Tàu thăm dò vũ trụ Nhật Bản đạt bước tiến trong tìm nguồn gốc sự sống

Báo Tin tức |

Ngày 27/6, tàu thăm dò vũ trụ không người lái Hayabusa2 của Nhật Bản đã tiến gần một tiểu hành tinh cách Trái Đất khoảng 300 triệu km, sau một hành trình dài khoảng 3,2 tỷ km kể từ khi được phóng lên vũ trụ vào cuối năm 2014.

Cơ quan Nghiên cứu hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết tàu Hayabusa2 hiện cách tiểu hành tinh mang tên Ryugu khoảng 20 km và sẽ duy trì ở quỹ đạo này trong một năm rưỡi nhằm tìm kiếm thêm những manh mối về sự hình thành của hệ Mặt trời cũng như nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất.

Theo kế hoạch, con tàu này sẽ thực hiện 3 lần đổ bộ lên Ryugu để thu thập các mẫu đất đá. Lần đổ bộ đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 9 hoặc 10 tới. 

Con tàu được trang bị camera và thiết bị cảm biến này cũng sẽ thực hiện sứ mệnh quan trắc Ryugu và nghiên cứu về trọng lực, nhiệt độ và những điều kiện bề mặt của tiểu hành tinh. Hayabusa2 cùng với các mẫu đất đá thu thập được sẽ quay trở lại Trái Đất vào cuối năm 2020.

Theo những kết quả quan trắc trước đó, tiểu hành tinh Ryugu dạng hình thoi, được ước tính có đường kính khoảng 900 mét, quay quanh Mặt trời một chu kỳ trong 16 tháng, quay gần các quỹ đạo của Trái Đất và Sao Hỏa. Tiểu hành tinh loại C (các-bon) này được cho là chứa lượng nước và chất hữu cơ khá lớn, là những yếu tố cần thiết cho sự sống. 

Các nhà khoa học hy vọng những mẫu đất đá thu thập được từ tiểu hành tinh này sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến sự sống trên Trái Đất.

Tàu Hayabusa2 đã được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản, hồi tháng 12/2014 với sứ mệnh du hành đến tiểu hành tinh Ryugu để thu thập các mẫu đá. 

Hayabusa2 đã có hành trình suôn sẻ và đã điều chỉnh quỹ đạo của mình từ đầu tháng 6 vừa qua trước khi đạt đến đích. Chi phí cho dự án nghiên cứu này là 30 tỷ yên (tương đương 274 triệu USD).

Được cải tiến so với tàu Hayabusa phiên bản trước, Hayabusa2 với khối lượng khoảng 600 kg bao gồm các động cơ ion bền hơn tạo thêm 25% sức đẩy và một antenna đã được nâng cấp để truyền được nhiều dữ liệu hơn về Trái Đất. 

“Tiền bối” Hayabusa chỉ thu thập các mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh, trong khi Hayabusa2 sẽ sử dụng một máy ép bằng kim loại đào sâu xuống dưới bề mặt hành tinh để tiếp cận các vật chất không bị ảnh hưởng bởi bức xạ Mặt Trời cũng như các vật thể khác.

Năm 2010, tàu Hayabusa đã trở về Trái Đất, lần đầu tiên mang theo các mẫu vật trên bề mặt tiểu hành tinh Itokawa. Sau khi được phóng năm 2003, trong hành trình dài 6 tỷ km, tàu Hayabusa đã gặp với nhiều khó khăn như trục trặc động cơ và các con quay hồi chuyển, có lúc mất liên lạc với Trái Đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại