Bốn năm trước, Jack Ma là hiện thân của sự trỗi dậy kinh tế ngoạn mục. Là doanh nhân giàu có và nổi tiếng của đất nước, ông đã sẵn sàng trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh. Người ta thậm chí còn nghĩ rằng ông sẽ sớm được tôn sùng như Bill Gates và Steve Jobs.
Cùng lúc đó, một doanh nhân Trung Quốc giàu có khác phải đối mặt với tình cảnh hoàn toàn trái ngược. Đó là Xiao Jianhua - người bị bắt giữ sau loạt cáo buộc hối lộ, tham nhũng, thao túng thị trường và xây ‘cửa sau’ với thân nhân quan chức cấp cao. Hồ sơ cũng cho thấy đã có sự liên kết đặc biệt giữa tên tội phạm này với tỷ phú Jack Ma.
Hơn 2.000 tài liệu mật cho thấy công ty Tomorrow Group hiện đã giải thể của ông Xiao đã bí mật nắm giữ các cổ phiếu béo bở trong loạt công ty của ông Ma trong suốt 5 năm. Mối quan hệ kinh doanh này chưa bao giờ được tiết lộ, theo lời một cựu giám đốc điều hành cấp cao tại Tomorrow Group.
Trước thông tin này, Jack Ma khẳng định bản thân “chưa bao giờ có quan hệ kinh doanh với ông Xiao”. Luật sư của Alibaba, trong một tuyên bố, cũng cho biết, “Theo như Alibaba và các chi nhánh của công ty, mối liên hệ trên không có cơ sở”.
Tuy nhiên, cuộc điều tra sau đó lại phát hiện ra Huang Youlong - bạn của Jack Ma, đã tham gia vào một số khoản đầu tư thay mặt công ty của Xiao. Ông Huang và các cộng sự khác của Xiao là cổ đông lớn nhất.
Cho đến tận năm 2020, ngay cả khi ông Xiao đã bị giam giữ, mạng lưới của y vẫn nắm giữ cổ phiếu Ant với giá trị ước tính hơn 300 triệu USD. Tại phiên tòa xét xử, chính quyền cho rằng khối tài sản trải dài từ ngành ngân hàng đến kim loại quý, than đá và bất động sản của Xiao lớn đến mức đe dọa sự ổn định tài chính.
Xiao hiện đang thụ án 13 năm tù, trong khi Jack Ma gần như rút lui khỏi giới truyền thông.
The Times đã xem lại một số tài liệu vào năm ngoái và chia sẻ chúng với The Wire China. Cuộc điều tra phát hiện ra rằng mối liên hệ đầu tư giữa ông Ma, 59 tuổi và ông Xiao, 52 tuổi, đã bắt đầu từ nhiều năm trước.
“Vào thời điểm đó, Alibaba và Jack Ma đã rất thành công”, cựu giám đốc điều hành Tomorrow Group cho biết. “Mọi người đều muốn đầu tư với họ. Họ có sức hút kỳ diệu”.
Chính quyền Trung Quốc bắt đầu chú ý đến Alibaba. Jack Ma cho biết ông đã bị gây sức ép phải chuyển Alipay, một hệ thống thanh toán di động hiện do Ant Group kiểm soát, cho một công ty Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, vũ trụ song song của Jack Ma và Xiao lần đầu tiên hội tụ.
Vào thời điểm Jack Ma phát biểu tại Stanford, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu tăng cường chỗ đứng tại Alibaba. Nhóm được chọn bao gồm bạn bè của Ma cũng như một công ty vỏ bọc ít người biết đến có tên Financial Giant.
Trên giấy tờ, chủ sở hữu của Financial Giant là một phụ nữ 24 tuổi vô danh đến từ một thành phố nhỏ gần biên giới Nga. Tài liệu của Tomorrow Group cho thấy người phụ nữ này đã nắm giữ cổ phiếu Alibaba thay mặt cho Xiao.
Không rõ Jack Ma và Xiao quen nhau như thế nào. Họ gặp nhau ở Bắc Kinh vào năm 2013, tại một câu lạc bộ liên kết với ngân hàng lớn của Trung Quốc. Một bức ảnh không ghi ngày tháng đã xuất hiện trên trang mạng xã hội Trung Quốc vào năm 2018, ghi lại cảnh hai người đàn ông đang cụng ly vui vẻ.
Khi người thân của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc tìm cách hưởng lợi từ nền kinh tế đang phát triển, Xiao đã tạo dựng sự nghiệp bằng cách kết nối họ với các dự án đầy hứa hẹn và che giấu mối quan hệ thông qua các công ty vỏ bọc.
Năm 2010, ông Ma đồng sáng lập một công ty đầu tư Yunfeng Capital. Người phụ nữ trẻ đến từ thành phố nhỏ gần biên giới Nga dạo nọ đã mua cổ phiếu Alibaba thông qua Yunfeng vào khoảng năm 2011.
Đến năm 2014, Jack Ma đã trở thành cỗ máy kiếm tiền cho giới tinh hoa chính trị. Sự kiện sinh lời nhất là đợt IPO của Alibaba vào ngày 19 tháng 9 năm 2014, khi giá trị thị trường của gã khổng lồ thương mại điện tử này vượt qua đối thủ lớn nhất của mình là Amazon. Khoản đầu tư 25 triệu USD của ông Xiao, được thực hiện thông qua người đại diện, đã tăng vọt lên 160 triệu USD vào ngày hôm đó.
Cùng điểm qua về Huang Youlong - người đã thay mặt công ty của Xiao thực hiện một số khoản đầu tư. Ông chính là “tấm vé” đưa Xiao đến với gần hơn với cổ phần các công ty của Jack Ma.
Huang, 47 tuổi, có vợ là một nữ diễn viên nổi tiếng người Trung Quốc. Năm 2014, ông và Jack Ma trở nên thân thiết lạ thường. Các buổi lễ quan trọng của gia đình Jack Ma cũng có sự hiện diện của Huang.
Năm 2014, Alibaba mua ChinaVision, một công ty sản xuất phim và truyền hình, và đổi tên thành Alibaba Pictures. Tuy nhiên, do bị phát hiện một số bất thường về sổ sách, giao dịch cổ phiếu Alibaba Pictures tạm thời bị đình chỉ.
Hai ngày trước khi giao dịch được tiếp tục, ông Huang và vợ đã chi khoảng 400 triệu USD mua 9% cổ phần từ cựu chủ tịch ChinaVision. Khoản đầu tư giúp củng cố niềm tin vào công ty mới, một phần vì bà Zhao là một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng. Khoản tiền nói trên bắt nguồn từ một trong những công ty của ông Xiao.
Tài liệu tiết lộ rằng công ty Xiao đã tài trợ 60% cho giao dịch mua, đồng thời cho ông Huang vay riêng 125 triệu USD với lãi suất 8% để cặp đôi mua cổ phần.
Trong một tuyên bố, Alibaba cho biết họ “không tham gia vào giao dịch này”. Bản thân tập đoàn cũng không biết gì về hoạt động đầu tư của ông Huang và vợ.
Theo: The New York Times