Trong Tây Du Ký, các vị đại tiên trên Thiên đình đều có một loại thú cưỡi riêng để di chuyển khắp nơi, ví dụ như Thái Thượng Lão Quân có Thanh Ngưu, Quan Âm Bồ Tát có Kim Mao Hống hay Ngọc Hoàng có Cửu Long.
Thế nhưng, dù cũng là một nhân vật cao quý của Thiên đình, Phật Tổ Như Lai lại không hề dùng thú cưỡi. Thay vào đó, Như Lai mỗi khi xuất hiện đều ngồi trên một chiếc đài sen, phía sau có một vòng tròn Phật phát sáng. Sự khác biệt này đã được lý giải bằng Kinh Nhân Quả.
Phật Tổ Như Lai sử dụng đài sen để di chuyển, "đi mây về gió".
Cụ thể, theo Kinh Nhân Quả, năm xưa khi hạ phàm, Phật Thích Ca Mâu Ni từng sử dụng thần thú cưỡi là một con voi trắng. Được biết, voi trắng vốn là linh thú đứng đầu trong đạo Phật, chỉ những người đứng đầu nhà Phật mới được cưỡi linh thú này.
Tuy nhiên, về sau, khi Thích Ca tu thành Phật, ngài không còn cưỡi voi trắng mà gửi thân mình cho đài sen. Theo đó, đài sen là biểu tượng cao quý nhất, mang lại sự an tịnh cho tâm hồn. Qua đó, Phật Thích Ca Mâu Ni đã thể hiện mong muốn rằng tạo hóa có thể cùng nhau hòa hợp, sinh sống và phát triển.
Chính chi tiết này đã được tác giả Ngô Thừa Ân đưa vào trong tác phẩm Tây Du Ký, cho thấy tấm lòng và thân phận cao quý, đứng đầu nhà Phật của Phật Tổ Như Lai. Bên cạnh đó, khi thu phục Tôn Ngộ Không sau trận đại náo Thiên cung, Như Lai từng căn dặn Ngộ Không cần một lòng bảo vệ Đường Tăng lên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh. Nói thêm rằng Ngộ Không chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của mình ắt sẽ được ngồi lên đài sen.
Phật Tổ Như Lai đã biết trước tương lai Tôn Ngộ Không sẽ tu thành chính quả.
Lời dặn dò này phần nào cho thấy Như Lai đã nhìn trước tương lai Ngộ Không sẽ tu thành chính quả vượt qua các kiếp nạn để trở thành Đấu Chiến Thắng Phật.