Năm 2024, Nga đã phóng khoảng 60 tên lửa KN-23 của Triều Tiên, chiếm gần 1/3 trong số 194 cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo được Không quân Ukraine theo dõi. Tháng 8 và tháng 9 chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công này. Các quan chức Ukraine cũng công khai xác nhận KN-23 là mối đe dọa đáng kể trong giai đoạn đó.
Nghiên cứu trên các mảnh tên lửa được Nga sử dụng để tấn công Ukraine cho thấy, vai trò của Triều Tiên trong việc hỗ trợ Moscow không chỉ giới hạn ở vũ khí, với khoảng 11.000 binh lính Triều Tiên được cho là đã triển khai đến khu vực Kursk của Nga.
Ông Yuriy Ihnat, quyền giám đốc truyền thông của Không quân Ukraine, chia sẻ với hãng tin CNN: "Kể từ mùa xuân, Nga chủ yếu sử dụng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái để tấn công Ukraine. Tên lửa hành trình ít được dử dụng hơn".
Các nhà phân tích quân sự Ukraine đã phát hiện ra bằng chứng về việc sử dụng rộng rãi các linh kiện có nguồn gốc từ phương Tây trong tên lửa KN-23. Theo Ủy ban chống tham nhũng độc lập của Ukraine (NAKO), chín công ty thuộc các quốc gia phương Tây, bao gồm các nhà sản xuất từ Mỹ, Hà Lan và Vương quốc Anh, đã sản xuất các linh kiện này.
"Mọi thứ dùng để dẫn đường cho tên lửa và khiến chúng cất cánh đều có nguồn gốc nước ngoài", ông Andriy Kulchytskyi, Giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu quân sự tại Viện Nghiên cứu khoa học giám định pháp y Kiev cho biết. Ông cũng lưu ý rằng vỏ kim loại của tên lửa - thành phần thường bị ăn mòn nhanh chóng, dường như là bộ phận duy nhất do Hàn Quốc sản xuất.
Nghiên cứu trên một số mảnh vỡ tên lửa gần đây cũng chứng minh lập luận của ông Kulchytskyi là chính xác. Các quan chức Tình báo Quốc phòng Ukraine ước tính rằng khoảng 70% các bộ phận này là của Mỹ, phần còn lại có nguồn gốc từ Đức, Thụy Sĩ và các quốc gia khác. Một nhóm điều tra có trụ sở tại Anh, Conflict Armament Research (CAR), trước đây đã phát hiện ra rằng 75% các thành phần trong một tên lửa KN-23 đầu tiên được phóng vào các mục tiêu Ukraine đến từ các công ty Mỹ.