Theo Bulgarian Military, những thông tin về việc Algeria có thể là khách hàng nước ngoài tiềm năng của Su-57 đã gây ra những mối lo ngại ở Tây Ban Nha. Trong bối cảnh này, các nhà quan sát Tây Ban Nha đã bày tỏ sự lo ngại về sự xuất hiện giả định của Su-57 gần biên giới của họ.
"Các máy bay chiến đấu tàng hình tương lai được sử dụng ở Morocco và Algeria sẽ khiến Tây Ban Nha phải lo ngại", tạp chí Defence and Aviation của Tây Ban Nha cho biết. Tây Ban Nha hiện vẫn kiểm soát một số phần của Bắc Phi, bao gồm cả lãnh thổ Ceuta, nơi mà Moroc coi là của mình.
Lo ngại Su-57 của Algeria
Mối quan hệ giữa Tây Ban Nha và Algeria rất phức tạp và đã trải qua nhiều thay đổi trong những năm gần đây. Mặc dù hai quốc gia này có lịch sử quan hệ ngoại giao lâu dài, nhưng trong thời gian gần đây đã có những căng thẳng do địa chính trị và kinh tế.
Một trong những vấn đề chính dẫn đến căng thẳng là vấn đề Tây Sahara. Tây Sahara nằm trong danh sách những lãnh thổ không tự chủ của Liên Hợp Quốc từ những năm 1960 khi nó còn là thuộc địa của Tây Ban Nha. Hiện tại đây là vùng đất tranh chấp giữa Maroc, vốn kiểm soát phần lớn Tây Sahara và tuyên bố chủ quyền trên toàn lãnh thổ này và Mặt trận Politsario, hiện thời kiểm soát 20% lãnh thổ.
Algeria với tư cách là quốc gia ủng hộ Mặt trận bán tự trị Polisario, đã chỉ trích gay gắt lập trường của Tây Ban Nha, khi trong những năm gần đây đã tỏ ra ủng hộ với quan điểm của Maroc.
Trong những năm gần đây, quan hệ song phương giữa hai nước đã xấu đi, nhưng cũng có những nỗ lực bình thường hóa tình hình. Tuy nhiên, rất khó để dự đoán tương lai của những mối quan hệ này sẽ như thế nào, vì cả Algeria và Tây Ban Nha đều theo đuổi lợi ích riêng của mình.
"Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong trường hợp này, khi Algeria có thể sẽ sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình vào năm 2028", Defence and Aviation đưa tin.
Điều này liên quan đến kế hoạch mua 14 chiếc Su-57 trị giá 2 tỷ đô la của Algeria. "Số lượng này đủ để gây ra vấn đề cho Tây Ban Nha trong trường hợp xảy ra xung đột", tác giả bài báo nhấn mạnh.
Theo tác giả, cần lưu ý rằng Algeria đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moskva trong nhiều năm. Liên Xô đã cung cấp cho Algeria 89 máy bay MiG-25, mà tác giả đã nhấn mạnh là "nhanh hơn bất kỳ máy bay chiến đấu phản lực nào của Tây Ban Nha đã hoặc đang hoạt động tại quốc gia này". MiG-25 vẫn đang được Algeria sử dụng cho đến ngày nay, cùng với các máy bay hiện đại hơn như 58 chiếc Su-30 và 54 chiếc MiG-29, cũng như 43 máy bay ném bom Su-24.
Theo tác giả của bài báo, cần phải có 8 trung đoàn hệ thống phòng không S-400, 8 trung đoàn hệ thống phòng không S-300PMU2 và 108 bệ phóng hệ thống phòng không tầm trung Pantsir-S1 mới đủ để đối phó với số máy bay này.
Những vấn đề với Maroc
Tuy nhiên, Algeria không phải là vấn đề duy nhất của Tây Ban Nha mà còn cả Maroc, mặc dù hai nước vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp và có đồng minh chung là Mỹ, nhưng Maroc vẫn thể hiện yêu sách của mình đối với các thành phố Ceuta và Melilla, quần đảo Canary, đá Vélez de la Gomera, quần đảo Alhucemas, Chafarinas và Perejil.
Theo tác giả, Maroc sử dụng vấn đề nhập cư bất hợp pháp trong một "cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Tây Ban Nha" và trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, nước này cũng đang tìm cách mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, trong khi Tây Ban Nha cũng sẽ phải đợi tới năm 2040 để có F-35.
Trong thời gian này, Tây Ban Nha sẽ chỉ dựa vào Eurofighter và EF-18M Hornet – hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4. "Điều này làm tăng mối đe dọa đối với Tây Ban Nha", tác giả bài báo nhấn mạnh.
Khách hàng tiềm năng nhất của Su-57
Các chuyên gia lưu ý rằng, Algeria là khách hàng tiềm năng được nhắc đến nhiều nhất của Su-57, với các báo cáo xuất hiện từ Châu Phi, Châu Á và Châu Âu. Trang web Scramble của Hà Lan cũng nhấn mạnh rằng mặc dù chưa có người mua chính thức nào được công bố, nhưng "có tin đồn cho rằng Algeria là khách hàng xuất khẩu đầu tiên".
Algeria được coi là khách hàng tiềm năng của Su-57 kể từ năm 2020. Cùng năm đó, một chuyến thăm bất ngờ của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Algeria khi đó là Saïd Chengriha tới Dmitry Shugaev, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang, đã được các nhà quan sát ghi nhận.
Tây Ban Nha, giống như nhiều nước châu Âu và phương Tây khác, đang theo dõi với sự quan ngại về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Algeria và Nga, đặc biệt là trong bối cảnh có khả năng mua máy bay chiến đấu Su-57.
Khả năng này gây ra mối lo ngại nghiêm trọng ở Tây Ban Nha, vì đây là dòng máy bay chiến đấu tiên tiến nhất hiện nay. Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên của Nga, có khả năng chống lại máy bay tàng hình phương Tây như F-22 hoặc F-35 của Mỹ.
Mối quan hệ Nga - Algeria
Algeria và Nga có mối quan hệ quân sự và thương mại lâu dài, với Algeria là khách hàng lớn của các hệ thống vũ khí Nga. Việc Algeria mua Su-57 sẽ mang lại cho quốc gia này một lợi thế chiến lược đáng kể, nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của lực lượng không quân Algeria.
Đối với Tây Ban Nha, một thành viên NATO, điều này sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của khu vực, cũng như sự cân bằng quyền lực hiện có ở Địa Trung Hải và Bắc Phi.
Hơn nữa, thương vụ Su-57 được coi là một phần của sự liên kết chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn giữa Algeria và Nga. Tây Ban Nha và các nước phương Tây khác có thể coi đây là một tín hiệu làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực.
Đối với NATO và Liên minh châu Âu, đây là một lý do đáng lo ngại vì khả năng Nga mở rộng sự hiện diện quân sự gần biên giới châu Âu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của lục địa này.
Mặc dù Algeria luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, nhưng việc mua máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga sẽ khiến Tây Ban Nha phải xem xét lại các chiến lược quân sự của mình và tăng cường hợp tác với NATO và EU để ứng phó với tham vọng quân sự ngày càng gia tăng của Algeria.
Quang Hưng