Không biết bạn có nhận ra, thời gian đoạn năm mới, chúng ta thường “phóng khoáng” hơn bình thường.
Trong năm tiết kiệm từng đồng, chỉ cần đến Tết là tiền chảy đi như nước. Bình thường không dám tiêu xài, xuân về tụ họp, hao tốn nhiều vô kể. Chỉ ngắn ngủi mấy ngày, sức lực và túi tiền đều cạn kiệt. Năm mới sảng khoái, Tết xong chưng hửng than ngắn thở dài.
Chẳng trách mà người ta có câu: Mùa Tết, một mặt nào đó cũng là mùa của áp lực, của so sánh và của chi tiêu quá tay.
Thật ra, Tết là thời điểm để đoàn viên, nếu không chi tiêu nhiều hơn thì phải đợi đến lúc nào? Thậm chí còn có người làm việc chăm chỉ cả năm để Tết về cho gia đình mâm cơm trọn vị đủ đầy hơn.
Đúng vậy! Ai cũng muốn mình ấm no trong dịp Tết truyền thống. Nhưng hãy chi tiêu một cách thông minh, đừng thấy “năm mới” mà cho phép mình muốn mua gì thì mua, tiền ra như nước mất kiểm soát.
Tết đến xuân về, xin bạn hãy thu lại sự rộng rãi bừa bãi bằng cách tỉnh táo trong 2 việc sau:
1. Mua và tích trữ
Năm mới đến gần, nhà nhà đều có xu hướng tích trữ đồ dùng, vật phẩm. Song nếu tích trữ và chi tiêu quá nhiều, Tết sẽ không còn là lễ hội nữa, mà trở thành “thảm họa”.
Một nữ nhân viên văn phòng đã chia sẻ trên Zhihu về “nỗi đau” những ngày cận Tết của cô rằng:
“Cuối năm, tôi muốn thưởng cho mình nhiều thứ và mua thêm đồ đạc mang về nhà cho bố mẹ.
Đầu tiên là chiếc điện thoại mới, sau đó là vài món trang sức để mang trong mùa Tết cho bằng bạn bằng bè. Tôi còn mua về cho gia đình nhiều loại thực phẩm đắt tiền như thịt bò cao cấp, rượu ngoại, trái cây nhập khẩu…
Chỉ trong vài ngày, tôi đã tiêu hết phần lớn tiền tiết kiệm của mình trong một năm qua. Mặc dù còn muốn mua nữa nhưng ví tiền đã gần cạn, lực bất tòng tâm.
Mang đồ về nhà lại bị bố mẹ càm ràm, nói rằng không cần mua thứ đắt tiền như vậy, Tết chỉ có mấy ngày mà thôi, đồ ăn vốn đã rất nhiều rồi.
Cứ ngỡ sẽ được khen vì có tâm và hiếu thảo, thế mà lại bị mắng. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi nhận ra những thứ mình mua thật sự dư thừa. Trả lại cũng không được, chỉ đành ngậm đắng nuốt cay, sang năm lại tiếp tục kiếm tiền”.
Trong cuộc sống, có không ít trường hợp như cô gái trên. Nhiều người có một “mặc cảm” với năm mới, luôn cảm thấy bản thân đã khổ cực cả năm, Tết đến phải thỏa sức chi tiêu bù lại phần vất vả. Cho nên cứ mua, mua và mua. Kết quả chỉ tự làm khổ chính mình.
Ai cũng muốn có một cái Tết đủ đầy, dư dả, nhưng hãy chuẩn bị phù hợp với điều kiện kinh tế của mình. Trải nghiệm nhiều rồi mới nhận ra, hương vị năm mới giản dị cũng có cái hay của nó!
2. Tỏ vẻ giàu có, giả vờ hào sảng
Nhà kinh tế học người Mỹ, Thorstein Bunde Veblen, từng nói: “Để thỏa mãn khát vọng thể hiện, để giúp bản thân có thể diện vẻ vang, nhiều người sẽ chi ra rất nhiều tiền bất chấp điều kiện của mình. Sau đó, loại chi tiêu phù phiếm này chỉ đơn giản là một lỗ đen nuốt chửng tiền bạc, khiến họ ngày càng nghèo hơn”.
Đối với người trưởng thành làm việc chăm chỉ trong một năm, Tết là thời điểm chi tiêu rất lớn.
Nhưng hãy tiêu tiền đừng kèm theo điều kiện “thể diện”, vì nó thật sự vô nghĩa. Khi vẫn còn để ý đến lời nhận xét của người khác, ham mê hư vinh hão huyền, bạn chẳng thể tìm thấy cuộc sống thực sự của mình, lạc lối mà không hề hay biết.
Do đó, hãy hành sự theo khả năng của bản thân, đừng giả vờ giàu có, đừng khoe khoang những thứ vốn vượt quá giới hạn của mình.
Chỉ bằng cách chừa lại đường lui, sang năm mới dù có trắc trở bao nhiêu, bạn cũng không lo sợ, vẫn đủ đầy cảm giác an toàn.