Tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam: Kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông

Hà Dũng |

Đã có nhiều biệt danh được gắn cho tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam, nhưng sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới biệt danh “kẻ độc hành cực nguy hiểm trong bóng tối biển Đông”.

Từ khi được Việt Nam ký hợp đồng đặt mua với Nga cho đến khi tàu ngầm Kilo-636 hoạt động ở Biển Đông đã có rất nhiều nhận định coi chúng là "vũ khí chiến lược", "cú đấm quyết định" của Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Điều gì đã giúp không chỉ tàu ngầm Kilo mà tất cả các tàu ngầm khác được đánh giá cao như vậy?

Do Kilo 636 có lượng vũ khí khủng? Hoàn toàn không, bởi nói về cơ số vũ khí nó hoàn toàn thua xa một tàu mặt nước có lượng giãn nước tương đương.

Nhờ vào độ cơ động lại càng không, bởi nó kém hơn tàu mặt nước chứ chưa cần phải so sánh với các loại máy bay không đối hải như Su-30MK2.

Yếu tố làm nên sức mạnh vượt trội của Kilo chính là yếu tố bí mật và khả năng hoạt động độc lập của nó. Có thể ví Kilo 636 như một sát thủ độc hành cực kỳ nguy hiểm trong bóng tối Biển Đông.

Bên ngoài tàu ngầm Kilo 636 không phải là "khung cảnh thần tiên" của nước biển trong xanh, những rạn san hô rực rỡ và đàn cá bơi lội tung tăng mà chính xác là bóng tối đen kịt và lạnh lẽo. Nhưng như vậy chưa đủ để tàu ngầm Kilo trở thành một "kẻ độc hành", mà chính là cách mà tàu ngầm Kilo trao đổi thông tin với bên ngoài.

Các thiết bị trinh sát, chỉ thị mục tiêu của tàu ngầm

Xét về các biện pháp trinh sát phát hiện, chỉ thị mục tiêu tàu ngầm có các phương pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất là sử dụng kính tiềm vọng ở trạng thái nổi lên sát mặt nước. Phương pháp này dễ bị đối phương phát hiện, do đó kính tiềm vọng thường ít được sử dụng và trong thời gian càng ngắn càng tốt.

Tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam: Kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông - Ảnh 1.

Tàu ngầm sử dụng kính tiềm vọng ở trạng thái nổi

Thứ hai là sử dụng radar trên tàu ngầm phát sóng sau đó thu tín hiệu phản xạ và phân tích để có được thông tin của mục tiêu. Để anten có kích thước phù hợp thì radar buộc phải hoạt động trên dải sóng ngắn và sóng cực ngắn.

Tuy nhiên, sóng ngắn và sóng cực ngắn lại suy giảm rất nhanh trong môi trường nước biển nên buộc tàu ngầm phải nổi lên hoặc thả radar được kéo bằng dây nổi lên mặt nước.

Cách sử dụng này khiến tàu ngầm dễ bộc lộ vị trí. Hơn nữa, thiết bị thu phát sóng được đặt ngay trên mặt nước biển nên tầm hoạt động ngắn và ảnh hưởng của nhiễu bề mặt lớn khiến phương pháp trinh sát này ít hiệu quả. Phương pháp này chủ yếu để cảnh giới trên không khi cần thiết.

Thứ ba là sử dụng sonar thủy âm, đây là phương pháp trinh sát chủ yếu của tàu ngầm (viết tắt của cụm từ SOund NAvigation and Ranging – Định tuyến và đo khoảng cách bằng âm thanh). Có hai loại sonar là: sonar chủ động và sonar bị động.

Thiết bị sonar thủy âm chủ động sẽ phát sóng âm hướng vào mục tiêu và thu tín hiệu dội lại, tuy nhiên nó ít khi được sử dụng vì dễ bị đối phương phát hiện ra.

Thiết bị thủy âm thụ động sẽ dò tìm những âm thanh do các vật thể xung quanh tàu ngầm phát ra đó có thể là tiếng chân vịt của tàu ngầm, tàu nổi, tiếng va chạm của máy móc thậm chí là âm thanh do các đàn cá ở gần tàu ngầm.

Sonar thủy âm được cấu tạo dưới dạng vòm thủy âm. Vòm thủy âm thường có dạng hình cầu với nhiều cảm biến âm thanh được gắn ở gần mũi tàu ngầm và có thể được bổ sung thêm các cảm biến âm thanh được gắn trên một sợi cáp phía sau đuôi tàu ngầm. Tín hiệu thu được từ các cảm biến sẽ được phân tích và xử lý từ đó có thể xác định được loại mục tiêu, vận tốc cơ động, hướng cơ động…

Theo các thông tin được công bố, tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam được trang bị sonar thủy âm cải tiến MGK- 400EM.

Thứ tư là thiết bị dò từ tính khi tàu ngầm đối phương chuyển động làm thay đổi từ trường.

Tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam: Kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông - Ảnh 2.

Sonar thủy âm là thiết bị dò tìm mục tiêu chủ yếu của tàu ngầm Kilo 636 (Ảnh minh họa)

Các phương pháp dò tìm tàu ngầm:

Các biện pháp đối phương có thể áp dụng để dò tìm tàu ngầm Kilo-636MV bao gồm:

Thứ nhất là quan sát, dò tìm tàu ngầm hoặc các thiết bị của tàu ngầm ở trạng thái nổi.

Thứ hai là dựa vào sóng vô tuyến tàu ngầm phát ra bằng các hệ thống tác chiến điện tử.

Thứ ba là dựa sự thay đổi từ trường do tàu ngầm chuyển động khi lặn. Phương pháp này ít hiệu quả với Kilo 636 bởi hai lý do: chúng đã được khử từ theo công nghệ hiện đại và lượng choán nước của loại tàu ngầm này không quá lớn như các tàu ngầm hạt nhân.

Thứ tư là sử dụng sonar thủy âm, đây là phương pháp dò tìm tàu ngầm chủ yếu. Sonar săn ngầm có thể ở tàu ngầm, tàu mặt nước và do các máy bay săn ngầm (trực thăng, cánh bằng) thả xuống biển.

Kỹ thuật hiện tại mới chỉ cho phép sonar có tầm hoạt động trên dưới 20 km do đó việc sử dụng sonar săn ngầm chủ yếu nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ căn cứ, hạm đội. Do đó Kilo có thể bí mật tiếp cận an toàn đối phương ở cự ly 20 km.

Như vậy dựa vào các phương pháp trên ta có thể thấy rằng để phát hiện ra tàu ngầm Kilo-636 là điều không hề dễ dàng. Đó chính là yếu tố bí mật mà không có loại vũ khí nào có thể sánh được với tàu ngầm.

Tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam: Kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông - Ảnh 3.

Trực thăng săn ngầm thả sonar xuống biển

Các phương pháp liên lạc của tàu ngầm Kilo

Xét về hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu ngầm với sở chỉ huy hoặc các tàu ngầm, tàu nổi khác có các biện pháp chủ yếu:

Thứ nhất là kỹ thuật sonar sử dụng sóng âm thanh. Do sóng âm có năng lượng yếu, khoảng cách truyền tải có hạn nên khi sử dụng sonar làm phương pháp liên lạc với tàu ngầm với sở chỉ huy ở cự ly xa cần bố trí mạng lưới sonar tại những tọa độ tàu ngầm đi qua.

Khi cần liên lạc, tàu ngầm sẽ tiếp cận những tọa độ này và phát hoặc thu tín hiệu từ sonar được bố trí sẵn. Việc bố trí mạng lưới sonar không hề đơn giản và để truyền tín hiệu từ sonar đến trung tâm chỉ huy cần có trạm chuyển tiếp thường là sử dụng máy bay.

Kỹ thuật này thường sử dụng cho các tàu ngầm hạt nhân hoạt động xa căn cứ để xác định tọa độ, hiệu chỉnh thiết bị và nhận, gửi thông tin.

Cũng có thể sử dụng sonar để hiệp đồng chiến thuật giữa tàu ngầm với tàu ngầm hoặc giữa tàu ngầm với tàu nổi, cự ly thông tin cũng bị giới hạn trên dưới 20 km.

Điểm cần lưu ý là trong nước biển, tín hiệu sóng âm có thể truyền xa nhưng lại chịu ảnh hưởng rất lớn bởi độ mặn, nhiệt độ, độ kín, độ sâu và khoảng cách. Tốc độ âm thanh phân phối không đồng đều trong nước biển dẫn đến tín hiệu bị sai lệch trong các vùng biển hoặc thời tiết khác nhau. Vì vậy liên lạc với tàu ngầm bằng kỹ thuật sonar không được sử dụng nhiều.

Tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam: Kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông - Ảnh 4.

Tàu ngầm liên lạc bằng hệ thống sonar bố trí sẵn tại các tọa độ đi qua

Thứ hai là liên lạc bằng sóng vô tuyến có bước sóng ngắn (cao tần) và siêu ngắn (siêu cao tần). Do sóng ngắn và siêu ngắn không thể truyền xuyên qua môi trường nước biển nên khi sử dụng các thiết bị liên lạc sóng ngắn và siêu ngắn buộc tàu ngầm phải nổi lên gần mặt nước. Các anten thường được thả nổi nhờ dây kéo từ tàu ngầm.

Vì dễ bị đối phương pháp hiện nên phương pháp liên lạc này bị hạn chế. Nếu buộc phải sử dụng thì sẽ phát tín hiệu trong thời gian cực ngắn đồng thời anten được bật sẵn ở chế độ thu để nhận thông tin từ các trạm anten trên bờ.

Tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam: Kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông - Ảnh 5.

Tàu ngầm ở các độ sâu khác nhau dựa vào bước sóng vô tuyến được sử dụng để liên lạc

Thứ ba là liên lạc bằng sóng vô tuyến có bước sóng siêu dài và cực dài. Biện pháp này thường được sử dụng để liên lạc giữa tàu ngầm và căn cứ. Sóng siêu dài và cực dài có thể truyền xuyên qua độ sâu hàng trăm mét.

Vì vậy, cho phép tàu thu nhận thông tin ở mực nước sâu và khoảng cách xa hàng nghìn km so với sở chỉ huy. Các anten thường được kéo chìm dưới mặt nước biển ở độ sâu nhất định do đó đảm bảo được tính bí mật.

Nhược điểm của phương pháp này là tốc độ truyền tin rất chậm, thời gian thu tin kéo dài, dung lượng thông tin được truyền tải rất nhỏ. Đặc biệt để truyền tín hiệu đến tàu ngầm đòi hỏi những trung tâm phát sóng có qui mô cực khủng.

Tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam: Kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông - Ảnh 6.

Anten của trạm phát sóng liên lạc bằng sóng cực dài của Mỹ.

Ví dụ: Trung tâm phát sóng của Mỹ có với trạm phát và hệ thống anten dài 90 km được xây dựng ở bang Michigan có thể truyền cho tàu ngầm ở vùng xích đạo Đại Tây Dương đến vùng biển phía bắc Thái Bình Dương những thông tin mật ngắn gọn.

Những thông tin này đều sử dụng "mã 3 chữ" (tạo ra tổng cộng 17.000 thông tin khác nhau). Do tần suất dữ liệu thấp, chuyển bản tin mã 3 chữ số mất khoảng 15 phút.

Nga cũng kế thừa từ Liên Xô 2 trung tâm phát sóng cực dài có anten phát tín hiệu sóng cực dài trên bờ dài đến vài chục km. Rõ ràng liên lạc bằng sóng siêu dài và cực dài không phải là những phương án phù hợp với Kilo Việt Nam.

Phương án tác chiến của Kilo 636 Việt Nam

Qua phân tích các phương pháp trinh sát của tàu ngầm, các biện pháp dò tìm tàu ngầm và liên lạc của tàu ngầm ta thấy rằng với Kilo 636 của Việt Nam do chỉ hoạt động trong vùng biển Đông, cùng với dự trữ hành trình tương đối dài (45 ngày) nên việc liên lạc với sở chỉ huy trên bờ sẽ được hạn chế mức ít nhất nhằm đảm bảo tính bí mật.

Trước mỗi nhiệm vụ, tàu ngầm Kilo 636 sẽ được cung cấp những thông tin về mục tiêu, phương án tác chiến và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu cần thiết chỉ trao đổi thông tin rất ngắn gọn và bí mật với các tàu ngầm hoặc tàu mặt nước khác bằng sonar khi đến gần hoặc radar khi nổi lên.

Một khi đã hạn chế đến mức thấp nhất liên lạc với sở chỉ huy hoặc các tàu khác thì đối phương khó có thể phát hiện ra Kilo Việt Nam.

Nhận nhiệm vụ từ sở chỉ huy, thầm lặng và bí mật tiếp cận rồi bất ngờ tung ra những đòn đánh kín kẽ hạ gục đối phương một cách nhanh chóng có lẽ là miêu tả tương đối hợp lí về Kilo-636 của Việt Nam theo phương án này.

Và để tăng thêm tính "thuyết phục" là các yếu tố khác như: động cơ được đánh giá là êm nhất trong các loại tàu ngầm, màu sơn đen kịt để hòa lẫn với bóng tối đại dương. Với đặc điểm như thế có thể nói rằng Kilo 636 thực sự là "kẻ độc hành cực kỳ nguy hiểm" trong bóng tối biển Đông.

Tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam: Kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông - Ảnh 7.

Tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam thực sự là kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông.

Sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến những thủy thủ trên tàu ngầm Kilo 636. Để phù hợp với tính chất là "kẻ độc hành trong bóng tối biển Đông" các thủy thủ ngoài sức khỏe và trí tuệ cần phải có được khả năng chịu áp lực tâm lý cực lớn.

Việc trò chuyện, gây tiếng động mạnh cũng bị hạn chế bởi trong một không gian kín âm thanh dễ gây tiếng vang, ảnh hưởng tới độ an toàn và sự tập trung trên tàu.

Cũng như qui trình tuyển chọn của Hải quân các nước khác, kiểm tra chứng sợ không gian kín và điện não đồ để đánh giá khả năng chịu áp lực tâm lý cường độ cao dài ngày là yêu cầu bắt buộc của mỗi thủy thủ tàu ngầm. Những con người có thần kinh thép này mới chính là yếu tố để làm nên sức mạnh của tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam".

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại