Theo EurAsian Times, các sĩ quan hải quân Nga đã bày tỏ lo lắng trước sự nguy hiểm của các tàu mặt nước không người lái (USV) của Ukraine, những tàu này đang cố gắng tấn công Hạm đội biển Đen của Nga ở Sevastopol, Crimea.
Các quân nhân Nga chỉ ra rằng tốc độ, tầm nhìn thấp (do USV chạy sát mặt nước và có chiều cao thấp) khiến nó khó bị phát hiện, cùng với khả năng cơ động linh hoạt biến nó trở thành mối đe dọa nguy hiểm.
Cuộc tấn công mới nhất vào ngày 24/4 vừa qua là cuộc tấn công thứ ba bằng vũ khí này, nhưng lần này chỉ có hai chiếc USV tham gia. Thống đốc Crimea Mikhail Razvozhayev cho biết, một chiếc bị đánh chặn trong khi chiếc thứ hai tự phát nổ mà không gây thiệt hại gì.
Cuộc tấn công đầu tiên và lớn nhất là vào cuối tháng 10/2022, chứng kiến 9 chiếc máy bay không người lái trên không và 7 chiếc tàu không người lái tự hành trên biển, tất cả chúng đều bị đánh chặn. Đợt tấn công thứ hai vào ngày 23/3 năm nay nhưng chỉ có ba chiếc USV tham gia.
Tàu không người lái (USV).
USV có hiệu quả?
Các nhà quan sát vẫn còn tranh cãi về việc liệu những chiếc USV được sử dụng trong cuộc tấn công thứ lần thứ hai, có giống với những chiếc USV tấn công vào tháng 10/2022 hay là một thiết kế mới hơn. Có một số hình ảnh về những chiếc USV mới xuất hiện trên mạng xã hội chỉ khoảng một ngày trước cuộc tấn công hôm 23/3.
Đại úy Maxim Klimov, phục vụ trong Hải quân Nga trả lời trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Pravda, lưu ý đến khả năng cơ động nhanh nhẹn của USV: "Những chiếc thuyền nhảy qua những con sóng và thay đổi hướng liên tục. Đây là một kẻ thù khá nguy hiểm và bạn cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp đối phó".
Klimov cũng nhắc tới cách lực lượng Houthi ở Yemen từng cho nổ một tàu khu trục của hải quân Ả Rập Xê-út bằng một chiếc thuyền không người lái vài năm trước. "Hôm nay, phía Nga đã phá huỷ được các phương tiện của đối phương và họ không thể đột nhập vào vịnh Sevastopol. Nhưng hãy tưởng tượng những vũ khí này được sử dụng để chống lại hạm đội Địa Trung Hải của Nga. Đó là điều đáng lo ngại, lực lượng Nga ở khu vực này chưa sẵn sàng đương đầu với chúng".
Klimov đề cập đến lực lượng đặc nhiệm thường trực của hải quân Nga ở biển Địa Trung Hải - hay còn có tên gọi là Phi đội tác chiến số 5 - từng được biên chế trong hải quân Liên Xô trước đây. Lực lượng này có 15 tàu chiến và tàu phụ trợ.
Klimov chỉ ra rằng việc bảo vệ các bến cảng cố định trước sự tấn công của USV là tương đối dễ dàng, tuy nhiên trên biển cả, nhiệm vụ này sẽ cực kỳ khó khăn. Những chiếc tàu không người lái tận dụng ưu thế về hình dạng và sức cơ động, kết hợp với việc tấn công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi tầm nhìn hạn chế sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Đối với cuộc tấn công mới nhất vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tàu không người lái Ukraine đều được phóng từ vùng biển của cảng Odesa.
Các nhà chuyên gia Ukraine rất có thể đang hoàn thiện chiến thuật và cải thiện các đặc tính của USV. Chẳng hạn, hai cuộc tấn công trước đó diễn ra vào ban ngày, nhưng lần này cuộc tấn công diễn ra trong đêm, cho thấy thứ vũ khí này đã có những cải tiến.
Một phân tích trước đó của EurAsian Times cho thấy Ukraine có một kho USV khá lớn nhưng chưa được đưa vào sử dụng, điều này cho thấy họ sẽ tiếp tục sử dụng một cách tiết kiệm và có chiến lược. Các video được tiết lộ cho thấy Ukraine có một hạm đội lớn gồm vài chục chiếc USV như vậy.
Những lời cảnh báo về USV
Các USV được sử dụng trong cuộc tấn công vào tháng 10/2022 dài 5,5 m với tầm hoạt động 400 km, thời gian hoạt động 60 giờ, tổng trọng lượng 1.000 kg, đầu đạn nặng tới 200 kg và tốc độ tối đa 80 km/h.
Các USV bị nghi ngờ trong cuộc tấn công ngày 23/3 ngắn hơn và được thiết kế gọn gàng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia hải quân tin rằng điều này có thể được cải tiến so với phiên bản trước để bảo vệ thiết bị và đảm bảo khả năng hoạt động của chúng.
Trong vụ tấn công mới nhất vào ngày 24/4, một đoạn clip ngắn 6 giây trên mạng xã hội được một người dân ghi lại vụ tấn công ở bến cảng vào ban đêm từ cửa sổ của anh ta. Thiết bị tấn công được cho là USV, một vụ nổ bất ngờ xảy ra và sóng xung kích làm rung chuyển môi trường xung quanh.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng chiếc USV này đã tự phát nổ, nhưng sức mạnh của luồng sóng xung kích cho thấy số lượng chất nổ được nạp bên trong tàu là rất lớn. Điều này cho thấy mục tiêu dự định của chiếc USV là một tàu chiến lớn, đủ để đục một lỗ sâu và khiến con tàu nghiêng sang một bên.
Một cú đánh của USV vào mũi tàu (phần phía trước) sẽ làm tăng khả năng bị chìm của tàu chiến, vì nó sẽ kích nổ và phá hủy kho tên lửa trong hầm phóng cũng như đạn trong pháo chính của con tàu.
Điều thú vị là sĩ quan Klimov cũng đã từng đưa ra những cảnh báo sau cuộc tấn công vào tháng 10/2022. Anh đã đề xuất nhanh chóng triển khai hệ thống phòng không hỗn hợp Pantsir-M/EM cho hải quân; chuyển giao các tàu tên lửa nhỏ lớp Odintsovo thuộc Dự án 22800 từ Hạm đội biển Baltic, nâng cấp trực thăng Ka-27 và Mi-14.
Tác động xấu đến thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc
Nga cũng tin rằng cuộc tấn công này nhằm cản trở Sáng kiến Biển Đen (BSI), được ký kết giữa Liên hợp quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, cho phép xuất khẩu ngũ cốc không bị cản trở từ các cảng do Nga và Ukraine kiểm soát.
Sau cuộc tấn công vào tháng 10/2022 của Ukraine, mà phía Nga gọi là "cuộc tấn công khủng bố", Liên bang Nga đã đình chỉ việc thực hiện thỏa thuận xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Nhờ sự đảm bảo của Thổ Nhĩ Kỳ và các cam kết bằng văn bản của Ukraine về việc không sử dụng hành lang nhân đạo và các cảng của Ukraine, cho các hoạt động thù địch chống lại Liên bang Nga, thỏa thuận đã được gia hạn trở lại".
Tuy nhiên các cuộc tấn công vào ngày 23/3 và ngày 24/4 vừa qua sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả đàm phán mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc sau ngày 18/5 sắp tới.