Nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học đã nhận ra Mặt Trời dường như quá khác biệt so với các ngôi sao khác từng được quan sát. Thậm chí, có thể nói nó là một "quái vật" đã phá vỡ mọi mô hình về thiên thể sao, bởi có một bầu khí quyển "hỏa ngục" cực kỳ vô lý.
Các dấu vết của sóng từ tần số cao "lang thang" khắp vành nhật hoa được tàu vũ trụ SO/ESA ghi nhận - Ảnh: ESA
Nhiệt độ của tầng khí quyển phía trên Mặt Trời, tức vành nhật hoa, có thể vọt lên tới hơn 1,1 triệu độ C, trong khi vùng cách đó 1.600 km gần về phía lõi hơn - quang quyển - chỉ là 5.500 độ C, theo Live Science.
Thông thường khí quyển của một ngôi sao được đun nóng nhờ phản ứng tổng hợp hạt nhân bên trong lõi của nó. Nhưng nếu như vậy, tầng khí quyển phía trên không thể nóng tới 200 lần so với tầng thấp. Lẽ ra nó phải mát hơn quang quyển nhiều.
Điều này cho thấy còn một thứ gì đó chưa biết đã đốt nóng ngôi sao mẹ kỳ dị của Trái Đất. Đó vẫn là câu đố suốt 80 năm nay
Mới đây, tàu quỹ đạo Mặt Trời (SO) của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã bất ngờ phát hiện một thứ lạ lùng: Sóng từ tần số cao, lan truyền khắp vành nhật hoa.
Từ vị trí cách Mặt Trời 42 triệu km, tàu vũ trụ SO đã dùng kính thiên văn Extreme Ultraviolet Image (EUI) do Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ (ROB) vận hành để ghi nhận hình ảnh vành nhật hoa với độ phân giải chưa từng có.
Và họ đã thấy chúng, những sóng nhỏ truyền qua plasma trong tầng khí quyển nóng bỏng này.
Họ tiếp tục phân tích tổng hợp một số nghiên cứu trước đây và xác nhận dạng sóng từ tần số cao, dao động nhanh này hoàn toàn có thể đốt nóng vành nhật hoa một cách đáng kể.
Tuy vậy, những gì nắm bắt được là chưa đủ. Nhà nghiên cứu David Berghmans từ ROB cho biết họ vẫn đang tìm câu trả lời toàn diện hơn, rất có thể là sóng từ tần số cao hơn nữa, để có thể hiểu về cách vành nhật hoa bị nung nóng và tạo ra cho Mặt Trời một bầu khí quyển "ngược đời".