Vào một buổi sáng mùa đông, nhà thiết kế đồ họa cho phim hoạt hình 26 tuổi - Li Yining, đang run lẩy bẩy vì trời lạnh tại một cây cầu dành cho người đi bộ, hướng đến phía một ga tàu điện ngầm ở vùng ngoại ô Bắc Kinh. Anh quấn lấy chiếc áo khoác màu đen, theo dõi tin tức qua điện thoại và chậm rãi di chuyển về phía trước với hàng người dài 20m về phía lối vào nhà ga.
"Việc này quá mất thời gian", Li nói và chỉ tay về phía nhân viên an ninh đang sử dụng máy dò kim loại để kiểm tra mỗi hành khách trong sảnh nhà ga. Trong khi đó, vali, túi xách và tất cả các loại đồ dùng cá nhân đều nằm trên một băng chuyền di chuyển qua máy quét X-quang. Li chia sẻ: "Mỗi ngày tôi mất ít nhất 10 phút để chờ đợi và đi qua cổng kiểm tra an ninh."
Theo Hiệp hội Tàu điện ngầm Trung Quốc (CAM), hệ thống tàu điện ngầm của nước này là một trong những nơi đông đúc nhất thế giới, khi hệ thống ở Bắc Kinh và Thượng Hải phục vụ hơn 10 triệu hành khách mỗi ngày, gấp 3 lần so với London và gấp đôi New York. Tàu điện ngầm ở các thành phố lớn khác ở đại lục như Quảng Châu, Thâm Quyến, Thành Đô, Nam Kinh và Vũ Hán, cũng đón nhận hàng triệu lượt khách mỗi ngày.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt ở Trung Quốc.
Vì lượng người sử dụng hệ thống tàu điện ngầm rất lớn, nên Trung Quốc đã tăng cường quy định kiểm tra an ninh, khiến những người như Li phải chịu sự bất tiện. Nhiều hành khách không hề hài lòng với việc bị chậm trễ như vậy. Các nhà chức trách đã khắc phục tình trạng trên bằng cách sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt ở các ga tàu điện ngầm, nhưng lại vấp phải sự phản đối gay gắt vì lo ngại về quyền riêng tư.
Theo số liệu chính thức, chỉ riêng Bắc Kinh đã có gần 30 nghìn nhân viên bảo vệ tại 882 điểm kiểm soát ở các ga tàu vào năm 2018. Lực lượng này đã khiến chính quyền thành phố tiêu tốn khoảng 1,7 tỷ CNY (247 triệu USD) mỗi năm, tương đương 125 CNY (18 USD) từ mỗi người dân nộp thuế. Trong một cuộc khảo sát thực hiện năm 2016, các nhân viên an ninh cho biết họ đã tranh cãi với hành khách trung bình 4 lần/ngày.
Zhan Minghui, giám đốc Trung tâm Kiểm soát Giao thông Đường sắt Bắc Kinh, cho hay: "Có rất nhiều hành khách đến ga tàu ở Bắc Kinh mỗi ngày, tạo áp lực lớn cho công tác kiểm tra an ninh. Do đó, công nghệ nhận dạng khuôn mặt là một cách giúp quá trình đó hiệu quả hơn."
Hành khánh xếp hàng chờ kiểm tra an ninh ở ga tàu điện ngầm.
Tháng 11 vừa rồi, Bắc Kinh cùng hơn 10 thành phố khác ở Trung Quốc cùng thử nghiệm hệ thống nhận dạng khuôn mặt - vốn được sử dụng nhiều trong nhiều ứng dụng thương mại và các bộ an ninh công cộng. Việc thử nghiệm đang được tiến hành tại một số trạm kiểm tra trong nhà ga trung tâm Bắc Kinh.
Động thái này đã nhận được rất nhiều ý kiến phản đối, khiếu nại về vi phạm quyền riêng tư. Lao Dongyan, giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa, viết trong một bài đăng trên blog cá nhân: "Càng ngày tôi càng thấy bối rối vì sự đầu tư bất tận vào các biện pháp an ninh. Tôi từng tin rằng những người như tôi là trọng tâm của sự bảo vệ. Tuy nhiên, hiện tại tôi cảm thấy chúng tôi là mục tiêu của những biện pháp an ninh và kiểm soát."
Hệ thống tàu điện ngầm của Trung Quốc bắt đầu hoạt động từ những năm 1960, nhưng có gần 3.800km mới được mở rộng thêm trong thập kỷ qua. Hệ thống giám sát an ninh thường xuyên đầu tiên phải đến Olympic năm 2008 mới được vận hành, nhằm tăng cường an ninh khi quốc gia này tổ chức sự kiện.
Tuy nhiên, không những hầu hết những thành phố khác từng đăng cai tổ chức Olympic, hệ thống này lại bị "bỏ rơi" sau khi sự kiện kết thúc. Việc tăng cường kiểm tra an ninh được thực hiện một phần theo bộ luật chống khủng bố Trung Quốc ban hành năm 2016, 2 năm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố kế hoạch mở rộng hệ thống giám sát an ninh quốc gia.
Các ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh phục hàng triệu khách mỗi ngày.
Feng Wei - một giáo sư tại Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, nhận định: "Xuất phát điểm của động thái này là tránh những cuộc tấn công khủng bố. Trung Quốc đang ở trong quá trình thay đổi xã hội đầy rủi ro và phức tạp hơn nhiều so với quốc gia khác."
Tuy nhiên, Raymond Wang - giám đốc của công ty luật Anli Partners, cảnh báo về trường hợp lạm dụng các công nghệ mới trong các hệ thống giám sát an ninh. Wang cho hay: "Thật kinh hoàng khi hệ thống nhận diện khuôn mặt được kết nối với cơ sở dữ liệu lớn về thông tin giao dịch, hành vi và sinh học cá nhân, tất cả mọi thông tin đều bị tiết lộ."
Quay trở lại với Li - nhà thiết kế đồ họa cho phim hoạt hình. Cuối cùng, anh đã có thể cầm chiếc ba-lô, đặt lên máy quét X-quang và đi thẳng tới nơi chờ tàu. Lúc đầu, Li tỏ ra không hài lòng khi nhắc tới hệ thống nhận diện khuôn mặt, nhưng sau đó anh nói: "Nếu nó không mất thời gian thì tôi sẽ thử."
Li chia sẻ thêm: "Mỗi phút, thông tin của chúng tôi có thể bị rò rỉ từ tất cả các loại ứng dụng. Tôi nói gì trên mạng xã hội, khi nào tôi đến và rời ga tàu, tôi đi đâu, ăn gì, xem gì... đều bị tiết lộ, nhưng điều đó không khiến tôi khó chịu nếu họ có thêm thông tin."
Tham khảo SCMP