Năm 2019 là một năm đầy thách thức.
Đối với hầu hết các công ty công nghệ trên thế giới, nó đã kết thúc vào ngày 31/12. Nhưng ở Trung Quốc, vẫn còn một cửa ải cuối cùng cần phải trải qua, đó chính là buổi họp thường niên cuối năm, hay còn gọi là Year End Party (YEP), trước đợt nghỉ Tết Âm lịch.
Ở Trung Quốc năm qua, thị trường chứng kiến cuộc chiến trong im lặng nhưng không kém phần khốc liệt giữa các nền tảng phát sóng trực tiếp cũng như trong lĩnh vực thương mại điện tử, với cái kết cho kẻ thua cuộc là phá sản hoặc bị mua lại. Ngành công nghiệp thuốc lá điện tử cũng trải qua một thời kỳ đỉnh cao và đang nhanh chóng hạ nhiệt, hay nói cách khác là đối mặt với giông bão. Các công ty điện thoại di động thì tiếp tục vật lộn để chuẩn bị thay đổi trước thềm kỷ nguyên 5G.
Nhưng đó là vấn đề với các CEO hay chủ doanh nghiệp. Còn với người lao động, họ cũng có vấn đề của riêng mình. Trước đây, các công ty Internet có phúc lợi tốt và lương cao, nhưng nay, thông tin thường xuyên được nghe thấy lại là về việc sa thải, thu hẹp phúc lợi và làm thêm giờ.
Và trong bối cảnh một mùa đông công nghệ lạnh lẽo như vậy, giá trị của một hội nghị thường niên càng được thể hiện. Các buổi YEP và giải thưởng cuối năm lớn có thể thúc đẩy nhân viên trong nội bộ có động lực hơn, cũng như khiến các công ty đối thủ phải đánh giá lại tiềm năng. Còn các hội nghị thường niên nghèo nàn, từ cách tổ chức tới giải thưởng, thì sẽ gây ra dư luận xấu, thậm chí khiến nhân viên chán nản. Có thể nói với các công ty công nghệ Trung Quốc, cuộc gặp gỡ thường niên cuối năm chính là chương trình tạo ra giá trị quan trọng nhất của một công ty.
Năm ngoái, CEO của công ty thương mại điện tử Youzan đã công bố hệ thống làm việc 996 cũng như đưa ra kế hoạch tiết giảm ngân sách. Nó ngay lập tức gây ra một luồng dư luận xấu trong cả nội bộ công ty lẫn bên ngoài. Còn Xiaomi, nổi lên như một gương mặt khả ái, khi trao tặng 16 chiếc xe hơi Xiaopeng G3 cho các nhân viên làm giải thưởng cuối năm, khiến người người ngưỡng mộ. Nhưng không chỉ là một buổi trao thưởng, phía sau các cuộc họp thường niên này, còn cất giấu vô số âm mưu quỷ kế, tranh người đoạt lợi giữa các công ty đối thủ của nhau, mà không phải người trong cuộc nào cũng nắm rõ.
Dưới đây là một số buổi YEP đáng chú ý, nổi bật và phần nào hé lộ cho mọi người một cái nhìn tổng quát về văn hóa doanh nghiệp của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tiền mặt và iPhone, sự phô trương của thành công và lợi nhuận
Quà tặng tại hội nghị thường niên năm 2020 của Momo - một ứng dụng mạng xã hội miễn phí kiêm nhắn tin di động - khá bắt mắt.
Đó là những chiếc điện thoại di động sang chảnh mang thương hiệu Apple. Theo một email được tiết lộ công khai từ bộ phận hành chính của Momo, gửi cho tất cả nhân viên, có nêu rõ: "Lễ hội mùa xuân đang đến gần và cuộc họp thường niên sắp diễn ra. Mỗi nhân viên chính thức làm việc trước ngày 31/3/2019 đã được chuẩn bị một món quà. Đó là iPhone11 256G."
Từng chồng iPhone 11 làm quà tặng cho nhân viên.
Theo giá bán chính thức từ Apple, iPhone 11 bản 256G có giá khoảng 23 triệu đồng và dựa trên số lượng nhân viên thì Momo đã phát tặng khoảng 4.000 chiếc điện thoại di động. Tổng số tiền công ty này bỏ ra vào khoảng 92 tỷ đồng.
Một công ty khác cũng chi bạo tay là gã khổng lồ công nghệ Tencent.
Nhóm phụ trách thanh toán WeChat đã giành giải thưởng từ người sáng lập công ty với số tiền thưởng là 200 triệu nhân dân tệ, tức là khoảng 672 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được chia ra cho khoảng 1.000 người trong bộ phận, tức là mỗi người sẽ nhận được khoảng 672 triệu đồng. Và đây chỉ là khoảng thưởng riêng từ người sáng lập công ty, chưa bao gồm khoản thưởng cuối năm. Một thông tin ngoài lề sau đó cho biết giải thưởng cuối năm của nhóm thanh toán WeChat là 10 tháng lương.
Ngoài ra, Tencent cũng xác nhận với truyền thông rằng nhóm Tencent Cloud đã hoàn thành mục tiêu doanh thu 10 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019. Do đó, mỗi thành viên của nhóm Tencent Cloud và TEG (Tập đoàn Kỹ thuật Công nghệ Tencent) đã nhận được phần thưởng là điện thoại di động iPhone 11 Pro. Hơn 8.000 người đã được trao giải.
Giám đốc quan hệ công chúng Tencent, Zhang Jun, công khai xác nhận tin tức thưởng Tết.
"Kim bài miễn tử" - món quà Tết gây tranh cãi
Nhưng không phải tất cả các cuộc họp thường niên đều mang lại niềm vui và tiền bạc. Ví dụ như Qihoo 360, nền tảng Internet nổi tiếng ở Trung Quốc. Giải thưởng đặc biệt của công ty cuối năm nay là một thứ gây nhiều tranh cãi.
Vào ngày 8/1, Zhou Hongyi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty, đã công bố rằng rằng giải thưởng đặc biệt của cuộc họp thường niên năm nay là các "kim bài miễn đuổi việc". Cụ thể hơn, đó là một tấm vé, cho phép người sở hữu sẽ... không bị công ty sa thải. Thời hạn hiệu lực là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020. Nó chỉ dành riêng cho cá nhân và không thể giao dịch.
Cách tiếp cận của Qihoo 360 ngay lập tức thu hút rất nhiều sự chú ý và nhiều cư dân mạng đã lên tiếng phản đối chỉ trích. Một số người thậm chí còn liên tưởng tới việc tấm vé này không khác gì việc một nhân viên có thể bị đuổi việc tới 2 lần, nhưng thoát được 1 lần do có kim bài ứng phó.
Đáp lại dư luận, đại diện công ty sau đó đã trả lời: "Qihoo 360 hiện không sa thải ai và cũng không có kế hoạch sa thải. Thực tế, bài viết của Zhou Hongyi chỉ là một trò đùa hài hước, để khuyến khích sự đổi mới và thử nghiệm những thứ táo bạo không ngại sai sót."
Trên thực tế, đằng sau những tranh cãi sa thải do Qihoo 360 gây ra chính là việc nhiều công ty Internet phải giảm ngân sách vì sự suy thoái kinh tế. Song song với việc sa thải, các công ty cũng khó có thể tuyển dụng được những nhân tài phù hợp để phát triển.
Trước đó, một headhunter (người chuyên săn tìm nhân sự cấp cao) đã tiết lộ trên một nền tảng xã hội rằng anh ta đã có dịp đi ăn với một nhóm doanh nhân. Khi nói về cách "đào" người, những lời nói của một doanh nhân đã thu hút sự chú ý của anh ta:
"Có thể làm như thế này. Hãy cử ai đó lặng lẽ tham dự cuộc họp thường niên của các công ty ngang hàng để xem họ trao giải nhân viên xuất sắc thế nào. Hãy lấy một cuốn sách nhỏ và viết ra một danh sách. Sau đó hãy xem các giải thưởng và màn bốc thăm may mắn cuối năm của các công ty này. Giải thưởng của các công ty nào đặc biệt làm nhân viên nản lòng. Hãy viết ra danh sách mọi thứ."
Anh nhận định rằng rõ ràng "đào" người sau cuộc họp thường niên cuối năm là một chiêu lợi hại. Bởi nó không chỉ có thể tiết kiệm một khoản phí săn đầu người lớn mà lợi dụng sự mất động lực của các nhân sự cấp cao sau màn trao thưởng của công ty hiện tại. Tỷ lệ thành công trong việc chiêu mộ các nhân sự tài năng cũng rất cao.
Tuy chỉ là một thủ đoạn không minh bạch cho lắm, nhưng nó cũng cho thấy tác động của một sự kiện hàng năm đối với việc giữ chân nhân viên của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Rượu chè và những câu chuyện dở khóc dở cười
Cuộc họp thường niên thường là một bữa tiệc lớn và đương nhiên không thể thiếu chuyện uống rượu, chuốc nhau say mèm. Trong nhiều năm qua, cả hai gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com và Alibaba đều có tiền lệ.
Với JD, phong cách chung là "uống bát rượu lớn, ăn miếng thịt to". Còn ở Alibaba, Jack Ma có thói quen giới thiệu các hũ rượu tự chế của mình tại cuộc họp thường niên. Nhưng năm nay, sân khấu thuộc về Oppo. Công ty này đã quyết định "chơi lớn" trong việc uống rượu.
Vào tối ngày 13/1, một hình ảnh đặc biệt xuất hiện trên Internet. Nó cho thấy OPPO đã thiết lập một "khu vực tỉnh táo" trong YEP của mình. Đó là nơi các nhân viên say rượu đang nằm trên chiếu để truyền dịch.
Người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của OPPO nói với truyền thông rằng công ty đã thiết lập một "khu vực tỉnh táo", nhằm giúp nhân viên hồi phục sau cơn say, tất cả là vì sự an toàn và sức khỏe.
"Có 15.000 người tại cuộc họp thường niên và mọi người đều vui vẻ uống thêm vài ly. Oppo không có văn hóa chè chén và công ty cũng không khuyến khích nhân viên uống. Nhưng nếu bạn uống quá nhiều, công ty sẽ chăm sóc bạn", người đại diện cho biết.
"Khu vực tỉnh táo" được thành lập trong YEP của Oppo.
Tuy nhiên, đằng sau cuộc chè chén cuối năm, vẫn là những báo cáo tài chính không mấy suôn sẻ của Oppo trong năm 2019. Là một nút thắt trong giai đoạn chuyển đổi 5G, hiệu suất kinh doanh của OPPO trên thị trường điện thoại di động không gây nhiều chú ý. Trong khi Huawei nỗ lực đánh chiếm thị trường, Oppo không thể hiện và tận dụng được những lợi thế của mình, liên tục bị đối thủ chèn ép. Công ty đang bị tụt giảm ở thị phần smartphone phân khúc tầm trung, vốn từng là thế mạnh.
Trong nửa đầu năm 2019, Oppo đã thực hiện một loạt thay đổi, ra mắt loạt sản phẩm mới, thay thế logo bằng một cái mới... nhưng kết quả không quá khả quan. Dữ liệu được công bố của Canalys cho thấy lô hàng điện thoại của Oppo trong quý 3/2019 không tăng, thậm chí giảm mạnh.
Năm 2020 sẽ là một năm đầy thách thức đối với công ty điện thoại này. Ngoài các nhân viên tham gia cuộc họp thường niên, Oppo còn mời tới các đại diện đại lý từ nhiều nơi. Nhưng sau chén rượu vui, công ty sẽ dựa vào đâu để lấy lại thị trường?
Trong một diễn biến khác, một doanh nghiệp nhà nước đã bị điều tra sau khi sử dụng rượu Mao Đài (quốc tửu của Trung Quốc) trong bữa tiệc tất niên, được tổ chức tại khách sạn 5 sao ở Thâm Quyến. Khoảng 23.000 USD tiền rượu đã được chi ra, khiến cư dân mạng ngạc nhiên và các cơ quan thuế phải đặt nghi vấn. Đó là chưa kể bàn tiệc với giá 5.000 nhân dân tệ (khoảng 16 triệu) một bàn với các món ăn như bào ngư và hải sâm. Và sau đó, ủy ban kiểm tra kỷ luật của thành phố đã mở một cuộc điều tra về tình hình kinh doanh của công ty này.
Trên thực tế, cuộc họp thường niên của các công ty công nghệ không chỉ là sự tập hợp của các nhân viên nội bộ, mà còn sự kiện gây chú ý với bên ngoài. Nó phản ánh sự phát triển của công ty trong năm trước đó, ở một mức độ nhất định, cũng như ảnh hưởng đến sự lựa chọn của các nhân sự cấp cao trong mùa tuyển dụng sau dịp nghỉ Tết.
Sau cuộc họp thường niên, có hay không chuyện vượt qua khó khăn để duy trì và phát triển, hay chấp nhận số phận và nghịch cảnh, là câu hỏi mà mọi công ty đều phải xem xét tới.
Tham khảo iFeng