Độ sâu ấn tượng
Chuẩn Đô đốc Victor Kochemazov phụ trách mảng huấn luyện chiến đấu của Hải quân Nga cho biết, các tàu ngầm của Nga từ năm 2016 đã bắt đầu được trang bị loại ngư lôi nâng cấp với những tính năng kỹ- chiến thuật cực cao.
"Cùng với việc phát triển các loại vũ khí hoạt động dưới biển mới, kể từ năm 2016, các tàu ngầm điện diesel và tàu ngầm hạt nhân mới đã được trang bị ngư lôi có tính năng chiến đấu tăng cường", ông Victor Kochemazov cho biết.
Ngoài ra, quan chức này nhấn mạnh quá trình phát triển và thử nghiệm các loại vũ khí mới được tiến hành thường xuyên, và cho rằng trong lĩnh vực này, Nga không thua kém các nước NATO, thậm chí còn vượt qua họ ở một số tính năng.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga.
Dù Đô đốc Victor Kochemazov không cho biết cụ thể loại ngư lôi nào được trang bị tuy nhiên theo kế hoạch phiên chế cho Hải quân Nga được công bố hồi giữa năm 2016 cho biết, loại vũ khí vị đô đốc này nói đến chính là loại Futlyar.
Theo TASS, tới cuối năm 2016, Hải quân Nga sẽ được trang bị thế hệ ngư lôi mới được thiết kế hoạt động tốt ở độ sâu lớn với tên gọi Futlyar. Ngư lôi Futlyar chính là phiên bản nâng cấp phát triển trên cơ sở ngư lôi trang bị đầu dò tự dẫn Fizik.
"Hiện tại, ngư lôi Futlyar đang trong quá trình thử nghiệm cấp quốc gia ở hồ Issyk-Kul, Kyrgyzstan. Nếu không có gì thay đổi, ngư lôi mới sẽ được sản xuất loạt vào cuối năm 2016 và trang bị cho Hải quân Nga từ đầu năm 2017", TASS dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết.
Theo những thông tin ban đầu, ngư lôi Futlyar sử dụng đầu dò cảm biến nhiệt và định vị bằng sóng thủy âm có tầm bắn đạt tới 50km, tốc độ di chuyển khoảng 50 hải lý/h và hoạt động tốt ở độ sâu tới 500m. Nhờ thiết bị đầu dò được cải tiến, Futlyar có khả năng kháng nhiễu và bám mục tiêu dưới nước rất tốt.
Dòng ngư lôi mới của Nga là sản phẩm nghiên cứu của Viện thiết kế mang tên Morteplotehnika ở Saint Peterburg và được sản xuất tại nhà máy Dagdizel nằm bên bờ Biển Caspien.
Theo kế hoạch, sau khi được chấp nhận vào biên chế Hải quân Nga, ngư lôi Futlyar sẽ được trang bị trước tiên trên tàu ngầm nguyên tử lớp Borey và Yasen. Như vậy, những tàu ngầm hiện đại nhất của Nga sẽ được trang bị cặp ngư lôi đáng sợ hàng đầu thế giới là Fizik, và Futlyar.
Theo những thông tin được công khai, Fizik có chiều dài 7,2 m, trọng lượng 2.200 kg, trọng lượng phần chiến đấu 300 kg. Động cơ piston hướng trục không giảm tốc chủ trình hở DP4 công suất 460 kW dùng nhiên liệu một thành phần “pronit” có buồng đốt quay và giúp ngư lôi đạt tốc độ 30-55 hải lý/h ở tầm 40-50 km và độ sâu hành trình đến 500m.
Siêu ngư lôi thất sủng
Việc Nga tin dùng ngư lôi Fizik và biến thể nâng cấp Futlyar chứ không phải loại Shkval được Tổng giám đốc Tổng Công ty Tên lửa chiến dịch - chiến thuật (KTRV) - ông Boris Obnosov cho biết, chúng tôi sẽ thực hiện nâng cấp loại ngư lôi này (Shkval) theo một chương trình phát triển vũ khí dưới nước tích hợp cho hải quân. Bởi hiện nay, loại ngư lôi này không thích hợp cho chiến tranh dù chúng có tốc độ lên tới 500km/h.
Theo vị giám đốc này, dù có tốc độ siêu nhanh nhưng tầm bắn của Shkval quá ngắn, tối đa chỉ đạt 6.858 m, buộc tàu ngầm phải áp sát đối phương mới có thể ra đòn. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm do các chiến hạm hiện đại đều có hệ thống định vị thủy âm tối tân cùng vũ khí chống ngầm uy lực.
Tiếp theo, chính công nghệ siêu khoang lại khiến cho ngư lôi không thể thiết lập mối liên lạc hai chiều, khi tín hiệu radio bị cản lại ở bên ngoài, không thể xuyên qua bọt khí.
Ngư lôi phải phụ thuộc vào việc ước lượng tọa độ mục tiêu trước khi phóng, độ linh hoạt của nó cũng cực kỳ kém, do một cú chuyển hướng gấp sẽ phá vỡ bong bóng siêu khoang. Cuối cùng, tính bí mật của ngư lôi Shkval hoàn toàn không có, do nó tạo ra tiếng ồn cực lớn và hình thành đường bọt nổi trên mặt nước rất dễ quan sát.
Đây chính là những nguyên nhân khiến Nga phải lên phương án nâng cấp siêu ngư lôi này để chúng đủ sức tác chiến trong chiến tranh hiện đại.