Vùng núi South Sulawesi, Indonesia từ lâu đã là nơi sinh sống của người Torajan – một tộc người với nét văn hóa tâm linh vô cùng độc đáo, nơi mà sự sống dường như "không bao giờ thật sự kết thúc."
Người Torajan có mối quan hệ vô cùng gắn bó với những người thân trong gia đình, đặc biệt là với những người đã khuất. Dù đã chết nhưng người quá cố vẫn giữ một vị trí quan trọng trong gia đình, được quan tâm chăm sóc thậm chí còn hơn cả những người đang sống.
Marten Labi đang chải tóc, trang điểm cho mẹ mình là bà Yohana Liling mất năm 1997 sau khi khai quật thi thể bà trong dịp lễ hội Ma'nene.
Hai người dân đang trang điểm, mặc quần áo cho cha mẹ họ trước mang đi diễu hành.
Thi thể bà Rapong mất năm 1990 đang được một người thân trong gia đình mang đi diễu hành.
Nghi lễ Ma’nene là một trong những nghi lễ dành cho người chết quan trọng bậc nhất của bộ tộc Torajan. Nghi lễ này được thực hiện hàng năm để bày tỏ lòng tôn kính của người còn sống với những người thân đã khuất trong gia đình, đồng thời đây cũng là dịp để cầu xin cho một vụ mùa mới bội thu hơn.
"Đây là cách chúng tôi bày tỏ lòng tôn trọng với những người thân đã mất. Không có nước mắt hay sự tiếc thương, chỉ có những khoảnh khắc vui vẻ khi chúng tôi được đoàn tụ với những người thân đã qua đời sau khoảng thời gian xa cách.
Chúng tôi cố gắng thể hiện sự kính trọng của mình đối với người đã khuất và đổi lại họ sẽ phù hộ cho chúng tôi có được mùa màng bội thu", một người dân trong làng chia sẻ.
Dù đã chết nhưng mối quan hệ giữa những người Torajan với gia đình họ vẫn không hề mất đi. Hàng năm họ đều được khai quật và 'gặp gỡ' gia đình.
Những người thân trong gia đình vui mừng gặp lại người quá cố và cùng nhau chụp ảnh selfie.
Người phụ nữ cẩn thận chăm sóc cho thi thể người thân quá cố vừa được khai quật.
Đối với người ngoài, Ma’nene có phần ghê rợn vì trong thời gian nghi lễ diễn ra, toàn bộ thi thể của những người đã chết đều sẽ được khai quật, đưa ra khỏi quan tài, thay quần áo mới rồi mang đi diễu hành trên phố.
Nếu đến đây vào dịp lễ này, chắc chắn mọi người sẽ có cảm giác như đang lọt vào phim trường của series phim truyền hình nổi tiếng The Walking Dead khi đâu đâu cũng là xác chết với những trang phục sặc sỡ, thậm chí còn đeo cả kính râm hay hút thuốc lá.
Sau nghi lễ diễu hành, người dân trong làng sẽ mổ trâu hoặc lợn rồi mang dâng cúng người thân đã mất để những người này có đủ hành trang trở về vùng đất thánh.
Sau khi được đưa ra khỏi quan tài, thi thể sẽ được hong khô dưới ánh nắng mặt trời trước khi được người thân trong gia đình thay quần áo mới.
Quan tài của người Torojan thường được đặt trong hang đá, hốc đá hay treo trên cây để dể dàng di chuyển cho mỗi dịp Ma'nene.
Một thi thể vừa được người thân khai quật ra khỏi mộ.
Bên cạnh nghi lễ Ma’nene, tang lễ cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đối với người Torojan, một thành viên trong gia đình chỉ được xem là đã chết khi tang lễ của người đó đã được cử hành.
Thông thường, khi một người trút hơi thở cuối cùng, những thành viên còn lại sẽ lưu giữ thi thể của người đã mất vài ngày rồi mang đi chôn cất nhưng cũng có trường hợp một vài gia đình lưu giữ thi thể đến vài tháng, thậm chí là vài năm.
Trước khi được mang đi chôn cất, thi thể sẽ được tắm rửa trong dung dịch formaldehyde, đặt bên trong một căn phòng và được đối xử như lúc còn sống. Những thi thể này được coi như chỉ "đang bị bệnh" mà thôi.
Mọi người trong nhà sẽ thường xuyên trò chuyện với thi thể, thay quần áo, tắm rửa, thậm chí mang thức ăn hoặc thuốc lá cho người quá cố. Đến thời gian đã định, gia đình sẽ cử hành tang lễ, khi đó người chết sẽ được đưa vào quan tài chôn trong những hang đá, hốc đá hoặc treo trên cây.
Người Torojan tin rằng nếu tôn trọng người quá cố, họ sẽ được phù hộ, có vụ mùa bội thu.
Mọi người chung tay đưa người thân đã mất "trở về" đoàn tụ với gia đình.
Theo National Geographic, hiện vẫn chưa rõ nghi lễ Ma’nene bắt đầu khi nào và hình thành trong hoàn cảnh gì vì người Torajan chỉ mới có chữ viết vào khoảng đầu những năm 1900.
Dựa trên một số dấu vết được tìm thấy, người ta dự đoán tập tục này bắt nguồn khoảng những năm 800 sau Công nguyên, thậm chí là trước đó.
Vào những năm 1500, những nhà thám hiểm Hà Lan đã tìm đến vùng đất này và truyền bá Cơ Đốc giáo cho người Torojan. Ngày nay, ngoài những nghi thức theo truyền thống, nghi lễ Ma’nene còn kết hợp thêm một số nghi lễ của đạo Cơ Đốc để cầu nguyện cho những người đã khuất.
Người Torojan cho rằng một người chỉ thật sự chết đi khi tang lễ của họ được cử hành.
Tang lễ của người Torajan có thể được cử hành sau vài ngày, vài tháng cho đến vài năm sau khi người thân trong gia đình qua đời.
Ngày nay người Torojan thường kết hợp những nghi thức truyền thống của Ma'nene với những nghi thức của Cơ Đốc giáo để cầu nguyện cho người thân của họ.