Tên lửa NSM thất sủng trong Hải quân Mỹ?

Thùy Dung |

Hải quân Mỹ đã quyết định trao cho Boeing hợp đồng để tích hợp tên lửa chống hạm Harpoon lên tàu tuần duyên (LCS) của lực lượng này.

Cùng với việc tích hợp tên lửa Harpoon, nền tảng quan trọng nhất của gói nâng cấp này là hệ thống kiểm soát vũ khí mở rộng (AHWCS) dành riêng cho loại tên lửa chống hạm này.

Theo đó một cụm ống phóng tên lửa Harpoon không rõ số lượng sẽ được gắn phía trước boong tàu LCS ngay sau tháp pháo Mk 110 57mm của nó, và quan trọng là cụm ống phóng này có thể được tháo bỏ khi cần thiết.

RGM-84D Harpoon là mẫu tên lửa chống hạm tiêu chuẩn có tuổi thọ lâu đời nhất của Hải quân Mỹ, nó được đưa vào trang bị từ những năm 1970 và được sử dụng cho tới nay với nhiều biến thể khác nhau.

Trọng lượng của mỗi tên lửa Harpoon chỉ khoảng 691 kg được trang bị đầu đạn nặng 221 kg với tầm bắn hiệu quả lên tới 124 km và có vận tốc di chuyển 864 km/h.

 Tên lửa NSM thất sủng trong Hải quân Mỹ?  - Ảnh 1.

Tàu tuần duyên USS Coronado

Được biết, trước khi công khai gói nâng cấp với tên lửa Harpoon, Hải quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm và có kế hoạch trang bị tên lửa đối hạm thế hệ 5 NSM do công ty Kongsberg của Na Uy sản xuất lên tàu LCS.

Theo trang Navy Recognition, tàu tuần duyên tàng hình USS Coronado bắn thử tên lửa NSM tại căn cứ hải quân Point Mugu, bang California.

Tên lửa NSM được thiết kế để nhận dạng mục tiêu qua lớp tàu. Khi khai hỏa từ một bệ phóng trên boong, nó sử dụng đầu dò hình ảnh hồng ngoại để nhận dạng mục tiêu và tận dụng khả năng cơ động cao cùng cơ chế bay lướt trên mặt biển để tránh hệ thống phòng thủ trên tàu đối phương và tấn công, Gary Holst, giám đốc cao cấp phụ trách Tác chiến Mặt biển của công ty Kongsberg nói.

Tên lửa NSM có khả năng bay đủ để đánh bại "hệ thống phòng thủ cuối cùng" trên tàu chiến đối phương.

"Một trong số các tính năng nổi bật của tên lửa này là khả năng tránh hệ các thống phòng thủ ở giai đoạn cuối nhờ trang bị radar dò thụ động, các công nghệ tàng hình và khả năng cơ động. Đặc biệt, nó được thiết kế để chuyên tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt", đại diện nhà sản xuất cho biết.

Hệ thống Vũ khí Phòng thủ Tầm gần (CIWS) của đối phương là lớp hỏa lực bảo vệ cuối cùng, có thể khai hỏa hàng nghìn viên đạn trong thời gian cực ngắn để đánh chặn, làm chệch hướng hoặc phá hủy tên lửa đang bay tới. Tên lửa NSM được thiết kế để đánh bại các vũ khí phòng thủ này nhờ khả năng cơ động nhanh giúp nó tránh bị đánh chặn và tiếp tục tấn công mục tiêu.

Vũ khí này được thiết kế cấu hình tàng hình để tránh bị các hệ thống radar trên tàu địch phát hiện và sử dụng cơ chế bay lướt sát mặt biển hơn bất kỳ tên lửa nào hiện nay, Holst nói.

"Nó được thiết kế để đối phó các hệ thống CIWS tối tân. Tên lửa NSM là một vũ khí có tốc độ hành trình cận âm có khả năng bay vòng chuyển hướng. Khi chuyển hướng, đầu dò ảnh hồng ngoại của nó vẫn được duy trì nằm ngang ổn định và bám bắt mục tiêu".

Phiên bản bắn bằng xe trên mặt đất đã trang bị cho Quân đội Ba Lan. Phiên bản bắn bằng máy bay trực thăng đang nghiên cứu phát triển. Công ty Kongsberg vừa tuyên bố, họ còn đang nghiên cứu phát triển phiên bản phóng từ tàu ngầm cỡ nhỏ. Hiện công ty Kongsberg luôn coi Hải quân Mỹ là khách hàng tiềm năng của tên lửa NSM và tích cực chào bán.

Căn cứ vào kết quả thử nghiệm lần này Hải quân Mỹ sẽ tính đến khả năng mua tên lửa NSM để trang bị cho tàu tuần duyên lớp LCS. Nếu kế hoạch này được thực hiện, tàu tuần duyên lớp LCS sẽ sở hữu sức mạnh có thể khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải khiếp sợ.

Tuy nhiên, không rõ vì sao, tên lửa Harpoon được tin dùng trong khi đó số phận của NSM trên tàu LCS không thấy Hải quân Mỹ nhắc đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại