Đạo mộ hay trộm mộ vẫn luôn được xem là nghề phát tài nhanh nhưng chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì liên quan đến tâm linh, rất ít người dám hành nghề này.
Còn với những kẻ to gan dám làm giàu bằng cách quấy rầy giấc người quá cố, kết cục của chúng thường không tốt đẹp. Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm của thời thế, vẫn có những tên mộ tặc bất chấp cấm kỵ để vơ vét của cải trong các lăng mộ. Một trong số những tên trộm mộ nổi danh nhất là lãnh chúa quân phiệt Tôn Điện Anh.
Thời thế tạo… đạo mộ
Tôn Điện Anh (1889 – 1947) tên thật là Khôi Nguyên. Y sinh ra trong một gia đình nghèo tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Vì thuở nhỏ Khôi Nguyên bị đậu mùa nên mặt có nhiều sẹo rỗ, người ta gọi y là Tôn Ma tử hay Tôn Mặt Rỗ.
Ảnh minh họa.
Từ nhỏ, tính tình của Tôn rất ngang ngược, từ năm lên 7 tuổi đã thường xuyên đánh nhau với bạn bè trên trường. Khi bị phạt, Tôn từng có lần phóng hỏa đốt trường nên bị đuổi học. Ở tuổi thiếu niên, y sớm giao du với đám giang hồ trong vùng và lao vào những trò đỏ đen. Qua sới bạc, Tôn bắt quan hệ và được gia nhập vào một hội tôn giáo trá hình chuyên buôn bán thuốc cấm. Năm 1922, y bị bắt, rồi phải chạy trốn đến Thiểm Tây. Nhờ sự khéo léo, mưu mô vốn có, lần này y vẫn thoát tội được và trở thành một quân nhân.
Tôn Điện Anh (khoanh đỏ)
Tôn Điện Anh thăng tiến nhanh chóng, năm 1925 y trở thành tư lệnh một quân đoàn dưới trướng Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, do thời thế nên con đường thăng tiến của y bắt đầu sa sút. Bị khấu trừ quân lương liên tục, Tôn Điện Anh buộc phải nghĩ cách kiếm tiền nuôi đội quân hỗn tạp của y.
Sơ đồ quần thể lăng mộ.
Nơi Tôn Điện Anh đóng quân gần với Thanh Đông lăng – một quần thể lăng mộ hoàng gia nhà Thanh. Vậy là y quyết định sẽ cướp kho báu trong lăng mộ để giải quyết khó khăn của mình.
Bật nắp quan tài Từ Hi thái hậu
Thanh Đông lăng là nơi chôn cất 5 vị hoàng đế nhà Thanh cùng nhiều hoàng hậu, phi tần, hoàng tử và công chúa khác. Thế nên quần thể này vốn được canh phòng nghiêm ngặt. Nhưng vì thời thế thay đổi, đội quân này không còn được phát lương bổng đầy đủ như trước nên họ buộc phải khai hoang, canh tác gần Thanh Đông lăng để có cái ăn.
Trước khi bị đạo mộ, thi thể Từ Hy thái hậu vốn được bảo quản rất tốt.
Tôn Điện Anh mượn cớ diễn tập quân sự liên kéo quân vào Thanh Đông lăng. Y ép một người thợ đá từng tham gia xây dựng lăng dẫn đường để nắm rõ sắp xếp bên trong lăng mộ của Từ Hi thái hậu. Thậm chí, Tôn Điện Anh còn dùng thuốc nổ để phá lớp cửa đá hoa cương. Sau đó, các tướng lĩnh dưới trướng y kéo vào lăng mộ, vơ vét sạch những châu báu chôn theo thái hậu. Chúng dùng búa bật nắp quan tài, lấy hết lụa là gấm vóc, mũ phượng lẫn viên dạ minh châu đặt trong miệng thi thể.
Thi thể còn sót lại sau cuộc vơ vét.
Sau cuộc vơ vét của Tôn Điện Anh, thi thể vốn được bảo quản cực tốt trong suốt 20 năm của Từ Hi thái hậu chỉ còn là một cái xác mốc meo, nằm chỏng chơ không rõ hình hài.
Cướp phá lăng Càn Long
So với lăng của Từ Hi thái hậu, lăng Càn Long còn bị Tôn Điện Anh hủy hoại nghiêm trọng hơn. Y dùng thuốc nổ, thân cây lớn húc đổ cổng đá.
Tuy nhiên, lần này nổ trúng mạch nước ngầm trong lăng nên tất cả hiện vật lẫn thi thể bị ngâm trong nước.
Những kẻ trộm mộ vơ vét hết hiện vật quý giá, bao gồm cả thanh Cửu Long kiếm và phá hủy phần lớn các tranh cùng thư pháp cổ.
Thi thể hoàng đế Càn Long và các phi tần đều bị hủy hoại nghiêm trọng vì ngâm lâu trong nước.
Vụ ăn trộm ngang ngược của Tôn Điện Anh khiến dư luận thời bấy giờ phẫn nộ, y buộc phải đem cổ vật đi hối lộ hoặc bán với giá bèo bọt. Kết quả là cho đến nay nhiều di vật vẫn thất lạc hoặc rơi vào tay những nhà sưu tầm nước ngoài.
Về cuối đời mình, Tôn Điện Anh tham gia chiến tranh Trung – Nhật lần thứ 2 rồi bị bắt và bỏ mạng trong một trại tù binh chiến tranh.