Tất cả đều đúng nhưng lại có điều gì đó rất sai?

Bùi Hải |

Nếu ở Việt Nam có cặp cha con nào đó làm Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước, thì chắc chắn trong đầu của 99% cư dân mạng sẽ nổi lên hai chữ "hậu duệ".

Nhưng 99% người Việt ấy lại ngưỡng mộ vô cùng các cặp cha con Tổng thống ở Mỹ, cha con Thủ tướng ở Ấn Độ, Singapore.

Điều gì đúng và điều gì sai?

1. Mọi con đường đều dẫn đến… phong thủy?

Câu chuyện về 8 người trong đại gia đình làm lãnh đạo một tỉnh rất nghèo như Hà Giang gợi cho chúng ta nhiều câu hỏi đúng – sai không dễ trả lời.

Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh khẳng định: "Tôi không chỉ đạo đề bạt, bổ nhiệm người nhà","8 người thân của tôi đều được bổ nhiệm đúng quy trình".

Câu hỏi thứ nhất: Kể cả khi ông Bí thư không tác động gì vào quy trình lựa chọn nhân sự, thì người đề xuất bổ nhiệm – cấp dưới của Bí thư - sẽ chọn ai: Người thân của sếp hay ứng viên bình thường, dù hai người này có trình độ, năng lực như nhau?

Đã xảy ra một gia đình dân thường nào có chừng ấy người làm lãnh đạo chưa nhỉ?

Bí thư Vinh kể mình đã từng ngăn cản việc bổ nhiệm nhiều người trong gia đình làm lãnh đạo, nhưng cuối cùng việc bổ nhiệm vẫn diễn ra "vì năng lực của chính nhân sự" và vì nhu cầu của địa phương.

Tất cả đều đúng nhưng lại có điều gì đó rất sai? - Ảnh 1.

Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh. Ảnh: Báo Hà Giang.

Câu hỏi thứ hai: Vì sao nhiều cấp ở Hà Giang đã làm trái với nguyện vọng của ông Vinh (khi chưa là Bí thư) và làm trái với ý kiến của người to nhất tỉnh? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra một câu hỏi rất hay: "Ông Bí thư tỉnh đã quyết không bổ nhiệm thì ai dám trái ý?".

Câu hỏi thứ ba: Theo luật, ông Vinh lấy quyền gì để ngăn cản bước tiến của một người khác, kể cả những người ấy là ruột thịt của ông, nếu những người ấy xứng đáng?

Bà Triệu Thị Tình, quyền Giám đốc Sở VH – TT - DL, một họ hàng của ông Vinh đã nói: "Thực sự, nhiều khi tôi vẫn nói, nếu mang họ khác không phải họ Triệu thì có khi tôi đã ở vị trí khác, có thể là tốt hơn chứ không phải ở vị trí này".

Dù không nhiều cư dân mạng tin điều này, thì một vấn đề cũng rất cần được đặt ra: Nếu công tác cán bộ, dựa trên sự ngăn cản hoặc vun vào của một vài người, chứ không phải sự sàng lọc khắt khe của một hệ thống, thì rất dễ xảy ra chuyện lạm quyền, và chuyện "đúng quy trình" luôn chỉ là hình thức.

>>> Xem thêm những bài viết cùng tác giả Tại Đây

Tác giả Bùi Hải

Câu hỏi thứ 4: Nếu Hà Giang thiếu "cán bộ giỏi có họ khác họ Triệu" đến độ buộc phải bổ nhiệm nhiều người họ Triệu, dù đã có sự ngăn cản của ông Vinh, thì lỗi thuộc về ai?

Câu hỏi thứ 5: Nhiều người lên Hà Giang, đều có thể thấy Bí thư Triệu Tài Vinh được coi là năng nổ, xốc vác, gần dân.

Dù thế, vẫn phải đặt câu hỏi: Nếu lãnh đạo tỉnh có nhiều người thuộc một gia đình, thì yếu tố phản biện, đa chiều của bộ máy sẽ ra sao? Khi ông anh ra quyết định nào đó chưa hợp lý, các em có phản biện?

Bất cứ ai cũng khó tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho 5 câu hỏi trên, nên trước trường hợp đặc biệt hiếm này, họ đành đổ cho… phong thủy.

Câu chuyện đúng sai này có thể các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, có thể sẽ chìm lắng trong thác lũ thông tin mỗi ngày, nhưng có một điều chắc chắn xảy ra: Dù kết luận đúng sai thế nào thì sự hoài nghi của xã hội cũng đã leo lên một tầng nấc mới.

2. Nếu đúng cả thì sao xã hội lại phẫn nộ và đau đớn như vậy?

Khi thi thể tím tái của người phụ nữ khốn khổ Lò Thị Phanh "được chở đi dưới ánh mặt trời suốt 70km" bằng cách buộc sau xe máy, tất cả đều phẫn nộ và đau đớn, nhưng tìm mãi vẫn không thấy ai sai, ai có lỗi.

Phía bệnh viện đưa ra "lý do đúng": Người nhà nhất quyết xin xuất viện và bệnh nhân chết trên đường. "Nếu gia đình đề nghị, bệnh viện sẽ có xe chở về, chứ ai lại để như thế".

Người nhà đưa ra "lý do đúng": Nghèo. Không tiền nên không thể thuê ô tô chở xác.

Ai ở trong hoàn cảnh quanh năm rỗng túi như họ mới hiểu những quyết định liên quan đến tiền triệu, khó khăn đến nhường nào. Tiền thuê một chuyến xe cho người chết bằng cả năm nuôi nhiều người sống.

Dường như tất cả đều đúng. Nhưng nếu đúng cả thì sao xã hội lại phẫn nộ như vậy và đau đớn như vậy?

Tất cả đều đúng nhưng lại có điều gì đó rất sai? - Ảnh 4.

Bác sĩ phẫn nộ: Việc xin người bệnh ra viện không phải lỗi của bệnh viện. Người nhà đã dùng quyền tối cao của họ để bác sĩ không thể tiếp tục chữa cho bệnh nhân.

Việc chính của bác sĩ là cứu người chứ không phải là từ thiện. Áp lực công việc và đồng lương còm cõi đã khiến họ chật vật lắm rồi.

Nhà làm văn hóa phẫn nộ: Nghĩa tử là nghĩa tận, tại sao người thân không vận động ủng hộ để có xe đưa thi thể trong hành trình cuối cùng của khổ đau?

Nhà xã hội học phẫn nộ: Chiếc xe chở thi thể ấy đã đi qua "trót lọt" trước bao nhiêu con mắt vô cảm và lạnh lẽo tình đồng loại của người đi đường.

Và người nghèo, đông đảo hơn thì phẫn nộ: Tại sao vẫn có nhiều người phải sống cơ cực hoặc bên lề một xã hội tràn ngập siêu xe, đồ hiệu xa xỉ và đại án ngàn tỉ?

Tất cả những phẫn nộ ấy đều đúng, chỉ có điều sau hàng loạt cái đúng ấy, điều rất sai vẫn xảy ra. Tấm ảnh chụp nhanh đôi chân tím ngắt thò ra khỏi manh chiếu bó sau xe máy ấy, như một nhát dao của sát thủ vô hình, lạnh lùng xọc thẳng vào lương tâm xã hội.

Trong sự kiện ấy, dường như chỉ có người nhà của "thi thể được chở đi dưới ánh mặt trời" ấy, là không phẫn nộ.

Khi người cha khắc khổ 77 tuổi Lò Văn Pe ôm người con gái lạnh ngắt bên đường, mơ đến một chiếc ô tô chở xác con nhưng đành sực tỉnh sờ đến hầu bao, ông không hề phẫn nộ.

Kể cả khi dẫn phóng viên đến căn chòi rách nát sau ngôi nhà rách, nơi xích cậu con trai tâm thần bao nhiêu năm nay, ông Pe cũng không phẫn nộ.

Sở dĩ những người quá nghèo, quá khổ vẫn sống được trên đời, là vì họ biết cam chịu.

Ai thường xuyên phẫn nộ với cuộc sống, phẫn nộ với chính mình sẽ dễ tìm đến một kết cục nhanh chóng hơn, để giải thoát.

Khi có một người tự tử vì quá nghèo, cả xã hội bức xúc và lên án. Nhưng câu hỏi ai đúng, ai sai, ai phải chịu trách nhiệm vẫn treo lơ lửng cho đến khi có một mạng sống tiếp theo "tự nguyện" lìa đời.

3. Nghiệm thu mạng sống

Tấm hình chị Trần Thị Hồng ngồi bệt trên sỏi đá bờ sông Bung nước đỏ quạch phù sa, chắp tay khấn nguyện, có sức ám ảnh lớn.

Chị Hồng là em họ anh Đặng Văn Tuyền, công nhân lái máy xúc bị dòng lũ dữ sông Bung cuốn đi khi đang thi công.

Sự cố vỡ ống dẫn dòng Thủy điện sông Bung 2 diễn ra sau khi nó được Hội đồng nghiệm thu Tập đoàn điện lực Việt Nam nghiệm thu đúng 19 ngày.

Theo máy quan trắc, thời điểm xảy ra sự cố, lòng hồ thủy điện Sông Bung 2 chỉ có 28 triệu m3 nước, trong khi đó dung tích của hồ chứa thủy điện này là 94 triệu m3.

Việc thi công và nghiệm thu tai ác này, có thể vẫn rất "đúng quy trình" nếu cơn lũ tai quái không đột ngột đến một cách… sai quy trình.

Cái sai chắc chắn xảy ra ở đâu đó, sẽ được đổ tất cả lên mạng sống của thảo dân và tiền bạc của Nhà nước.

Những người đọc tin về sự cố đều phẫn nộ. Chẳng hiểu chị Hồng có biết chi tiết ấy không, nhưng chị - giống như ông Lò Văn Pe - không phẫn nộ, không oán trách ai.

Chị Hồng chỉ cầu xin ông trời có mắt để người ta tìm thấy thi thể anh mình. Nếu tìm được, thì kể cả đưa anh Tuyền về bằng ô tô hay xe máy, chắc gia đình chị cũng được an ủi thêm chút ít.

Nếu tìm được thi thể anh Tuyền, có Hội đồng nào cúi đầu nhận trách nhiệm? Có Hội đồng nào được thành lập để nghiệm thu mạng sống?

Tất cả đều đúng nhưng lại có điều gì đó rất sai? - Ảnh 5.

Chị Trần Thị Hồng ngồi bệt trên sỏi đá bờ sông Bung.

4. Một vụ án = 300 năm miễn thuế

Trước khi có tiếng trống lệnh của Tổng Bí thư thì Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh vẫn luôn là những "đồng chí" có năng lực tốt, phẩm chất tốt, nhiệt tình, sáng tạo.

Đánh giá này được đưa ra bởi những cơ quan to, nhân vật to, chứ không phải nhận xét của các đồ đệ và hậu duệ. Tóm lại, chẳng có gì sai cả.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh của Quốc hội, thượng tướng Võ Trọng Việt đã có một phép tính đơn giản:

Đại án Phạm Công Danh làm thất thoát 9.000 tỉ = 300 năm miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; vụ Trịnh Xuân Thanh = 100 năm (mỗi năm cả nước miễn 34 tỉ đồng thuế sử dụng đất nông nghiệp).

Thượng tướng Việt nói: "Nếu ta làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thì số tiền miễn thuế cho người nông dân chưa là gì".

Ai cũng biết phép toán đó đúng, rất đúng. Nhưng điều sai lại nằm ở chỗ khác: Biết bao giờ những bài toán ấy mới được giải trong cuộc sống?

Khi chắp tay cầu khẩn, chị Hồng không cầu khẩn điều gì kỳ diệu, mà chỉ mong điều đơn giản nhất: Tìm được thi thể anh họ.

Tôi tin nhiều người "không phải họ Triệu" ở Hà Giang; những người cùng khổ như chị Phanh, ông Pe, những nông dân nghèo được miễn thuế và những người ca ngợi cặp cha - con làm tổng thống Mỹ nhưng lại phẫn nộ chuyện "hậu duệ" ở Việt Nam… cũng thế.

Họ chỉ mong được làm việc, được gắng sức, được thi thố và thăng tiến trong một lộ trình minh bạch, công khai, sáng rõ như "dưới ánh mặt trời". Nếu đúng như vậy thì con, em, anh, chị một lãnh đạo nào đó có tiếp tục làm lãnh đạo, cũng sẽ được người dân ca ngợi.

Chỉ khi "lộ trình mới" này được thiết lập, thì xã hội mới không còn phải nhìn thấy những lộ trình đau đớn và tăm tối như hành trình cuối cùng bị buộc sau xe máy, trong chiếc chiếu mỏng, của người phụ nữ khốn khổ ở Sơn La.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại