Tên lửa TAURUS Đức sắp chuyển cho Ukraine có những điểm mạnh yếu gì?

Khắc Quang |

TPO - Theo tin từ Berlin, chính quyền Đức có thể sớm công bố chuyển giao tên lửa hành trình hàng không TAURUS cho Kiev. Bộ chỉ huy các lực lượng không quân của Đức đã chấp thuận với quyết định trên. Nếu điều này xảy ra, nó có thể ảnh hưởng đến tiến trình của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga như thế nào?

TAURUS có gì đặc biệt?

TAURUS là tên lửa hành trình tầm xa dành cho máy bay do Đức - Thụy Điển hợp tác sản xuất, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 500 km. Tên lửa được thiết kế cho các cuộc tấn công có độ chính xác cao nhằm vào những mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất và được bảo vệ nghiêm ngặt. Trọng lượng của đầu đạn khá ấn tượng: 480 kg.

TAURUS có thể bắn trúng cả các mục tiêu riêng biệt như xe tăng, pháo, radar, sở chỉ huy, bệ phóng tên lửa và các mục tiêu lớn hơn như những đoàn xe quân sự, cụm sở chỉ huy, căn cứ quân sự, kho bãi. Hơn nữa, máy bay mang tên lửa không cần phải đi vào khu vực phòng không của đối phương. Nhưng người Đức đã nghiên cứu để phóng TAURUS không chỉ từ máy bay, mà còn từ tàu thủy và bệ phóng trên mặt đất.

TAURUS (sau nhiều lần sửa đổi) được trang bị những tổ hợp kỹ thuật mới nhất - hệ thống định vị tự động, thiết bị nhận dạng mục tiêu, cảm biến bức xạ của kẻ thù, bẫy chống tên lửa. Đây là một trong những tên lửa hành trình tiên tiến nhất do châu Âu sản xuất. Ở một số khía cạnh, nó có thể so sánh với Storm Shadow của Anh-Pháp. Và đối với một số tiêu chí như cự ly, sức mạnh và nhắm mục tiêu theo nhiều lớp nó còn vượt trội.

TAURUS có khả năng điều chỉnh lại việc nhắm mục tiêu trong quá trình bay. Nó có thể tiếp cận mục tiêu với địa hình phải vòng tránh và ở độ cao thấp - tới 30 mét. Điều này gây khó khăn nghiêm trọng cho việc phát hiện kịp thời của các trạm radar. Đức có 600 tên lửa loại này. Nhưng bây giờ chỉ có 150 quả trong số đó có thể sẵn sàng chiến đấu.

Có thông tin rò rỉ rằng Berlin dự định sẽ chuyển khoảng 20 tên lửa TAURUS cho Kiev.

Ukraine sẽ sử dụng chúng như thế nào?

Cho đến nay, người ta biết rằng hơn 10 máy bay ném bom Su-24 (từ thời Hiệp ước Warsaw) đã được chuyển đổi để mang các tên lửa này (cũng như Storm Shadow) ở Ba Lan. Thậm chí cũng có thể từ đó (Ba Lan) chúng sẽ cất cánh để đi oanh tạc. Bởi vì các sân bay trên lãnh thổ Ukraine liên tục bị máy bay không người lái và tên lửa của Nga san phẳng.

Nga có vũ khí để chống lại TAURUS không?

Nga không những có vũ khí để đối phó với TAURUS mà còn biết những điểm yếu của tên lửa này: Loại tên lửa này có tốc độ thấp, chỉ 1.224 km/h. Và tốc độ của máy bay mang theo nó, Su-24, có tốc độ 1.700 km/h. Máy bay chiến đấu Su-27 của Nga có tốc độ tối đa 2.500 km/h.

Vì vậy kể cả máy bay lẫn tên lửa loại này đều không quá khó đối với cả máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Nga, chẳng hạn như S-400, S-500, S-350 và thậm chí cả S-300, có khả năng bắn hạ mục tiêu của đối phương, thậm chí ở độ cao 20 mét. Ngoài ra, Nga còn có các hệ thống pháo và tên lửa phòng không Pantsir. Chúng đã hoạt động hiệu quả để chống lại cả Storm Shadow và SCALP-EG (của Pháp).

Nhưng dù sao các hệ thống phòng không của Nga cũng cần phải làm quen với TAURUS. Điều này sẽ mất một thời gian. Giống như sau khi xuất hiện mỗi loại vũ khí mới của đối phương trên chiến trường. TAURUS là một loại vũ khí nghiêm túc và ghê gớm. Và đối phương sẽ không sử dụng nó một cách ngẫu nhiên. Trước cuộc tấn công, đối phương sẽ nghiên cứu những lỗ hổng có thể có trong trường radar của Nga và cố gắng thâm nhập vào đó.

Nga có thể hiểu lập trường của Đức

Trên thực tế, đây là một bước đi "không chính thức" của Berlin vào cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Moscow. Đức trở thành quốc gia đi đầu trong việc trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine. Tất cả bắt đầu từ các loại vũ khí hỏa lực và súng phóng lựu, sau đó là hệ thống phòng không, đạn pháo và đại bác, tiếp theo là xe bọc thép và xe tăng Leopard.

Những ký hiệu thập tự của Đức từ thời Đức quốc xã đã lại tràn ngập trên thảo nguyên Donetsk, và bom của Đức lại rơi xuống đầu hậu duệ của những người 80 năm trước đã khiến Đức quốc xã phải quỳ gối và giành chiến thắng cuối cùng ở Berlin. Có vẻ như Thủ tướng Olaf Scholz đang đưa nước Đức vào con đường phục thù mới. Và trên con đường này, Berlin một lần nữa có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu.

Đức lập trình lại tên lửa TAURUS trước khi bàn giao cho Ukraine

Về mặt kỹ thuật, điều này là có thể. Và nếu Berlin, sau lô tên lửa đầu tiên (20 quả), muốn chuyển 130 quả khác cho Kiev, thì việc lập trình lại có thể mất vài tháng. Và sẽ mất rất nhiều chi phí tài chính.

Nhưng ngay cả khi Đức đưa ra những hạn chế như vậy đối với tên lửa, thì ông Scholz cũng không làm điều này với tư cách là một người gìn giữ hòa bình. Tên lửa có tầm bắn 500 hoặc 300 km luôn được coi là vũ khí tấn công. Và quyết định chuyển những chiếc TAURUS tầm xa cho Kiev có nghĩa là một sự “đảo ngược” nghiêm trọng trong chính sách của Berlin, vốn trước đây đã tuyên bố rằng họ đang tập trung nhiều hơn vào các hệ thống phòng thủ.

Bây giờ thì Moscow sẽ phải đáp trả điều này không chỉ bằng con đường ngoại giao mà còn bằng các phương tiện kỹ thuật quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại