Thông tin trên do hãng RT (Nga) trích dẫn từ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Michael Stempfle hôm 28-2.
Vụ tàu hộ vệ tên lửa Đức khai hỏa nhắm vào máy bay không người lái (UAV) của Mỹ xảy ra đêm 26-2. Khi đó, chiến hạm Đức đang làm nhiệm vụ tuần tra trên biển Đỏ đã phát hiện UAV và coi đây là mục tiêu khả nghi của Houthi, do không nhận được hồi đáp tín hiệu nhận diện.
Thủy thủ tàu Đức cũng liên lạc với các quốc gia đồng minh nhằm xác định lực lượng vận hành UAV nhưng không có kết quả. Họ quyết định khai hỏa 2 tên lửa phòng không tầm xa SM-2 về phía mục tiêu.
Dù phóng tên lửa trị giá 2 triệu USD/quả nhưng cả 2 đều trượt mục tiêu UAV và rơi xuống biển. "Sự việc kết thúc khi chúng tôi xác định được đó không phải UAV thù địch" - phát ngôn viên Stempfle cho biết.
Theo blog quân sự Đức Augen Geradeaus, UAV nói trên là UAV trinh sát MQ-9 Reaper của Mỹ đang làm nhiệm vụ tại Trung Đông. "Hai tên lửa SM-2 trượt mục tiêu do trục trặc kỹ thuật" - blog Augen Geradeaus khẳng định.
RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius sau đó cũng xác nhận thông tin này. Ông nói với các phóng viên khi đến thăm một căn cứ quân sự ở Bavaria rằng tàu hộ vệ Hessen khai hỏa nhưng "không bắn trúng mục tiêu khả nghi".
Mỹ và một số đồng minh thời gian qua đã điều tàu chiến tới biển Đỏ và vịnh Aden trong nỗ lực ngăn chặn lực lượng Houthi ở Yemen tấn công vào huyết mạnh vận tải biển toàn cầu.
Houthi tuyên bố sẽ còn tiếp tục tấn công các mục tiêu trên biển Đỏ chừng nào xung đột tại Dải Gaza vẫn tiếp diễn.
Tàu chiến Hessen đêm 27-2 cũng khai hỏa pháo 76 mm và tên lửa tầm ngắn RIM-116, đánh chặn thành công 2 UAV của Houthi trong khu vực. Khi bị bắn hạ, các UAV được cho là đã tiếp cận khá gần chiến hạm Đức.
Hessen là một trong ba chiếc thuộc lớp tàu hộ vệ phòng không tối tân Sachsen do Đức phát triển, được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình trước radar đối phương.
Mỗi tàu hộ vệ Hessen được trang bị hệ thống radar cảnh giới SMART-L và điều khiển hỏa lực APAR, cho phép phát hiện và đánh chặn nhiều loại mục tiêu, bao gồm máy bay tàng hình và tên lửa hành trình.
Tàu hộ vệ tên lửa Đức được mô tả sở hữu hỏa lực không thua kém các tàu khu trục của Mỹ.
Vũ khí chính của nó là 24 tên lửa phòng không tầm xa SM-2 Block IIIA do Mỹ sản xuất, mỗi quả có giá xuất xưởng khoảng 2 triệu USD và tầm bắn khoảng 160 km.