Thông tin gây sốc này được Tạp chí IHS Jane's dẫn nguồn tin tình báo phương Tây cho biết. Cụ thể, hôm 25/11 tạp chí này đã đăng bức ảnh chụp từ vệ tinh của Airbus DS ngày 20/11 cho thấy, tại căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Latakia, Syria trong ngày đó có 8 chiếc tiêm kích tàu sân bay Su-33, 1 chiếc MiG-29KR đang đậu gần Su-24M, Su-34 và Su-35.
Cùng với những hình ảnh neo đậu trên đất liền được nhìn thấy, các tiêm kích hạm của tàu Kuznetsov được cho là đã xuất kích từ căn cứ Hmeymim để thực hiện các phi vụ tấn công ở Syria thay vì từ tàu sân bay ngoài khơi Syria.
Thông tin này sau đó cũng đã được chính hãng tin Interfax ngày 26/11 xác nhận và cho biết các máy bay Su-33 và MiG-29K của tàu sân bay Kuznetsov đã có các cuộc bay cất và hạ cánh xuống căn cứ Hmeymim để có kinh nghiệm.
"Phi công đã thu được các kinh nghiệm cất cánh từ tàu sân bay, hạ cánh xuống Hmeymim rồi sau đó quay về tàu sân bay. Những hoạt động này đặc biệt diễn ra vào đầu chiến dịch không kích quân khủng bố vừa qua", Interfax dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết.
Dù Nga đang úp mở rằng việc đưa dàn tiêm kích hạm của tàu Kuznetsov lên đất liền không gì khác là mục đích học hỏi kinh nghiệm khi tác chiến nhưng theo nhận định của IHS Jane's, điều này cho thấy, chiếc tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga gần như đã tên liệt và không thể đảm bảo khả năng chiến đấu.
Theo tạp chí này, không có chuyện tiêm kích hạm khi hoạt động thuần thục trên tàu sân bay mới học cất/hạ cánh trên đất liền bởi theo quy trình đào tạo phi công, để chính thức được lái chiến đấu cơ trên tàu sân bay, các phi công phải thành thạo các kỹ năng tương tự với mô hình trên đất liền.
Nghi vấn của IHS Jane's hoàn toàn có cơ sở bởi nó được đưa ra sau hàng loạt sự cố với tàu sân bay Nga, đặc biệt sau khi một chiếc MiG-29K bị rơi xuống biển vì cáp hãm đà trên tàu Kuznetsov bị đứt và không thể khắc phục.
Vụ việc xảy ra vào chiều 13/11 (theo giờ Nga) khi phi đội bay gồm 3 chiếc MiG-29KR đã hoàn thành nhiệm vụ, quay về chuẩn bị hạ cánh xuống tàu sân bay Kuznetsov ngoài khơi Syria.
Theo thiết kế, thông thường mỗi chiếc máy bay hạ cánh cách nhau khoảng 3 phút,. Chiếc MiG-29KR đầu tiên hạ cánh không có vấn đề gì, trong khi đó chiếc MiG-29K thứ 2 đã làm đứt dây cáp hãm đà thứ 2 khiến chúng quấn vào sợi thứ 3 và chiếc máy bay đã may mắn bắt được sợi cáp thứ 4 khi hạ cánh.
Sự cố này khiến cho chiếc MiG-29K còn lại không thể thực hiện hạ cánh dù đã giảm độ cao. Ngay khi xảy ra tình huống bất ngờ này, chỉ huy đội bay lập tức lệnh cho phi công tăng tốc và tiếp tục bay lượn để chờ nhân viên kỹ thuật khắc phục sự cố.
Và trong khi dây cáp đứt chưa kịp khắc phục thì sự cố đã nghiêm trọng khác xảy ra với chiếc MiG-29K khi cả 2 động cơ của chúng bất ngờ chết máy. Máy bay đã rơi tự do và viên phi công đã không có lựa chọn nào khá là nhảy dù thoát hiểm và được cứu ngay sau đó.