Cả cơ quan quốc phòng Đài Loan và Lầu Năm Góc đã lên tiếng xác nhận về việc 2 tàu chiến của hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm 22/10. Theo Mỹ, đây là hoạt động “bình thường” của hải quân nước này. Trong khi Đài Loan khẳng định hòn đảo này đủ năng lực để bảo vệ an ninh trên biển và trên không quanh eo biển Đài Loan.
Cũng trong ngày 22/10, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Đại tá Rob Manning cho biết, “vào sáng sớm nay, các tàu USS Curtis Wilbur và USS Antietam đã đi qua eo biển Đài Loan và hành động này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.
“Hai tàu chiến của hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan. Hành động này nhằm thể hiện cam kết của Mỹ trong việc duy trì tuyến đường biển mở và tự do ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Reuters dẫn lời phó phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Tư lệnh Nate Christensen phát biểu hôm 22/10.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay, Mỹ điều động tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Trước đó, hồi tháng Bảy, 2 tàu khu trục USS Mustin và USS Benfold của hải quân Mỹ cũng đã thực hiện hành trình di chuyển qua eo biển Đài Loan.
Còn trong lần thứ hai, Mỹ đã đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam đi qua eo biển Đài Loan. Đây là 2 tàu chiến thuộc "hàng khủng" của hải quân Mỹ.
Cụ thể, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur được trang bị 90 ống phóng thẳng đứng có thể mang theo tới 90 tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk với tầm bắn là 2.500 km. Tàu có chiều dài 154 m, rộng 20 m, mớn nước 9,4 m, lượng giãn nước toàn tải 9.000 tấn, thủy thủ đoàn 280 người.
Hỏa lực mạnh nhất trên tàu là 90 ống phóng thẳng đứng Mk41 với 29 ở phía trước và 61 ở phía sau. Mk41 có thể phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk có tầm bắn 2.500 km, tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.
Trong khi đó, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam thuộc biên chế Hạm đội 7 đóng tại căn cứ Yokosuka của Nhật Bản. USS Antietam thuộc lớp Ticonderoga là lớp tuần dương hạm duy nhất được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất có tầm bắn trên 1.500 km.
Theo ông Manning, trong khi các tàu di chuyển, Mỹ "duy trì sự phối hợp và liên lạc với các nước, cơ quan chức năng và các bên thích hợp. Bộ Quốc phòng Mỹ không cố tình làm gia tăng căng thẳng hay bất cứ sự leo thang nào".
Còn theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Christopher Logan, cơ quan này “không nhận được bất cứ thông tin nào về hoạt động áp sát hoặc đối đầu nguy hiểm từ tàu chiến Trung Quốc” trong quá trình 2 tàu chiến của hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào đại lục nếu cần thiết. Kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, Trung Quốc không ngừng gia tăng sức ép cả mặt trận ngoại giao lẫn quân sự để buộc Đài Loan từ bỏ ý định giành độc lập.
Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam của hải quân Mỹ.
Dù không thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng nhiều năm qua, Mỹ đã có những hành động hỗ trợ đảm bảo an ninh cho Đài Bắc cũng như trở thành nguồn cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo này. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá hơn 15 tỷ USD kể từ năm 2010.
Hồi tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nhấn mạnh, Mỹ “cần sửa chữa sai lầm và dừng các hoạt động liên lạc chính thức và quan hệ quân sự cũng như mua bán vũ khí với Đài Loan”.
Ông Lu còn khẳng định, Mỹ cần dừng ngay các hành động “ủng hộ lực lượng giành độc lập ở Đài Loan” nếu như không muốn làm xấu thêm mối quan hệ giữa Mỹ - Trung cũng như tình hình ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trước đó, bên lề Hội thảo an ninh châu Á hôm 18/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhắn nhủ tới Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa về việc chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Đài Loan là không thay đổi.
“Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa đã nhắc tới vấn đề Đài Loan và chính sách ngoại giao của Mỹ. Bộ trưởng Mattis khẳng định rằng, Mỹ không thay đổi chính sách với Đài Loan và cả chính sách một Trung Quốc”, ông Randall Schriver, Trợ lý phụ trách chính sách ở châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.