Kính viễn vọng James Webb có phát hiện bất ngờ: một dấu chấm hỏi lơ lửng trong vũ trụ

KIM |

Vũ trụ đang nghi vấn điều gì chăng? Hay chỉ là một thiên thể tình cờ có hình dáng của dấu hỏi chấm?

Từ thời điểm chính thức đi vào hoạt động, Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) đã lý giải nhiều câu hỏi hóc búa của ngành thiên văn học.

Nhưng cũng giống đại đa số các khám phá vĩ đại khác, câu trả lời mới đi kèm với những thắc mắc mới, khiến chúng ta thấy trí tò mò của con người vẫn còn đất dụng võ. Và trong khám phá mới được đăng tải, trí tưởng tượng của con người cũng được dịp tỏa sáng.

Vào ngày 26/6, các chuyên gia công tác tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) công bố tấm ảnh mới được chụp bởi kính Webb, cho thấy cảnh những ngôi sao mới hình thành tại Chòm sao Vela nằm cách Trái Đất khoảng 1.470 năm ánh sáng. Nhưng điều kỳ lạ là đây: trong tấm ảnh hiện hữu một dấu hỏi chấm (?) to đùng.

Kính viễn vọng James Webb có phát hiện bất ngờ: một dấu chấm hỏi lơ lửng trong vũ trụ - Ảnh 1.

Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp lại cảnh cặp sao có tên Herbig-Haro 46/47 đang hình thành, đồng thời chụp được một dấu hỏi chấm - Ảnh: NASA, ESA, CSA.

Từ ngày các nhà thiên văn học hướng mắt lên bầu trời sao, họ đã để ý tìm những mẫu hình. Rất nhiều tinh vân, hay chính là những đám mây khí liên sao, và rồi thiên hà đã được đặt tên theo hình dáng của chúng”, Gregory Brown, nhà thiên văn học công tác tại Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich cho hay.

Nhưng công nghệ tiến bộ theo thời gian, kính viễn vọng đã tinh tường hơn xưa rất nhiều. “Những gì từng mang dáng hình của một vết mờ có hình cây thông [...] giờ đây đã hiện hữu rõ ràng, dưới hình hài của một đám mây có cấu trúc phức tạp hay những dải vật chất của khí và bụi. Có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ được sử dụng những cặp kính chất lượng tới mức những hình dáng đơn giản kể trên sẽ bị thay thế trong cái sắc nét mới”.

Theo lời Stephen Wilkins, nhà thiên văn học công tác tại Đại học Sussex, thì “dấu hỏi chấm” kia không đại diện cho thắc mắc nào đó của vũ trụ, mà “phô diễn khả năng khám phá không gian chưa từng có của kính viễn vọng”.

Dù chưa xác định rõ “dấu hỏi chấm” này là gì, nhưng các nhà khoa học đã có thể đưa ra phỏng đoán dựa trên hình dáng và màu sắc của nó. Theo lời đại diện của Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian (STScI), đơn vị điều hành dự án kính Webb, hình dáng kỳ lạ có thể cho thấy hai (hoặc nhiều hơn) thiên hà đang tương tác với nhau.

Kính viễn vọng James Webb có phát hiện bất ngờ: một dấu chấm hỏi lơ lửng trong vũ trụ - Ảnh 2.

Dấu hỏi chấm kỳ lạ xuất hiện trong ảnh do kính Webb chụp - Ảnh: NASA, ESA, CSA.

Phó giáo sư Matt Caplan công tác tại Đại học Bang Illinois đồng tình với nhận định trên. Theo ông, đây có thể là hình ảnh cho thấy hai thiên hà đang hợp nhất, với phần trên của dấu hỏi cho thấy một thiên hà đang bị kéo giãn ra.

Cũng theo lời ông Caplan, dù chưa thể khẳng định được bản chất của dấu hỏi chấm, nhưng có thể chắc chắn đây không phải một ngôi sao do nó không tỏa sáng giống những ngôi sao từng được quan sát. Có thể so sánh với những đốm sáng xung quanh để thấy dấu hỏi chấm không phải một ngôi sao.

Hoạt động hợp nhất của thiên hà thường xuyên diễn ra trong vũ trụ rộng lớn, và thường kéo dài từ vài trăm triệu năm cho tới hàng tỷ năm. Khi hai thiên hà di chuyển lại gần nhau, lực hấp dẫn của chúng chạm mặt và khiến các ngôi sao, khí và bụi tương tác theo những cách thức phức tạp. Hoạt động này có thể sản sinh ra sao mới, và nếu hai lỗ đen trung tâm của thiên hà đủ gần nhau, chúng có thể hòa vào làm một.

Dải Ngân hà của chúng ta rồi cũng sẽ đối mặt với hiện tượng này. Ước tính khoảng 5 tỷ năm nữa, Dải Ngân hà sẽ hợp nhất với thiên hà Andromeda. Theo phỏng đoán của NASA, hiện tượng hợp nhất không gây ảnh hưởng tới Hệ Mặt Trời.

Kính viễn vọng James Webb có phát hiện bất ngờ: một dấu chấm hỏi lơ lửng trong vũ trụ - Ảnh 3.

Họa sĩ dự đoán cảnh tượng của 3,75 tỷ năm nữa, khi thiên hà Andromeda (bên trái) bắt đầu khiến Dải Ngân hà biến dạng - Ảnh: NASA.

Quay trở lại với dấu hỏi chấm kỳ lạ. Theo nhận định của STScI, màu đỏ của thiên thể này cho thấy nó nằm cách rất xa Trái Đất. Theo những dữ liệu được lưu lại từ trước tới nay, đây là “dấu hỏi chấm” đầu tiên được ngành thiên văn học phát hiện ra.

Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy thiên thể dạng này”, STScI nhận định. “Phải thực hiện những quan sát tiếp theo để có thể khẳng định được vật thể. Kính Webb chụp được rất nhiều thiên hà xa xôi mới lạ, vậy nên có rất nhiều việc phải làm!

Tính đến nay, đã có hơn 750 báo cáo nghiên cứu (đã được phê duyệt) sử dụng dữ liệu từ JWST và được công bố trên những tạp chí lớn nhỏ. Với tuổi thọ ít nhất 20 năm, Kính viễn vọng Không gian James Webb có thể tận hiến cho ngành thiên văn học thêm nhiều năm nữa, mang về những hình ảnh ấn tượng, những dữ liệu quý giá và … những dấu hỏi chấm mới cho khoa học.

Theo Space, Earth

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại