Đài RT dẫn lời người phát ngôn Hải quân Venezuela cho biết sự cố xảy ra cách đó 1 ngày. Tàu USCGC James - một trong những tàu được trang bị công nghệ tiên tiến nhất của Cảnh sát biển Mỹ - khi ấy đang di chuyển về phía cảng chính La Guaira của Venezuela.
Vào thời điểm con tàu cách bờ biển Venezuela khoảng 14 hải lý (25 km), Caracas đã triển khai một tàu tuần tra để ngăn chặn. Sau khi hai bên liên lạc qua vô tuyến, tàu USCGC James đồng ý quay trở lại.
"Tàu USCG James được yêu cầu thay đổi hành trình và rời khỏi vùng biển thuộc quyền tài phán của chúng tôi. Yêu cầu đã được tuân thủ" - Hải quân Venezuela xác nhận.
Trước đó 1 ngày, Hải quân Venezuela phát hiện ra con tàu lúc nó đi qua vùng đặc quyền kinh tế của nước này nên gửi tàu tuần tra theo dõi.
Vùng lãnh hải của một quốc gia có phạm vi 12 hải lý, trong khi vùng tiếp giáp với một khu vực khác – trong đó một quốc gia được quyền kiểm soát hạn chế nhằm ngăn chặn các hành động xâm phạm – kéo dài 24 hải lý. Trong khi đó, vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia kéo dài tới 200 hải lý.
Đặc phái viên Venezuela tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), Samuel Moncada, sau đó lên án hành động của tàu Mỹ là "sự khiêu khích rõ ràng nhằm kích động tình trạng bất ổn".
USCGC James hiện phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển Mỹ. Ảnh: Wikipedia
USCGC James hiện phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển Mỹ. Con tàu được trang bị các thiết bị trinh sát và giám sát hiện đại.
Theo Hải quân Mỹ, USCGC James còn đóng vai trò như bộ chỉ huy cho các cơ quan thực thi pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc gia liên quan đến Cảnh sát biển Mỹ cùng nhiều cơ quan đối tác khác.
Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ (SOCOM) hôm 7-5 cũng thông báo tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ, Comfort, sẽ được triển khai vào tháng tới ở Tây Bán cầu để hỗ trợ các nước trong khu vực đối phó với cuộc khủng hoảng ở Venezuela. SOCOM cho biết Comfort sẽ tới vùng biển Caribbean, Trung Mỹ và Nam Mỹ để thực hiện sứ mệnh hỗ trợ y tế nhân đạo.