngày trời khi trở về phòng đã khiến chị L. luôn trăn trở. Những lúc ấy, chị em chỉ biết động viên nhau, có khi sự động viên lớn nhất lại chính là những giọt nước mắt đồng cảm.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi một lúc nhưng tâm trạng chị L. luôn hướng về phía cánh cổng trại giam, nơi mà chỉ ít phút nữa thôi chị sẽ bước ra khỏi đó để khép lại những tháng ngày với chị là một nỗi tủi nhục với chính lương tâm mình, nơi mà ở đó hai đứa con và người thân của chị đang đứng chờ.

“Khi gặp mọi người trong gia đình, điều đầu tiên mình sẽ chạy ra ôm hai con và nói với chúng nó là mình nhớ chúng nó nhiều lắm. Mình xin lỗi vì tất cả. Tết năm nay, mình chưa có tiền để dự trù một cái tết to nhưng mình nghĩ sẽ là một cái tết vui. Sang năm mới mình sẽ tìm một công việc nào đó để làm mà không phải là công việc mở cửa hàng tẩm quất như trước đó”, chị L. tâm sự.

Nói rồi chị tất tả chào chúng tôi để đi thu dọn đồ đạc rồi trở về với những người thân đang đứng chờ chị phía ngoài cổng trại giam số 1.

Không quá sốt sắng để trở về như chị L, bởi lẽ, nhà cách trại giam chừng 4km, anh N.V.T (Phú Đô, Từ Liêm, Hà Nội) tự về mà không có người tới đón. Là anh cả trong gia đình có 5 anh em, là bố của hai đứa con, sau thời gian trả án 15 tháng tại trại tạm giam số 1 vì tội danh đánh bạc, anh T. thấy mình từng trải hơn rất nhiều.

Anh N.V.T
Anh N.V.T

41 tuổi, cái tuổi đủ chín chắn để hiểu, mọi việc mình làm là hoàn toàn sai trái và phải có hướng “phục thiện” để sớm trở về đoàn viên với gia đình. Những giọt nước mắt của người đàn ông cũng đã nhiều lần rơi cho những sai trái của bản thân.

Cũng như chị L, anh T. không phải ăn tết ở trại giam. Nhưng nghĩ lại, vì mình mà vợ phải bỏ công việc buôn bán để tập trung chăm sóc hai con, anh cảm thấy có lỗi nhiều.

Anh T. luôn tự dặn mình, dặn các em và dặn cả con cái phải tránh sai phạm, tránh vi phạm pháp luật để không làm xấu hổ trước hết là bản thân mình, sau là tới người thân rồi cả những người đã khuất.

“Mẹ tôi năm nay cũng 61 tuổi rồi. Mỗi lần mẹ vào thăm, tôi nhìn mà xót xa lắm. Nhưng vẫn phải cười để không cho mẹ biết là tôi cũng đang rất buồn. Được hướng sự khoan hồng của pháp luật, được trở về ăn tết Nguyên đán cùng gia đình, tôi sẽ cố gắng tạo ra một cái tết vui nhất cho gia đình để bù lại những năm tháng mình đi trả án”, anh T. cười cho biết.

Và phía sau những bước chân của họ đang vội vã trở về với vòng tay gia đình, xã hội là những ánh mắt nhìn theo đầy cảm xúc. Đó là ánh mắt những người ở lại để tiếp tục thi hành bản án của mình. Trong những ánh mắt ấy luôn chất chứa niềm hi vọng sớm có ngày được đoàn viên bên mái ấm gia đình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại