Tờ Strait Times (Singapore) ngày 31/5 cho hay, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng can thiệp vào vụ hải quân Indonesia bắt chiếc tàu cá Gui Bei Yu 27088 hôm 29/5.
Budi Amin, phát ngôn viên Chỉ huy Hạm đội Tây của Hải quân Indonesia, cho biết: "Tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận hải quân của chúng tôi và hỏi 'các anh đang làm gì với tàu của Trung Quốc?'
Chúng tôi đáp rằng chiếc tàu cá đã vi phạm luật pháp Indonesia và chúng tôi đang bảo vệ chủ quyền nước mình. Vậy là bọn họ bỏ đi."
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố tàu cá Gui Bei Yu bị Indonesia bắt ngày 29/5 hoạt động đánh bắt cá hợp pháp.
Bà Hoa nói: "Ngư dân Trung Quốc đang tiến hành hoạt động đánh bắt thông thường ở vùng biển thích hợp.
Chúng tôi đã có tuyên bố nghiêm khắc với Indonesia liên quan đến vấn đề này."
Tàu Gui Bei Yu bị Hải quân Indonesia bắt giữ với cáo buộc xâm nhập Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nước này, khu vực mà Jakarta đã khẳng định quyền khai thác và sử dụng tài nguyên biển.
Các nhà điều tra sẽ mất vài ngày thể thẩm vấn các thuyền viên Trung Quốc, hiện đang được tạm giữ ở căn cứ hải quân tại thành phố Ranai, thủ phủ của Natuna.
Ông Amin cho hay: "Chúng tôi sẽ giao họ cho Văn phòng công tố cùng các cơ quan liên quan nếu những người này được xác định là vi phạm luật pháp Indonesia. Họ cũng sẽ được tự do nếu không phạm pháp."
Chuẩn tướng S. Irawan, chỉ huy hải quân ở Tanjung Pinang, tỉnh Riau, Indonesia nói rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã "bảo vệ" tàu cá.
"Các loạt đạn cảnh cáo bằng súng cỡ nhỏ được bắn về bên trái và phải chiếc tàu cá Trung Quốc, nhưng thuyền viên của họ phớt lờ.
Họ không thèm quan tâm và tiếp tục chạy trốn trong khi được tàu hải cảnh bảo vệ. Tàu hộ vệ của chúng tôi truy đuổi và cuối cùng họ phải dừng lại chịu bị bắt," tướng Irawan nói.
Hôm 22/4 Hải quân Indonesia cũng bắt một tàu cá Trung Quốc có tên Hua Li 8 ở vùng biển phía Bắc tỉnh Sumatra. Chiếc tàu Trung Quốc này cũng bị Interpol truy nã ở Argentina vì "xâm phạm lãnh hải".
Trước đó, ngày 19/3, khi nhà chức trách Indonesia đang tiến hành bắt giữ và lai dắt một tàu cá Trung Quốc cùng 8 ngư dân ở gần quần đảo Natuna thì một tàu hải cảnh Trung Quốc cũng can thiệp để "cứu" tàu cá, làm leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Jakarta.