Một trong những dịch vụ đắt hàng nhất dịp Tết là rửa xe, và càng sát năm mới, giá càng khủng khiếp.
Cùng kỳ năm trước, tối 29 giá rửa ô tô đã mấp mé ngưỡng 100.000/chiếc. Sáng 30 có thể giao động từ 100.000 – 150.000 và đến chiều 30, không những chấp nhận mất tiền gấp đôi, gấp 3 ngày thường, thậm chí còn phải nói khó mới được rửa.
Giá rửa xe chỉ là một ví dụ điển hình cho cái sự tăng bất quy luật của các loại giá ngày Tết.
Dịp Tết, giá nhân công cao, giá vật liệu cao, ngành dịch vụ còn phải hy sinh thứ đáng quý nhất của họ là thời gian và gia đình để phục vụ bạn, nên việc họ tăng giá là chấp nhận được.
Tết nhất cũng khiến người dân trở nên hào phóng hơn, nên cho dù trong lòng không thỏa mãn, chúng ta vẫn chấp nhận móc túi trả tiền cho những dịch vụ bị tăng gấp 3 lần ngày thường. Lại là cái tặc lưỡi kinh điển: Tết mà.
Rửa xe ngày cận Tết cũng dễ dàng kiếm bội. Ảnh minh họa
Lợi dụng tâm lý đó, cứ dịp Tết xã hội lại xuất hiện ồ ạt những kẻ trục lợi, "đánh quả".
Rất nhiều mặt hàng dù có giá niêm yết nhưng vẫn bị đẩy lên chót vót, và ngay cả khi đã tính những chi phí tất yếu của ngày Tết thì nó vẫn quá cao so với bình thường.
Như chuyện rửa cái xe chẳng hạn. Vì tâm lý mê tín, chẳng ai muốn xuất hiện vào sáng mùng 1 với chiếc xe bẩn thỉu, nhưng vì bận bịu đủ việc nên họ bị đẩy vào thế phải cầu cạnh phút chót.
Trong thời khắc người ta có xu hướng nói những câu chuyện về tình người, về sum họp, về cái tình cái nghĩa của tết xưa thì cùng lúc, người ta lại tranh thủ để tận thu nhau từng đồng, từng cắc.
Nói dễ nghe thì đó là những con người biết tận dụng thời thế để tăng thêm thu nhập. Nhưng nói khó nghe (và đó là sự thật) thì họ là những kẻ trục lợi, tư duy manh mún.
Và còn một điều khôi hài hơn là: Chúng ta ngày càng phải gánh nhiều loại giá vào dịp Tết, nhưng nó lại không tương đồng với chất lượng Tết.
Tôi vẫn nhớ Tết xưa, khi ông bà cha mẹ ta đến ngày ông Công ông Táo đã mổ lợn, bắc nồi bánh chưng, làm mứt Tết. Mỗi người một việc tạo nên cái Tết êm đềm, vui vẻ, đúng ý nghĩa của dịp đặc biệt nhất năm. Tết xưa xe cộ không cần sạch, nhà cửa sạch sẽ, tươm tất là đủ.
Bận rộn cả năm, đến ngày sát Tết, người ta mới đổ xô đi mua sắm. Ảnh minh họa
Tết nay, người ta dùng thời gian để kiếm tiền rồi lại dùng tiền để mua thời gian. Nhiều cơ quan làm việc đến 29 Tết mới nghỉ. Thời gian không còn, họ chạy vội chạy vàng vào các siêu thị vơ được gì thì vơ.
Nhà cửa cũng chẳng có thời gian dọn nên mới sinh ra nhiều loại hình dịch vụ dọn nhà dịp Tết. Sức mua vì thế mà tăng, và vì có sức mua nên người ta mới thoải mái thổi giá mà không vấp phải nhiều sự phản đối.
Nếu như ngày xưa người ta thích Tết vì thời gian chuẩn bị trước Tết cả nhà được quây quần, mỗi người một việc cùng tạo nên hương vị Tết thì giờ đây, Tết nhạt cũng chính vì guồng quay quá gấp gáp của cuộc sống.
Đó là còn chưa đề cập tới những màn đánh vật với giao thông dịp Tết. Xe cộ tăng vọt, điểm vui chơi quá ít, nên chỗ thì quá thưa thớt, chỗ thì chật như nêm.
Tết xưa mùng 1, mùng 2 đường xá vắng tanh, ra đường hít hà mùi pháo, mùi cây cỏ hoa lá mùa Xuân, ngắm nhìn đường phố khoác áo mới.
Dịch vụ trông xe ngày Tết cũng rất "đắt khách"
Tết nay mùng 1 năm nào cũng tắc đường ở các điểm nóng như Phủ tây Hồ, Văn Miếu Quốc tử giám, chùa Trấn Quốc... Chất lượng Tết giảm đi trông thấy, chỉ mỗi giá cả mỗi năm lại mỗi tăng.
Có lẽ đây cũng là một phần lý do dư luận xuất hiện nhiều lời thỉnh cầu dẹp cái Tết nguyên đán cho người dân đỡ phải gánh nhiều áp lực tăng giá, giao thông cũng không có cơ hội đột biến tăng đến nghẹt thở như vài ngày gần đây.