Tết đến miền Tây thăm nhà cổ được xưng tụng là 'cửu đại mỹ gia'

Đạt Nhi |

Ngôi nhà bằng gỗ quý, rộng gần 1.000m2 được dân miền Tây gọi là nhà cổ ông Kiệt và khuyên khách: nhất định phải đến khi có dịp vào Tiền Giang!

Nhà cổ ông Kiệt nằm ở số 22 tổ 1, ấp Phú Hoà, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Sau khi tham quan chợ nổi Cái Bè, chúng tôi được mách, chỉ cần đi ghe thêm khoảng 20 phút nữa là đến ngôi nhà nổi tiếng này.

Tết đến miền Tây thăm nhà cổ được xưng tụng là cửu đại mỹ gia - Ảnh 1.

Nhà cổ ông Kiệt nằm lọt giữa một vườn trái cây rộng lớn.

Một bất ngờ với chúng tôi là căn nhà cổ nằm lọt giữa một vườn cây ăn trái xum xuê với đầy những măng cụt, chôm chôm, bòn bon… khiến cho chuyến tham quan trở nên thơ mộng hơn nhiều.

Tết đến miền Tây thăm nhà cổ được xưng tụng là cửu đại mỹ gia - Ảnh 2.

Nhà số 22.

Thực ra nhà ông Kiệt – tên gọi thân mật của ông Trần Tuấn Kiệt không phải là ngôi nhà cổ duy nhất ở Tiền Giang. Đến đây mới biết, ở cái xứ “cảnh trí mĩ miều” khiến “ta thương ta nhớ ta liều ta đi”, làng Đông Hòa Hiệp có cả một bộ sưu tập nhà cổ các loại như: nhà cổ cụ Xoát, nhà cổ ông Ba Đức, nhà cổ ông Cai Huy, nhà cổ ông Liêm, nhà cổ ông Mười Võ… nhưng nổi tiếng nhất chính là nhà ông Kiệt.

Tết đến miền Tây thăm nhà cổ được xưng tụng là cửu đại mỹ gia - Ảnh 3.

Cây kiểng được sắp đặt theo lối xưa của người Nam Bộ.

Ngôi nhà này đã được các nhà khảo cổ Nhật xếp vào loại “cửu đại mỹ gia” (chín ngôi nhà đẹp) ở Việt Nam và được UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận di sản văn hóa.

Tết đến miền Tây thăm nhà cổ được xưng tụng là cửu đại mỹ gia - Ảnh 4.

Một trong "cửu đại mỹ gia".

Nhà cổ ông Kiệt được xây dựng vào khoảng năm 1838, có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 3 gian, 2 chái, rộng gần 1.000m2, với 108 cây cột được làm từ các loại gỗ quý như lim, cẩm lai, giáng hương, căm xe. Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất tinh mỹ theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam Bộ. Mái được lợp ngói âm dương một hàng sấp một hàng ngửa điển hình của kiến trúc cổ.

Tết đến miền Tây thăm nhà cổ được xưng tụng là cửu đại mỹ gia - Ảnh 5.

Mặt tiền ngôi nhà.

Trong nhà chính, bộ trường kỷ khảm trai cầu kỳ được trang trọng đặt ở chính giữa gian nhà. Mỗi một vật dụng gia chủ dùng từ cách đây cả trăm năm như cây đèn dầu, bộ ấm chén, chùm đèn treo, tủ chén, sập gụ... đều được lưu giữ đã tái hiện lại một khung cảnh sinh hoạt của nhà giàu thời xưa nay chỉ còn vang bóng.

Tết đến miền Tây thăm nhà cổ được xưng tụng là cửu đại mỹ gia - Ảnh 6.

Ngôi nhà được chống bằng 108 cây cột được làm từ các loại gỗ quý như lim, cẩm lai, giáng hương, căm xe...

Bà Lê Thị Chính, vợ của ông Trần Tuấn Kiệt cho biết, thời xưa, ông cố của chồng bà là quan tri huyện, là người rất thích chơi đồ cổ nên đã thuê thợ giỏi từ ngoài kinh đô Huế vào dựng mất mấy năm trời mới xong ngôi nhà này. Toàn bộ ngôi nhà được lắp ráp và khớp lại với nhau bằng hệ thống mộng gỗ, hoàn toàn không dùng đến một chiếc đinh sắt nào mà vẫn rất chắc chắn. Đến nay, đã có năm thế hệ sống tại ngôi nhà đặc biệt này.

Tết đến miền Tây thăm nhà cổ được xưng tụng là cửu đại mỹ gia - Ảnh 7.

Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1838.

Năm 2002, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sang khảo sát và xác định ngôi nhà cổ ông Kiệt là một trong những căn nhà đẹp nhất Việt Nam, nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng nên họ quyết định tài trợ hơn 1,8 tỷ đồng để trùng tu.

Tết đến miền Tây thăm nhà cổ được xưng tụng là cửu đại mỹ gia - Ảnh 8.

Nhà cổ ông Kiệt sau khi được trùng tu.

Theo bà Chính, tổ chức JICA cử một nữ kiến trúc sư người Nhật đến ăn ở tại chỗ để giám sát công việc trong hơn 6 tháng liền. Nhờ đó, các chuyên gia Nhật Bản đã phục chế được toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong nhà theo đúng nguyên bản như xưa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại