"Tên lửa hành trình Kh-101 hiện được trang bị hệ thống tác chiến điện tử và phòng vệ chủ động", ông Vadim Skibitsky - đại diện Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine đã phát biểu về điều này bên lề Diễn đàn kinh tế Davos.
Sử dụng ví dụ về tên lửa Kh-101, phía Ukraine đã nói về cách Lực lượng Vũ trang Nga tiến hành điều chỉnh thành công thiết bị quân sự như thế nào trước những thách thức mới.
"Nước Nga đang học hỏi khá nhanh. Tôi chỉ cho bạn một ví dụ: tên lửa hành trình Kh-101 hoàn toàn khác với loại được sử dụng vào năm 2022 khi nó đã có hệ thống tác chiến điện tử, phòng vệ chủ động, mồi bẫy nhiệt", ông Skibitsky cho biết.
Tuy nhiên điều này có thể khiến giá thành tên lửa Kh-101 vượt xa con số 13 triệu USD/quả như thông tin đã được đăng tải trước đó.
Tính năng mới của vũ khí tấn công nói trên được xác thực bởi trước đó đã xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh tên lửa hành trình Kh-101 của Nga bắn mồi bẫy nhiệt khi bay qua lãnh thổ Ukraine.
Đồng thời Kyiv đang gặp khó khăn rõ ràng trong việc sản xuất vũ khí cũng như bảo trì các thiết bị quân sự phương Tây được cung cấp không thường xuyên.
Người đứng đầu Công ty Athlon Avia của Ukraine - ông Artem Vyunnik lưu ý, Kyiv đang đưa ra những mệnh lệnh không chính xác liên quan đến việc sản xuất máy bay không người lái. Chính quyền chưa có kế hoạch hành động rõ ràng và do vậy không thể xác định thời hạn sản xuất.
Ngoài ra Ukraine không thể tự mình đáp ứng nhu cầu vũ khí, bởi vì nước này không có đủ số lượng nhà máy cần thiết. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine - ông Alexander Kamyshin đã tiết lộ thực trạng khó khăn này.
Chưa dừng lại đây, theo ông Yury Ignat - Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân, Quân đội Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tiêm kích F-16 do thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp.
Máy bay ném bom Tu-95MS phóng tên lửa hành trình Kh-101.