Dịp Tết đến xuân về, nhiều người không tránh khỏi câu hỏi “khó đỡ” từ người nhà, bạn bè, người quen… Đặc biệt, nhiều người nhận câu hỏi “tiết kiệm được bao nhiêu” trong dịp này nhưng không biết trả lời sao cho khéo léo, không làm mất lòng đối phương.
Khi nghe tới câu “năm nay tiết kiệm được bao nhiêu”, chắc chắn những người có trí tuệ cảm xúc thấp sẽ hoang mang, không biết trả lời ra sao hoặc trả lời qua loa cho xong. Những người EQ thấp thường đáp lại câu hỏi này 1 cách đơn thuần và không được đối phương đánh giá cao.
Họ thường nói ra 1 con số cụ thể hoặc tỏ ra khó chịu khi bị hỏi về vấn đề này. Tài chính cá nhân vốn là vấn đề mà nhiều người không muốn nhắc tới. Nhưng nếu như bị người xung quanh hỏi, chúng ta vẫn nên trả lời 1 cách khéo léo nhất để không bị đánh giá là kém duyên.
Không nói con số cụ thể
Khi có người hỏi về chủ đề “tiết kiệm được bao nhiêu”, chúng ta không nên đưa ra con số cụ thể. Nếu tiết lộ quá nhiều và quá rõ về vấn đề tiền bạc, có thể bạn sẽ tự mang rắc rối vào mình. Ví dụ, bạn nói con số quá lớn, những người xấu tính có thể sẽ ganh tỵ, muốn đẩy bạn tới rắc rối. Khi nói 1 số tiền quá nhỏ, kẻ tiểu nhân dễ cảm thấy bạn kém cỏi, ảnh hưởng tới tâm trạng, tinh thần của bạn.
Hơn nữa, người EQ cao sẽ không tiết lộ về tài chính của họ để tránh rơi vào tình huống khó xử. Nhiều người sẽ nảy ra ý định vay mượn tiền nếu như biết bạn có khoản tiết kiệm đáng kể. Nếu lúc đó bạn cần tiền để thực hiện những ý định riêng thì có thể sẽ rất khó xử.
Thay vào đó, những người có trí tuệ cảm xúc cao thường sẽ chỉ nói chung chung về khoản tiền tiết kiệm của mình. “Năm nay kinh tế khá khó khăn, nên tôi chỉ làm đủ ăn tiêu và tiết kiệm được 1 chút ít. Mong là năm sau mọi thứ sẽ ổn hơn”, “Năm nay tôi vẫn tập trung học nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn nên không tiết kiệm được nhiều. Nhưng đối với tôi, năm nay vẫn có những thành tựu vô giá”... Đây là những câu nói mà người EQ cao thường dùng để đáp lại câu hỏi “năm nay tiết kiệm được bao nhiêu”.
Hỏi ngược lại đối phương hoặc đổi chủ đề
Thêm 1 cách để người có EQ cao đáp lại câu hỏi “tiết kiệm được bao nhiêu” chính là hỏi ngược lại đối phương. Bạn có thể nói chung chung về tài chính của mình, sau đó hỏi người xung quanh về tình trạng của họ. Bằng cách này, chúng ta có thể hướng sự quan tâm vào đối phương thay vì chính mình là tâm điểm của sự chú ý.
Người khôn ngoan cũng có thể khéo léo đổi chủ đề khi bị hỏi “tiết kiệm được bao nhiêu”. Bạn có thể hỏi về kế hoạch sắm Tết, công việc, sức khỏe… của đối phương trong năm qua. Đây là cách quan trọng mà người có trí tuệ cảm xúc cao thường sử dụng để không phải nhắc tới tình hình tài chính của mình.
Khi người khác hỏi khó “tiết kiệm được bao nhiêu”, bạn cũng không nên tỏ ra cáu gắt hay khó chịu. Ngược lại, bạn vẫn cần trả lời câu hỏi này vì điều đó thể hiện bạn tôn trọng đối phương. Qua lời ăn tiếng nói, người xung quanh cũng có thể biết bạn là người có trí tuệ cảm xúc cao hay không. Bởi vậy, bạn cần chú ý cách đối đáp, trò chuyện của mình để không trở nên kém duyên trong cảm nhận của người xung quanh.