Tên lửa siêu thanh Fattah-2 Iran sẽ xuyên thủng lá chắn Arrow-3 Israel?

Bạch Dương |

Hệ thống phòng thủ Arrow-3 của Israel bị nhận xét chưa đủ khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh Fattah-2 do Iran chế tạo.

Tên lửa siêu thanh Fattah-2 Iran sẽ xuyên thủng lá chắn Arrow-3 Israel? - Ảnh 1.

Đại học Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Ashura của Iran đã giới thiệu một tên lửa siêu thanh có tên Fattah-2.

Hình ảnh vũ khí này đã được truyền thông tại Tehran công bố rộng rãi.

Tại cuộc triển lãm những thành tựu của Iran trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ, nhà lãnh đạo tối cao của đất nước - Đại giáo chủ Ayatollah Khamenei đã được giới thiệu về tên lửa siêu thanh Fattah-2.

Vũ khí mới là sự phát triển tiếp theo của tên lửa đạn đạo Fattah-1 bằng cách trang bị đầu đạn đặc biệt có dạng tàu lượn siêu vượt âm mang lại khả năng cơ động cực tốt.

Khi quan sát đầu đạn, có thể thấy sơ bộ cấu tạo của nó. Phần lớn không gian bên trong được bao bọc bởi một vỏ kim loại, đó là một phần của động cơ phản lực nhiên liệu lỏng.

Điều này được xác nhận hình ảnh ghi lại phần phía sau của thiết bị, nơi chứa vòi phun động cơ. Tên lửa có thể duy trì tốc độ siêu thanh trong toàn bộ chuyến bay tới mục tiêu.

Tên lửa có thân thon dài với các cánh lái khí động học ở đuôi, giúp giảm lực cản và khiến nó di chuyển tốt hơn trong lớp khí quyển dày đặc. Trên thực tế, điều này khiến nó trở thành một tên lửa hành trình siêu thanh.

Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa này được điều chỉnh để hoạt động ở độ cao thấp với tốc độ khoảng Mach 10 (12.250 km/h). Tuy nhiên không có xác nhận thực tế về những đặc điểm được dự đoán.

Ưu điểm của thiết kế như vậy so với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thông thường là tốc độ cao khi bay qua không phận đối phương ở độ cao thấp, ngoài vùng hoạt động của radar, giúp giảm thiểu nguy cơ bị đánh chặn.

Tên lửa siêu thanh Fattah-2 Iran sẽ xuyên thủng lá chắn Arrow-3 Israel? - Ảnh 2.

Tên lửa siêu thanh Fattah-2 do Iran chế tạo đang được bao bọc bởi một lớp màn bí ẩn.

Mục đích của Iran khi chế tạo tên lửa này vẫn còn là một câu hỏi. Đầu đạn Fattah-2, xét theo cách bố trí từng phần, có khối lượng tải trọng quá nhỏ. Theo đó nó không có khả năng mang theo một đơn vị chiến đấu hạng nặng.

Một trong những nhiệm vụ khả thi được các nhà phát triển giao cho tên lửa mới có thể là loại bỏ hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương để tiếp tục sử dụng các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn mạnh hơn.

Khả năng của đầu đạn mới chịu được nhiệt độ cực cao trên bề mặt thân, được hình thành do ma sát với không khí ở tốc độ siêu thanh cũng đang bị nghi ngờ.

Được biết, nhiệt độ trong điều kiện như vậy có thể lên tới 2.000 độ C.

Iran không đủ kinh nghiệm trong việc phát triển các công nghệ cần thiết, nhưng Nga có thể giúp họ. Ông William Burns - giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, đã công bố khả năng hợp tác như vậy vào cuối tháng 2 năm nay.

Hiện chưa rõ tầm bay của tên lửa mới. Nhưng loại Fattah-1 theo truyền thông Iran, được cho là có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.400 km. Tuy nhiên con số trên ở Fattah-2 không loại trừ sẽ tăng vọt.

Nếu những nhận định trên là chính xác, Israel có lý do để lo ngại bởi dự báo phải tới khi ra mắt hệ thống phòng thủ Arrow-4 thì Tel Aviv mới tạm yên tâm trước tên lửa siêu thanh.

Tổ hợp phòng thủ tên lửa Arrow-3 của Israel bị nhận xét chưa đủ sức chặn Fattah-2.

Theo Militarnyi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại